“Vì Triều Tiên từ chối các loại vắc xin được cung cấp qua cơ chế COVAX nên họ đang tìm các loại thuốc thay thế”, INSS, tổ chức liên kết với Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết.
“Dường như Triều Tiên có cảm tình với các sản phẩm do Nga sản xuất. Nhưng có thể họ đang yêu cầu Nga cung cấp miễn phí.”
INSS cho biết ngay cả khi Triều Tiên mua được vắc xin Pfizer và Moderna, nước này vẫn có thể gặp khó khăn trong việc vận hành các “dây chuyền lạnh sâu” để bảo quản thuốc.
Theo kế hoạch, Bình Nhưỡng sẽ nhận khoảng 2 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế phân phối COVAX. Nhưng đến thời điểm hiện tại, quốc gia này vẫn chưa nhận được mũi tiêm nào.
Một quan chức chính phủ ở Seoul trước đó cho biết Triều Tiên có thể đang trì hoãn vì chưa “hoàn toàn sẵn sàng nhận vắc xin”, chẳng hạn như chưa quyết định về kế hoạch tiêm chủng, cũng như những đối tượng sẽ được tiêm.
Trước đó, NIS cho biết hiện chưa có bất kì dấu hiệu nào cho thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Nghị sĩ Kim Byung-kee, dẫn lời NIS cho biết chính phủ Triều Tiên đang khuyến khích người dân tăng cường cảnh giác phòng dịch, thay vì trông chờ vào vắc xin.
Triều Tiên từng tuyên bố chưa ghi nhận bất cứ ca COVID-19 nào, nhưng chính quyền nước này đã thực hiện các biện pháp tương đối quyết liệt và cứng rắn để phòng ngừa đại dịch, như đóng cửa biên giới từ đầu năm ngoái.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cho biết Triều Tiên báo cáo rằng đã xét nghiệm cho 31.794 người tính đến ngày 24/6 và tất cả đều âm tính.
Ông Kim trong các bài phát biểu gần đây đã kêu gọi quốc gia tăng cường các lệnh hạn chế phòng COVID-19, cho thấy Triều Tiên chưa sẵn sàng mở lại biên giới bất chấp thiệt hại lớn về kinh tế.