Hàn Quốc muốn mở đường sắt xuyên Á sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

TPO - Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội trong thời gian tới, bên cạnh những kỳ vọng về tiến trình phi hạt nhân hóa và sự dỡ bỏ phần nào các lệnh trừng phạt của Mỹ tại Triều Tiên, phía Hàn Quốc cũng mong muốn sẽ nối lại tuyến đường sắt xuyên Á của cả 2 miền, vốn đang bị đình trệ suốt hàng thập kỷ.
Bản đồ phác thảo dự án đường sắt xuyên Á nối liền 2 miền Triều Tiên (Ảnh: Bloomberg)

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc đã sẵn sàng triển khai các tuyến đường sắt liên Triều và các dự án kinh tế khác, nếu chúng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Nội dung của các cuộc điện đàm trên cũng bao gồm việc mở lại tổ hợp công nghiệp Kaesong, nơi từng có hơn 120 công nhân đến từ 2 miền Triều Tiên cùng tham gia làm việc, trước khi bị đóng cửa vào năm 2016 do căng thẳng 2 miền leo thang.

“Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể, và sẽ sẵn sàng triển khai bất cứ khi nào có cơ hội,” ông Shin Han-yong, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp các công ty Hàn Quốc tham gia vận hành khu công nghiệp Kaesong, cho biết. Dù vậy, ông Shin cũng lưu ý rằng nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn rất thận trọng do chưa chắc có thể đạt được một thỏa thuận nào hay không: “Dù không tệ, nhưng điều này thật khó để có thể lạc quan một cách thái quá.”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vốn đã đặt nền móng cho tuyến đường sắt liên Triều từ năm 2018, với việc tổ chức một buổi lễ vào tháng 12 năm ngoái để hiện đại hóa các tuyến đường sắt ở phía Đông và Tây bán đảo Triều Tiên, và nối tiếp sẽ là các công đoạn nghiên cứu và phác thảo thiết kế. Động thái này không chỉ có lợi cho Triều Tiên, mà Hàn Quốc muốn thông qua nó để kết nối với phần còn lại của châu Á trên đất liền, và sau cùng sẽ liên kết với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, để thúc đẩy thương mại giữa châu Âu và châu Á.

Dự án đường sắt liên Triều vốn được khởi động từ hơn 15 năm trước, nhưng đã bị gián đoạn bởi căng thẳng chính trị giữa 2 miền và các lệnh trừng phạt mà thế giới áp đặt lên Triều Tiên, do việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng. Khoảng 1 thập kỷ trước, các đoàn tàu của Hàn Quốc vẫn có thể di chuyển vào khu công nghiệp Kaesong ở phía bên kia biên giới, cho đến khi căng thẳng chính trị đã buộc những chuyến tàu như vậy phải chấm dứt.

Cho nên, việc phục hồi tuyến xe lửa liên Triều sẽ giúp các chuyến tàu tại Hàn Quốc không chỉ được trở lại Triều Tiên, mà còn có thể đi sang Nga, Trung Quốc, và hơn thế nữa, làm giảm đáng kể giá thành vận chuyển từ nền kinh tế vốn thiên về xuất khẩu của nước này. Nó cũng sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi đối với các tập đoàn tại Hàn Quốc, từ lĩnh vực thi công cho đến sản xuất cổ phiếu, như các công ty Kỹ thuật và Xây dựng Hyundai và công ty Hyundai Rotem, trong việc cạnh tranh với các đối thủ của mình tại Trung Quốc, vốn cũng đang có tham vọng nhảy vào thị phần tại bán đảo Triều Tiên.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng cũng sẽ giúp Triều Tiên xóa bỏ các rào cản trong việc khai thác các nguồn khoáng sản của mình, những thứ có giá trị lên tới 6 triệu tỉ Đô la Mỹ theo ước tính của Viện tài nguyên Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nước này cùng là nơi tích trữ các mỏ tài nguyên hiếm lớn nhất trên thế giới, có vai trò quan trọng trong việc chế tạo các thành phần chính của động cơ xe điện và nhiều thiết bị công nghệ cao mà Hàn Quốc đang sản xuất.

“Dự án đường sắt này rất khác so với những dự án trước đó, vì đây là thứ duy nhất không chỉ có mục tiêu kết nối Hàn Quốc với phần còn lại của châu Á, mà còn có mục đích cải thiện việc giao thương hàng hóa tại Triều Tiên,” ông Lee Hae-jung, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Hyundai ở Seoul, Hàn Quốc, cho biết, “ Các tuyến đường ray và đường bộ đều rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế, vì vậy việc giúp đỡ Triều Tiên hiện đại hóa hệ thống giao thông thực sự có thể vực dậy nền kinh tế của nước này.”

Theo Theo Bloomberg