Đại diện chính phủ Hàn Quốc cuối ngày 6/3 cũng chính thức xác nhận: hai dàn phóng tên lửa thuộc hệ thống THAAD đã được vận chuyển bằng đường không tới căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc, sau đó được đưa tới bố trí trong khu vực sân golf Seongju ở tỉnh Gyeongsang.
Trước đó hôm 3/2, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ, Hàn đã nhất trí triển khai hệ thống THAAD sớm nhất vào cuối tháng 6 năm nay để đối phó với nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, theo Phương Đông.
Sau đó, Trung Quốc đã lên tiếng kịch liệt phản đối vì cho rằng việc bố trí hệ thống THAAD đe dọa đến an ninh của Trung Quốc và không có lợi cho việc giảm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, cả Hàn Quốc và Mỹ đều khẳng định, hệ thống phòng thủ này đơn thuần chỉ mang mục đích phòng vệ trước các hành động gây hấn từ Triều Tiên.
Việc Hàn Quốc và Mỹ triển khai THAAD diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng liên tiếp 4 tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông bán đạo Triều Tiên khiến tình hình khu vực càng trở nên căng thẳng.
Hệ thống THAAD bao gồm: xe chỉ huy, rada điều khiển hỏa lực, 6 giàn phóng có 8 ống phóng với 48 quả đạn. Tính năng kỹ thuật của nó vượt trội hẳn so với mọi hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa đạn đạo khác.
Tầm bắn của các tên lửa thuộc hệ thống THAAD lên tới 300km, có thể phòng thủ khu vực có bán kính 200km; trong khi các tên lửa “Patriot-2” và “Patriot-3” chỉ có tầm bắn 15km và 30km.
Hệ thống THAAD sử dụng radar AN/TPY-2, được coi là hệ thống radar di động trên mặt đất lớn nhất, tính năng mạnh nhất thế giới hiện nay.
Báo chí Trung Quốc cho rằng, radar của THAAD có thể giám sát được các tên lửa Trung Quốc ngay từ giai đoạn rời bệ phóng để cung cấp các dữ liệu tình báo giúp cho việc báo động và đánh chặn giai đoạn sau, có thể giúp vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo vượt đại châu của họ.