Dù quan hệ Nhật Bản - Philippines bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước nhưng hợp tác quốc phòng mới được đẩy mạnh dưới thời cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, một phần do những quan ngại chung về các hành động của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông. Dù có những lo ngại về việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xích lại gần Trung Quốc nhưng những cam kết giữa Tokyo và Manila vẫn được tiếp tục thực hiện và thúc đẩy.
Tháng 3/2016, hai nước ký thỏa thuận về chuyển giao công nghệ và trang thiết bị quân sự, đưa Philippines trở thành nước thứ tư ký thỏa thuận như vậy với Nhật Bản và mở đường cho nhiều bước phát triển khác liên quan quốc phòng sau khi Tokyo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Tháng 9/2016, Nhật Bản và Philippines đạt được thỏa thuận về việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ cho Philipipines thuê 2 máy bay quân sự trong 1 năm tính từ tháng 3. Một phần của thỏa thuận song phương đó đang được triển khai. Philippines tiếp nhận 2 máy bay TC-90 ngày 27/3. Và việc huấn luyện các phi công Philippines vẫn đang được thực hiện tốt với hai khóa đã được hoàn thành vào tháng 3 và tháng 10 năm nay tại căn cứ không quân Tokushima của Nhật Bản. Nhưng Philippines hy vọng có thể chuyển từ thỏa thuận cho thuê sang thỏa thuận cho sử dụng miễn phí các máy bay của Nhật. Điều này trở thành hiện thực sau khi Nhật Bản sửa đổi luật, mở đường cho việc Tokyo tặng thiết bị quân sự đã qua sử dụng cho các nước đang phát triển.
Hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera được cho là đã thông báo với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 4 rằng, Tokyo đã quyết định sẽ chính thức tặng 5 chiếc TC-90 cho Manila. Hai chiếc trong số đó đã được chuyển giao dưới dạng cho thuê còn 3 chiếc nữa sắp được bàn giao.
Dù đây chỉ là thay đổi nhỏ nhưng giới quan sát cho rằng, không thể đánh giá thấp ý nghĩa của nó. Dù đã có một số cải tiến, lực lượng vũ trang Philippines vẫn là một trong những quân đội yếu nhất trong khu vực và Manila đang tiếp tục cố gắng nâng cao năng lực bằng ngân sách hạn chế của mình. Trong bối cảnh đó, bất kỳ sự giúp đỡ nào của các đối tác như Nhật Bản cũng đều được chào đón, nhất là khi được miễn phí hoặc có chi phí thấp.
Máy bay TC-90 có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, từ cứu trợ thảm họa đến hoạt động bảo đảm an ninh trên biển. Manila không có đủ máy bay để tuần tra thường xuyên trên biển Đông, và máy bay TC-90 có thể được trang bị radar giám sát mặt đất và trên không để giúp Manila đối phó những mối đe dọa đối với tuyên bố chủ quyền của họ ở vùng biển này. Với tầm xa khoảng 1.900km, máy bay TC-90 sẽ tăng gấp đôi khu vực mà Philippines có thể tuần tra.
Bên cạnh đó, bước đi này chắc chắn cũng có ý nghĩa với Nhật Bản. Dưới dưới Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ quốc phòng với từng quốc gia ASEAN cũng như cả khối. Một trong những lĩnh vực khó khăn đối với Tokyo là việc chuyển giao thiết bị quốc phòng vì nước này mới thực hiện các hoạt động như vậy sau khi dỡ bỏ luật cấm có hiệu lực mấy chục năm qua.
Do đó, thỏa thuận tặng 5 máy bay TC-90 cho Philippines được cho là một bước tiến lớn đối với Nhật Bản trong lĩnh vực này. Thỏa thuận trở thành ví dụ đầu tiên về việc chuyển giao miễn phí thiết bị quốc phòng dư thừa cho nước khác cho thấy Tokyo trên thực tế có thể thâm nhập khu vực cho dù là nước mới trên thị trường thiết bị quân sự. Điều này cũng củng cố vai trò của Philippines như một trong những nước chủ chốt mà Nhật Bản có thể thúc đẩy quan hệ quốc phòng bất chấp nhiều bất định dưới thời ông Duterte, giới quan sát nhận định.