Hai trong một

TP - Luôn khuấy động mọi cuộc vui, luôn hết lòng cùng bè bạn… Nhưng ít ai biết rằng, để có một nhà văn Nguyễn Một của hôm nay, anh đã nếm trải những tháng ngày đong bằng nỗi đau, nước mắt và sự cô đơn không dễ gì sẻ chia…

> Nguyễn Một ra mắt Ngược Mặt trời

Trong suốt buổi ra mắt tiểu thuyết “Ngược mặt trời” mới đây, Nguyễn Một hầu như không nói gì, chỉ lặng lẽ lắng nghe. Thỉnh thoảng, gặp những câu đùa của đồng nghiệp vui tính, anh cười hết cỡ, nhăn đôi con mắt đằng sau cặp kính dày và đáp trả những câu hài hước để mọi người cười ồ lên. Nguyễn Một là vậy.

Bình thường, anh là người luôn làm nóng mọi cuộc vui, với cái giọng Quảng Nam ồn ào, vang vang và tiếng cười thoải mái bật ra bởi những câu chuyện trên trời dưới bể. Nhưng có một Nguyễn Một tĩnh lặng, đôi mắt ướt đỏ khi câu chuyện của tôi và anh ngược về quá khứ.

Dường như có chút ngại ngần về những bí mật của cuộc đời và những trải nghiệm cất giấu trong trang văn, Nguyễn Một bảo, trong cõi văn chương, ít ai nói trước được điều gì, một tác phẩm ra đời hay dở đôi khi nằm ngoài sự mong muốn của chính tác giả.

Nếu nói rằng, câu chuyện văn chương đối với anh nằm trong số phận, định mệnh hay một điều gì tương tự, thì hoàn toàn đúng như thế.

Và ít ai biết rằng, trong con người gã nhà văn đầy hào sảng, đầy tự tin, đầy ồn ào ấy, lại chứa đựng cả một tuổi thơ và những tháng ngày đắng đót bởi những vết sẹo chẳng bao giờ lành của ký ức.

Nguyễn Một mồ côi cha từ khi còn trong bào thai mẹ, mồ côi mẹ năm lên bốn tuổi. Một viên đạn xuyên qua đầu mẹ anh khi bà đang ngủ. Anh nằm dưới nách ôm mẹ ngủ ngon lành.

Người cậu gỡ Nguyễn Một ra khỏi tay mẹ, khi máu của mẹ đẫm cả người anh, đó là một đêm rằm tháng mười trăng sáng đầy thê lương, hình ảnh đó ám ảnh Nguyễn Một mãi đến tận bây giờ.

Cậu và bà ngoại nuôi anh lớn. Nhà nghèo, Nguyễn Một phải chặt củi, đốt than, làm ruộng, mót lúa, bán cà-rem, lượm rác Mỹ kiếm sống và đi học.

Khi mới vào đời Nguyễn Một làm nghề dạy học tại vùng núi của tỉnh Đồng Nai, rồi làm tổng phụ trách Đội, lúc ấy anh có sáng kiến với chương trình “Câu chuyện dưới cờ” được Hội đồng Đội Trung ương phổ biến toàn quốc. Ngay sau đó, được mời dự hội nghị “Tổng Phụ trách giỏi” rồi được tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ”.

Chính thời gian này, đã tạo cho Nguyễn Một cơ hội tốt để đến với văn chương. Hồi đó, có nhiều thời gian gần gũi, tiếp xúc với những câu chuyện tuổi học trò, thấy hay và ngộ nghĩnh, anh bèn nghĩ, tại sao không viết truyện cho các em đọc?

Thế là Nguyễn Một bắt tay vào viết truyện thiếu nhi gửi các báo đăng với bút danh Dạ Thảo Linh, cũng chính là tên của cô con gái rượu bé bỏng của anh.

Nhà văn kể: “Truyện của tôi được các bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận nồng nhiệt, sau đó được nhà văn Khôi Vũ và cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ chú ý và các anh tìm đến trường, lúc đó tên tuổi của các anh quá lớn nên tôi cảm động lắm, tôi nhớ lúc ấy khoảng giữa năm 1995, nhà tập thể nghèo xơ không có ghế để ngồi, tôi trải chiếu mời các anh ngồi dưới đất, hai anh bảo rằng tôi có tố chất của nhà văn và vốn sống đầy đặn, hãy viết truyện dành cho người lớn. Thế là tôi thử viết gửi cho nhà văn Nguyễn Đức Thọ, thời gian lâu chẳng thấy ai nói gì, tôi cũng chẳng chú ý và vẫn ngày ngày đến lớp gõ đầu trẻ. Bỗng dưng, một hôm thầy hiệu trưởng bắt điện thoại và gọi toáng lên “Trường ta có ai tên Dạ Thảo Linh không, có điện thoại”.

Tôi lao đến chụp ống nghe, đầu dây bên kia giọng bắc miền Trung nặng trịch “Anh là Nguyễn Quang Lập làm báo Văn nghệ trẻ đây, mầy là Dạ Thảo Linh hả? Dạ Thảo Linh cái con khỉ, tên Nguyễn Một hay thế mà không dùng! Nguyễn Đức Thọ gởi cho tao cái truyện ngắn của mầy, được đấy, tao đăng với tên Nguyễn Một nhé!”.

Tôi chỉ biết vừa dạ vừa run, được Nguyễn Quang Lập gọi điện sướng cả tuần. Sau đó tôi hăng hái viết hàng chục truyện ngắn cho Văn nghệ trẻ, Văn nghệ “già”.

Đến năm 1996, Nguyễn Một nghe mọi người nói nhà văn phải in sách, thế là tập hợp truyện ngắn lại nhờ nhà văn Khôi Vũ giúp in. Mọi thứ chuẩn bị xong nhưng thiếu tiền, lúc đó buổi sáng Nguyễn Một dạy học, chiều đi bán cà-rem, vợ nuôi vài con heo, tiền không đủ cho con uống sữa, tiền đâu in sách.

Nghĩ mãi anh bèn thủ thỉ dụ bà xã bán cặp heo để in sách và hứa trả lại đủ cả vốn lẫn lời sau khi bán sách. Ai dè cả mấy năm chẳng thấy tiền đâu, bà xã cười trừ.

Nguyễn Một kể, sau khi có sách in ra, nhà báo Trần Đình Thu của báo Thanh Niên tìm về và nói:“Trời ơi sao nghèo thế, viết văn, dạy học sao sống được, viết báo đi!”.

Và anh dạy Nguyễn Một viết báo, khi viết được vài cái tin và bài trên báo Thanh Niên, anh giới thiệu làm cộng tác viên báo Tiền Phong.

“Đến năm 1998, tôi được tuyển về báo Tiền Phong, bỏ hẳn nghề dạy học. Tuy cuộc sống khá hơn nhưng tôi buồn rũ rượi cả năm trời, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học trò. Làm báo mười năm chạy theo thời sự chỉ viết được truyện ngắn, văn thì làng nhàng, báo thì bết bát thiếu định mức suốt”.

Nhưng nhờ làm báo Nguyễn Một đi nhiều và quen nhiều, trong đó có anh bạn Trần Bá Dương là người sáng lập và là Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải ngày nay.

Thấy Một loay hoay với nghề báo, anh bảo: “Ông có tố chất nhà văn, không làm báo được lâu dài đâu, về làm Văn hóa & Truyền thông cho công ty tôi, lương đủ sống khi nào thích thì viết văn”.

Thế là đầu năm 2008 Nguyễn Một bỏ báo về làm ở công ty. Giờ đây, anh em bạn bè đồng nghiệp cũ thấy một Nguyễn Một trông rất doanh nhân, nhiều khi ăn mặc láng cóng, và chỉ giống Một ngày xưa khi cười, và khi tán láo.

Bây giờ thì với Nguyễn Một, cuộc sống khổ ải, ngày chạy từng bữa ăn, bươn bả với từng miếng cơm manh áo để sống qua ngày chỉ còn là một ký ức. Dù, theo như Nguyễn Một nói, bây giờ, anh cũng chẳng giàu sang gì để có thể trong vinh quang nhớ lại thuở hàn vi như một điều gì đó xa xỉ.

Nhưng Nguyễn Một chắc chắn một điều, nhờ cuộc sống khổ ải từ nhỏ, cuộc đời đầy long đong lận đận thuở mới lập nghiệp đã dạy anh cách phân thân thành hai con người khác nhau.

Một con người nồng nhiệt ồn ào cho cuộc sống và công việc và một con người ưu tư và trầm lắng cho văn chương. Cuộc sống luôn có những đổi thay theo những chiều hướng khác nhau và đã là con người thì luôn phải sống cho những điều tưởng như đã cũ, những giấc mơ đã cũ.

Cũ nhưng nó luôn ám ảnh, ngự trị trong từng tế bào của con người anh để ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, có những đêm dài cái tôi bé nhỏ vẫn khóc nấc lên bởi giấc mơ thơ ấu, chồm tỉnh dậy trong tiếng gọi mẹ khản hơi, trong nỗi trống trải điên cuồng vì thiếu hơn ấm và bàn tay nâng niu của người sinh dưỡng.

Bởi thế, trong mỗi trang văn của Nguyễn Một từ những truyện ngắn đầu tiên đến tiểu thuyết đoạt giải thưởng Hội Nhà văn “Đất trời vần vũ” và cho đến cuốn sách mới nhất “Ngược mặt trời”, anh luôn tái hiện những khoảnh khắc buồn vui, yêu thương, hờn giận diễn ra ở nơi anh sinh ra- Quảng Nam và miền Đông Nam bộ tuyệt vời đã nuôi anh khôn lớn như để trả nợ cho vùng đất ấy.

Trước tiểu thuyết “Ngược mặt trời”, anh chia sẻ với độc giả rằng: Cuốn sách này có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn.

Và, văn chương của anh như một mạch nối của ký ức - hiện tại, của sự suy ngẫm và từng trải cùng những ám ảnh về một thời ấu thơ.

Phải chăng, khi trái tim nhà văn lên tiếng là lúc lắng lòng, cô đơn, buồn nhất. Với Nguyễn Một, viết văn là sự giải tỏa và ghi lại tâm trạng đời sống của mình trước hết để thỏa mãn cái tôi từng vật vã, ưu tư vì cuộc sống và miếng ăn, chứ không phải vì những danh tiếng hay bằng những giải thưởng cao quý, dù anh có vẻ là người có duyên với các giải thưởng văn chương lớn nhỏ.

Nhà văn Nguyễn Một.
 

Một người bạn văn đã nhận xét rất đúng về Nguyễn Một: Ngoài đời, Nguyễn Một nói khỏe, cười to, đùa bỡn, giễu nhại, anh có mặt ở đâu là đám đó vui nổ trời. Nhưng văn thì thiếu vắng tiếng cười; mặc dù vẫn hào phóng, tung tẩy, không hề yếu đuối mặc cảm.

Nhà văn Nguyễn Một.
Nhà văn Nguyễn Một.

Vẫn bị ám ảnh bởi cuộc chiến

Nhà văn Nguyễn Một.
 

Nguyễn Một đang thai nghén đề tài về cuộc chiến tranh đã từng xảy ra ở mảnh đất Duy Xuyên (Quảng Nam), nơi anh có 11 năm sống trong thời chiến, nhưng đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất.

Nguyễn Một chia sẻ: “Tôi chứng kiến nhiều cái chết khủng khiếp do chiến tranh mang lại. Sau này nhớ lại tôi hiểu được thân phận dân tộc tôi qua thân phận con người. Quãng đời đó để lại dấu ấn khá đậm trong văn của tôi. Tôi vẫn đang ấp ủ viết về cuộc chiến với cái nhìn của những người nông dân nghèo chứ không phải từ bên này hay bên kia như văn chương của chúng ta bấy lâu nay vẫn thường đề cập. Tôi muốn thông qua trang viết và thông qua những hình tượng nhân vật bình dị nhất, nói được tâm trạng và hiện trạng đau buồn của người dân miền Nam Việt Nam phải gánh chịu từ cuộc chiến, mà tôi, gia đình tôi, cha mẹ tôi, đã là những người trong cuộc. Cũng thông qua đó, tôi muốn nói đến quan điểm sống của tôi: Có thể sai nhưng đừng ác, có thể ghét nhưng đừng hận thù. Tôi là một người không đủ nghị lực để dứt bỏ quá khứ, một nửa tâm hồn tôi trong hiện tại luôn sống với quá khứ, tôi biết điều đó có thể không mang lại hạnh phúc, nhưng biết làm sao được khi quá khứ như cạnh nứa bén ngót cứa vào tim tôi đau buốt tê dại”.

Nhà văn Nguyễn Một.
Nhà văn Nguyễn Một.
Theo Báo giấy