Hải quân Mỹ ủng hộ thông qua UNCLOS?

TP - Liệu những lợi ích của hải quân Mỹ có giúp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được phê chuẩn sau hàng chục năm trì hoãn?

> Mỹ coi trọng hợp tác toàn diện với ASEAN

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry ngày 24-5 trình bày các quan điểm ủng hộ phê chuẩn UNCLOS. Ảnh: Defense.gov.

Lợi ích

Trước hết, xuất phát từ lý do an toàn hàng hải, hải quân Mỹ luôn coi trọng việc phối hợp chống cướp biển. Theo UNCLOS, các bên ký kết phải có trách nhiệm ngăn chặn bất kỳ hành vi nào liên quan cướp biển, gồm cả vùng biển bên ngoài lãnh hải của các nước.

Trong trường hợp UNCLOS không được phê chuẩn, việc chống cướp biển của lực lượng Hải quân và Cảnh sát bờ biển Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì Mỹ hiện là thành viên của Công ước Chống các hành động vũ lực vi phạm an toàn hàng hải (SUAC 1988).

Tuy vậy, nhiều quan chức hải quân và cảnh sát bờ biển Mỹ vẫn kêu gọi thông qua UNCLOS như quan điểm của Đô đốc Allen, cựu Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển và cựu cố vấn pháp lý cho Bộ Ngoại giao, bày tỏ trong các cuộc tranh luận về UNCLOS năm 2007.

Nếu UNCLOS được thông qua, Mỹ sẽ có thêm cơ sở pháp lý cho hoạt động chống cướp biển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Là thành viên của UNCLOS, Mỹ sẽ có thêm khả năng được cộng đồng quốc tế ủy quyền, cho phép sử dụng ưu thế quốc gia trong việc dùng phương tiện công nghệ cao như máy bay trinh sát không người, hệ thống định vị toàn cầu GPS… nhằm giám sát hoạt động của các nhóm cướp biển và các hành động vũ trang trên biển, từ đó có những biện pháp và phản ứng ngăn ngừa kịp thời hơn.

Thứ hai, việc tham gia UNCLOS sẽ giúp lực lượng Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động trong lĩnh vực ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, một lĩnh vực mà nhiều nhà phân tích cả trong và ngoài chính phủ đều cho rằng là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện tại và trong thời gian tới.

Nhiều nhà phân tích nêu lại sự kiện tháng 6-2011 khi một tàu khu trục Mỹ chặn một tàu mang cờ Belize bị nghi ngờ vận chuyển thiết bị tên lửa đang trên hành trình tới Myanmar.

Tàu khu trục Mỹ buộc tàu này phải quay lại nơi xuất phát là CHDCND Triều Tiên. Hành động này được cho là chỉ dựa trên cơ sở tập quán quốc tế nên thay vì được nhìn nhận như một một hành động pháp lý, nó bị nhiều nước gán cho biểu hiện của bá quyền Mỹ.

Tham gia UNCLOS sẽ tạo điều kiện để Mỹ ký kết các thỏa thuận song phương và đa phương với những nước khác trong hợp tác biển chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thứ ba, hải quân Mỹ muốn thông qua UNCLOS để giải quyết các thách thức an ninh mới nảy sinh tại những khu vực như Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương, Caribe và đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương - nơi tranh chấp biển Đông đang ngày càng gay gắt.

UNCLOS đang là cơ chế trung tâm trong việc giảm bớt căng thẳng và ngăn ngừa xung đột trên biển. Việc UNCLOS chưa được phê chuẩn khiến Mỹ không thể sử dụng cơ chế giải quyết xung đột của UNCLOS để hỗ trợ đồng minh Philippines trong mục tiêu dàn xếp tranh chấp với Trung Quốc.

Một số quốc gia đang có những cách giải thích các điều khoản của UNCLOS theo hướng mang lại lợi ích riêng cho quốc gia và hạn chế lợi ích của Mỹ nói chung cũng như của hải quân Mỹ nói riêng. Nếu tiếp tục đứng ngoài Công ước thì Mỹ sẽ không thể tác động tới quá trình này.

Chờ đợi

Dự thảo phê chuẩn UNCLOS đã được Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đưa ra điều trần trước các chuyên gia và thượng nghị sĩ. Dự thảo này đang chờ đợi sự chấp thuận của Thượng viện gồm 100 thượng nghị sĩ. Sau khi được Thượng viện thông qua, dự thảo sẽ trở thành luật nếu tổng thống ký thông qua.

Trong bối cảnh nhiều nghị sỹ không muốn tạo ra tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống khi cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần và nhiều nghị sỹ Cộng hòa vẫn giữ quan điểm phản đối cứng rắn, quá trình Mỹ phê chuẩn UNCLOS được dự báo sẽ còn kéo dài, ít nhất là hết năm 2012.

Theo Báo giấy