Hải quan bắt giữ gần 12.000 vụ vi phạm, trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

10 tháng qua, toàn ngành Hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 12.000 vụ vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.000 tỷ đồng, qua đó thu nộp ngân sách 170 tỷ đồng.
Hơn 60.000 viên thuốc điều trị COVID-19 ngụy trang dưới “vỏ bọc” thực phẩm vừa được lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ đầu tháng 9/2021

Ngày 16/11, thông tin từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, toàn ngành chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 12.000 vụ vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.000 tỷ đồng, qua đó thu nộp ngân sách 170 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 25 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 102 vụ.

Liên quan đến tội phạm ma túy, theo Tổng cục Hải quan, năm qua, các đối tượng chuyển hướng hoạt động mạnh sang tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và cất giấu số lượng lớn ma túy lẫn trong hàng hóa xuất nhập khẩu với phương thức tinh vi (giấu trong tân dược, sữa, thực phẩm chức năng; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong loa, thiết bị máy móc,...)

Điển hình, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công 2 chuyên án lớn. Trong đó, chuyên án ngày 9/4 do Cục Hải quan TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an kiểm tra nhiều kiện hàng gửi từ Hà Lan, Đức về Hà Nội qua đường hàng không có dấu hiệu nghi vấn. Kết quả, đã bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ 127,5kg ma túy tổng hợp.

Chuyên án ngày 19/5 do Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) xác lập, phối hợp với Công an TP HCM bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ khoảng 280kg Ketamine được cất giấu trong các máy mô tơ điện và trong các thùng xốp chứa dạ dày và lòng lợn đông lạnh để chuẩn bị vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ.

Trong tháng 8 và 9/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan TP Hà Nội phát hiện bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh COVID-19.

Theo Tổng cục Hải quan, dịp trước, trong và sau Tết là thời gian cao điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại và tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trong đó, toàn ngành Hải quan tập trung tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng...và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: Thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm... và hàng cấm như ma túy, pháo nổ...