Sự kiện này được thực hiện ngay sau khi Hàn Quốc bác đề nghị chính thức của CHDCND Triều Tiên về việc khôi phục đàm phán liên Triều nhằm tháo ngòi căng thẳng vừa bị đẩy lên cao trong quan hệ giữa hai nước.
Năm ngoái, khi quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng sau vụ tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan bị đánh chìm làm 46 thủy binh thiệt mạng, Triều Tiên chủ động và đơn phương cắt đứt đường dây thông tin liên lạc Chữ thập Đỏ tại làng biên giới Panmunjom.
Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên càng trở nên căng thẳng sau vụ Bình Nhưỡng dùng trọng pháo tấn công một hòn đảo nhỏ ở khu vực biên giới trên biển do Hàn Quốc đóng quân.
Tuy nhiên, vừa qua Bình Nhưỡng chủ động và chính thức đề nghị nối lại đàm phán với Seoul. Triều Tiên hôm 10-1 còn đưa ra những cử chỉ hòa hợp dân tộc, đề nghị Hàn Quốc nối lại kênh liên lạc Chữ thập Đỏ và cho phép các quan chức Hàn Quốc trở lại khu công nghiệp Kaesong - liên doanh giữa hai nước. Tổ hợp công nghiệp này đặt trên lãnh thổ Triều Tiên gần biên giới hai miền.
Hàn Quốc vẫn bác bỏ mọi lời mời chào đối thoại của Triều Tiên, nói rằng Bình Nhưỡng cần thể hiện trách nhiệm đối với các vụ tấn công sang phía Hàn Quốc vừa qua, đồng thời phải có những bước đi cụ thể tiến tới giải giáp hạt nhân trước khi nối lại đàm phán. Phía Bình Nhưỡng luôn phủ nhận trách nhiệm liên quan vụ tàu Cheonan.
Mặc dù vậy, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phía Seoul vẫn đồng ý để cho công nhân viễn thông hai miền Triều Tiên nối lại đường dây nóng Chữ thập Đỏ qua biên giới hai nước. Đây là kênh liên lạc giúp hai bên trao đổi thông tin về các vấn đề nhân đạo như đoàn tụ thành viên các gia đình ở hai miền bị ly tán trong chiến tranh.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-joo cho biết, trước mắt Hàn Quốc chưa có kế hoạch cử các quan chức trở lại khu tổ hợp công nghiệp liên doanh Kaesong trừ khi phía Bình Nhưỡng cam kết đảm bảo an toàn cho họ cũng như hứa không trục xuất họ trong tương lai. Bình Nhưỡng trục xuất các quan chức Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp Kaesong hồi năm ngoái, sau khi Seoul giảm mạnh thương mại liên Triều để phản ứng việc tàu Cheonan bị đánh chìm.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, sau khi nối lại đường dây nóng qua biên giới hôm 12-1, phía Triều Tiên gửi cho Hàn Quốc một bức điện bày tỏ sự lấy làm tiếc trước quyết định của Seoul không cử các quan chức tới Kaesong. Phía Bình Nhưỡng còn đề nghị với Seoul về việc tổ chức đàm phán về tổ hợp Kaesong và dự án du lịch chung tại khu nghỉ mát trên Núi Kim Cương thuộc lãnh thổ Triều Tiên.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc bác lời đề nghị này, cho rằng Seoul muốn đàm phán với Bình Nhưỡng tại nơi nào có thể kiểm chứng được sự thành thật của Triều Tiên.
Đáp lại, báo chí Bình Nhưỡng chỉ trích Hàn Quốc vì đã khước từ lời đề nghị đối thoại gần đây nhất của Triều Tiên, coi đó là một sự cố chấp và cách ứng xử chống lại dân tộc. Một bản tin do trang điện tử Uriminzokkiri của Triều Tiên đăng tải hôm 12-1 nói rằng, Bình Nhưỡng vẫn mong muốn đàm phán với Hàn Quốc để thúc đẩy hòa bình.
Đ.P
Theo AP