40 năm sau, khi đất nước đã hòa bình, anh tìm được ân nhân sau đằng đẵng năm mong ngóng, khắc khoải. Niềm vui vỡ òa. Anh khóc.
Câu chuyện có thật của ông Lã Viết Quang (70 tuổi, quê Nga Sơn, Thanh Hóa) và bà Võ Thị Đào (81 tuổi, thôn Gia An, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Ly sữa ân tình
Lã Viết Quang, chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng) nay đã bước sang tuổi 70. Tóc bạc, sức yếu nhưng câu chuyện về ân tình người chị đất Hoài Châu vắt sữa cứu mình vẫn hiện rõ mồn một trong ông:
Tháng 8/ 1972 chiến sự diễn ra ác liệt trên vùng đất Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định. Địch liên tục dội những loạt bom đạn, quân ta chiến đấu kiên cường quyết liệt nhằm bảo vệ vùng đất vừa được giải phóng. Ông Quang lúc đó là Trung đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng). Lã Viết Quang cùng đồng đội chai lỳ bám trụ. Cho đến khi anh phát hiện mình bị thương ở chân. Vết thương nặng và chảy quá nhiều máu còn đồng đội đã đi cách quá xa nên anh đành bám vách đất chờ người tới tiếp cứu.
Tới trưa, bốn người phụ nữ (sau này mới biết là bà Võ Thị An, Võ Thị Lạc, Võ Thị Đào và Nguyễn Thị Khanh) đi chợ về, thấy thế bảo nhau dìu anh vào căn hầm bí mật gần đó. Thấy anh mất quá nhiều máu, chị Đào vội xé vạt vải áo băng bó vết thương cho anh. Đến chiều thì anh kiệt sức, chỉ kịp kêu hai tiếng yếu ớt “Nước, nước…” rồi lịm đi. Lúc đó mấy người đi cùng đã về hết, còn chị Bốn (tên gọi thân mật ở nhà của chị Võ Thị Đào) dù sốt ruột con nhỏ đang đợi ở nhà nhưng vẫn không đành để người lính trong lúc nguy kịch ở lại một mình, nên vẫn ngồi canh trước cổng hầm.
Giữa chốn đồng không mông quạnh, bốn bề không một mái nhà, không một bóng dừa lấy đâu ra nước?!. Lúc đấy chị mới sinh con được 4 tháng tuổi nên bầu ngực còn căng sữa. Loay hoay một hồi, chị tìm được cái cốc ai đó đã đặt sẵn trong hầm, xoay người vén áo nặn một ly sữa rồi đưa cho người lính. “Lúc đầu chắc ảnh ngại nên từ chối không uống. Tôi phải mạnh miệng nói ngại ngùng gì nữa, tính mạng giờ mới là trên hết. Ảnh uống mà nước mắt rưng rưng” - bà Đào nhớ lại.
Bà Đào khoe tấm ảnh chụp cùng với bức tượng tạc hình mẫu người chị Hoài Châu vắt sữa cứu thương binh tại Phòng truyền thống Sư đoàn 3 Sao Vàng. Ảnh: H.Văn.
Những lá thư không địa chỉ
Khi qua cơn nguy kịch, anh Quang được đồng đội đưa về trung tâm y tế điều trị, rồi được đơn vị chuyển lên tuyến trên và đưa ra Bắc trị thương. Cho tới ngày đất nước giải phóng, anh đau đáu tâm niệm được trở lại Bình Định mong gặp lại ân nhân. Nhưng rồi, những vết thương di chứng của chiến tranh hoành hành khiến sức khỏe yếu dần lại thêm bộn bề lo toan nên chưa có điều kiện để trở lại. Những đêm trằn trọc, anh đã viết rất nhiều bức thư nhưng chẳng biết tên chị là gì, ở địa chỉ cụ thể nào. Những lá thư tay với địa chỉ đến rất chung là xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, Bình Định vẫn bặt vô âm tín. Bức thư không ghi rõ địa chỉ nhưng nội dung thì đượm dài nỗi lòng tha thiết của một người em muốn tìm gặp lại chị - ân nhân cứu mạng của mình. “Tôi vẫn gửi thư đều đặn vì muốn tin vào một phép màu, một điều kỳ diệu như trong chiến tranh tôi đã từng qua” - ông Quang tâm sự.
Năm 2010, ông cùng Đoàn CCB Trung đoàn 12, sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức thăm lại chiến trường xưa. Trong lúc bạn bè đi tham quan các nơi thì ông tranh thủ lần dò, hỏi thăm về người chị đã cứu mình. Một cán bộ xã mách nước rằng trong buổi gặp mặt ngày mai, nhất định sẽ có những người mẹ, người chị thời đó tham dự với tư cách là vợ, mẹ của liệt sỹ.
Đêm đó ông không ngủ được, háo hức, nôn nao cho buổi gặp mặt ngày mai. Buổi gặp mặt diễn ra ngay tại Hội trường UBND xã Hoài Châu Bắc, dân làng kéo đến đông đủ. Còn ông Quang thì mắt nháo nhác đưa tìm, dừng lại ở dãy ghế nơi có ba người phụ nữ tóc đã luống bạc. Một trong ba người nghiêng đầu, ngó xuống vết thương nơi bàn chân trái hỏi: “Chú có phải là chú Quang không?” Chỉ đợi thế ông ôm chặt lấy người phụ nữ, bật khóc. Cả hội trường im lặng, rồi chuyển sang rưng rưng khi nghe câu chuyện ân tình xúc động của hai chị em 40 năm trước. “Đó là cuộc trùng phùng xúc động. Ai cũng bất ngờ dõi theo câu chuyện của hai người. Đúng là chiến tranh gian khổ nhưng có những câu chuyện cổ tích thấm đẫm nhân văn cho con người vì nhau hơn. Họ minh chứng hùng hồn cho tình quân dân cá, nước – ông Nguyễn Đức Yên, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, hiện là thành viên của Ban liên lạc du kích xã chia sẻ.
“Lúc đầu chắc ảnh ngại nên từ chối không uống. Tôi phải mạnh miệng nói ngại ngùng gì nữa, tính mạng giờ mới là trên hết. Ảnh uống mà nước mắt rưng rưng”.
Bà Đào nhớ lại
Bà Đào dẫn anh lính năm xưa về thăm ngôi nhà của mình ở cuối thôn Gia An - nơi mà lâu nay bà vẫn sống một mình. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, chỉ có Bằng khen treo đầy nhà và những bàn thờ liệt sỹ vẫn ấm nóng hương hoa. Bà hiện đang thờ 5 liệt sỹ, trong đó có chồng và con trai đầu. Ghi nhận thành tích đóng góp của bà, hiện UBND đang hoàn tất các thủ tục bổ sung hồ sơ để công nhận Bà mẹ VNAH.
Bà có tất thảy 8 người con nhưng hiện chỉ còn 4. Bốn người con hiện tại do công việc và mưu sinh nên chia nhau tứ xứ. Người lên Gia Lai lập nghiệp, người xuất giá về nhà chồng. Đứa con gái út qua Pháp du học, hiện bà sống một mình. Người con đầu là liệt sỹ Lê Văn Nhương nên mọi người cũng thường gọi là má Nhương.
Đám con nít thường hay kéo nhau về nhà má Nhương để được ăn kẹo hay trái cây khiến ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười đùa tươi trẻ.
Trong hai lần được ra Bắc, ghé thăm phòng truyền thống Sư đoàn 3 Sao Vàng, bỗng bắt gặp hình ảnh mình trong bức tượng được tạc đặt trang trọng tại đây khiến bà vừa bất ngờ, lại vừa xúc động. Không ngờ một việc rất đáng làm trong thời chiến lại được ghi danh, tạc tượng. Ân tình đã qua cả mấy chục năm đến nay vẫn neo nặng trong tâm can người lính.
Còn người lính năm xưa giờ tuổi cũng đã cao, lại thêm sự hành hạ của những vết thương thời chiến mỗi khi trái gió trở trời nên việc đi lại rất hạn chế. Nhưng lần có dịp về Bình Định dù bận đến mấy ông Quang cũng tìm gặp bằng được bà Đào, và ông dặn hai người con trai mỗi khi có chuyến công tác vào Nam nên ghé Bình Định thăm hỏi ân nhân. Bà Đào chỉ cười: “Chiến tranh cướp đi chồng, con trai đầu của má, nhưng rồi trong hòa bình má lại có được người em, con cháu như đông đủ, sum vầy hơn. Ân tình lại được đáp lại bằng ân tình. Đấy mới là sức mạnh của người Việt Nam mình để vượt qua gian khó”.