Hai anh em bị khởi tố oan gần 40 năm đòi bồi thường 38 tỷ đồng

TPO - Sau 40 năm mang tiếng giết người, 2 anh em tại Vĩnh Phúc yêu cầu Viện kiểm sát bồi thường cho họ 38 tỷ đồng.
Người nhà ông Thám cùng các ông Chinh, Đệ tại buổi xin lỗi công khai của Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 23/6, ông Trần Ngọc Chinh (SN 1941) và đại diện của ông Trần Trung Thám (đã mất) vừa gửi đơn yêu cầu Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường hơn 38 tỷ đồng tổn thất tinh thần, vật chất cho thời gian bị bắt oan và sau đó mang tiếng giết người.

Người thứ 3 bị bắt oan trong vụ việc là ông Khổng Văn Đệ (SN 1924, cùng ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhưng gia đình ông chưa công bố số tiền yêu cầu bồi thường oan sai.

Cả 3 người bị bắt, khởi tố về tội giết người vào năm 1980 và được đình chỉ điều tra sau đó gần 3 năm. Họ phải mang thân phận bị can trong hơn 30 năm, tới khi Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận có sai sót trong việc khởi tố, điều tra các ông.

Tháng 10/2019, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đã xin lỗi công khai các ông Chinh, Thám và Đệ, mong gia đình họ thông cảm cho các cơ quan công tố thời bấy giờ.

Đến nay, ông Chinh yêu cầu được bồi thường hơn 12,8 tỷ đồng cho những tổn thất về tinh thần, sức khỏe, thu nhập bị mất... Người đại diện hợp pháp của ông Thám đề nghị bồi thường 25 tỷ đồng. 

Được biết, đại diện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đã làm việc với 2 người và đưa quan điểm, việc bồi thường phải phù hợp quy định của pháp luật. Viện kiểm sát sẽ có thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu bồi thường này và sau đó xúc tiến thương lượng bồi thường với các gia đình.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng (huyện Sông Lô) xảy ra vụ giết ông Chu Văn Quản (Bí thư chi bộ thôn). Ngày 3/3/1980, ông Chinh, Thám bị khởi tố, bắt giam. Hai tháng sau đó, ông Thám chết trong trại giam và công an thông báo nguyên nhân do mắc bệnh kiết lỵ. Tháng 4/1980, ông Đệ và Nguyễn Đình Ký bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc giết người.

Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ) xác định chỉ có một mình ông Ký gây án và người này sau đó nhận án tù chung thân. Các ông Chinh, Thám và Đệ được trả tự do sau đó.