Do ảnh của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 1h ngày 25/9 đến 1h ngày 26/9 phổ biến 50 - 99mm. Riêng khu vực Hương Khê, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Thạch Hà có mưa rất to và lượng mưa phổ biến: 120 - 250mm, đặc biệt tại trạm Hương Trạch (Hương Khê) quan trắc được lượng mưa 330mm.
Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường liên thôn, xã tại huyện miền núi Hương Khê bị ngập cục bộ. Ngoài ra một số cây cầu cũng đã bị ngập, chia cắt như tại xã Hương Đô, Phúc Trạch… Do đường bị ngập, nhiều nơi bị chia cắt, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Trường THCS Phúc Trạch đã chủ động cho học sinh nghỉ học.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Cao Thị Như Vân – Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Trạch cho hay, sáng nay do mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập. Vì có hơn nửa học sinh trường bị cô lập đường đến trường nên nhà trường đã thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học.
“Trường có hơn 550 học sinh, trong khi đó hơn nửa học sinh do ảnh hưởng mưa lớn, đường ngập không thể đi học. Vì thế để đảm bảo cho các em, trường đã thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học”, lãnh đạo Trường THCS Phúc Trạch cho hay.
Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cũng cho biết, trước diễn biến của mưa lũ, tại huyện trong sáng nay có hơn 4.300 em học sinh phải nghỉ học.
"Một số tuyến đường tại xã Hương Lâm, Hương Giang, Hương Đô đã bị ngập úng, có nơi chia cắt nên học sinh không thể di chuyển đến trường được", đại diện Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho hay.
Chủ tịch tỉnh ra công điện ứng phó
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh - Võ Trọng Hải cũng đã ra công điện yêu cầu các giám đốc các sở, thủ trưởng ngành, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai nhiệm vụ.
Theo đó, tại các địa phương phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Rà soát, chủ động lực lượng sẵn sàng di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng bị ngập sâu, chia cắt khi mưa lũ, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, ven sườn núi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa, lũ. Cùng với đó triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao, bố trí lực lượng canh gác, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống.
Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở ban ngành phải theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của ATNĐ; bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai; Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra…