Những năm 80 của thế kỷ trước, chẳng biết thiên hạ thì sao, nhưng cái tên Hà Phạm Phú đã quá nổi tiếng khi tôi làm binh bét, lăn lê ngắm bắn, ném lựu đạn. Báo Quân đội Nhân dân hầu như tuần nào cũng có bài viết đăng dài kỳ nửa trang 2 kéo tràn nửa trang 3 ký tên Hà Phạm Phú.
Sau bữa tối bo bo rau muống chúng tôi ngồi bó chân trên sỏi ong sinh hoạt chính trị và tất nhiên… là đọc báo. Không hiểu sao cứ đến ký sự dài kỳ là chính trị viên đại đội lại chỉ đích danh tôi đọc.
Hà Phạm Phú hay viết về công tác huấn luyện, mà đơn vị tôi lại đang huấn luyện chiến sĩ mới, nên chính trị viên rất mê Hà Phạm Phú.
Hôm nào ông chính trị viên người Cao Đại – Vĩnh Tường cũng bèn bẹt giọng: “Hà Phạm Phú đâu mà không đọc, tìm Hà Phạm Phú mà đọc các đồng chí ạ”.
Mấy hôm đầu được tín nhiệm vì giọng tốt cũng thấy oai oai, nhưng sau oải dần, oải dần vì tôi không đủ sức tròn vành rõ tiếng, truyền cảm lên bổng xuống trầm theo bài viết liền một giờ.
Ăn đói, lại không có dưỡng chất, phải căng họng dưới ngọn đèn bão vàng khè đốt dầu hôi khói phừng phừng như đầu tàu hỏa nhập nhằng cánh thiêu thân. Sau mỗi tối đọc báo thì tôi phải chống gối khạc ra bao nhiêu là muội khói đèn bão bám nhầy phế quản.
Vì thế cái tên Hà Phạm Phú từ ngày đó đã ám ảnh tôi những cảm giác trái chiều: Nể phục tài văn sức viết, nhưng cũng khiến tôi thầm oán ông, lo sợ đọc ký của ông hết tối này lại sang tối sau đến khan giọng lạc tiếng.
Rồi sau duyên nợ, tôi lại thêm một ông anh thơ văn người Phú Thọ nổi danh là Hà Phạm Phú. Làng Đan Hà quê ông dựa lưng vào đồi chè đồi cọ, hướng mặt ra sông Thao huyền hoặc và liền bên con đường sắt chạy qua. Một làng trung du cổ điển có đồng bãi cho dâu tơ mía ngọt, có đồi bát úp cho hoa trái ngọt lành, có những ông đồ già nề nếp gia phong.
Dù mới gặp hay chia tay lâu khi đối mặt Hà Phạm Phú là thấy ngay động tác chào giơ tay hất ngược phía sau kèm theo tiếng reo: “A, đồng chí” quen thuộc đủ vang ngân trong lúc vẫn lúi húi bên bàn làm việc xếp xếp, lật lật tài liệu tiếp điện thoại, đăm chiêu, rạng rỡ và vẫn có nụ cười im im đủ tươi để cho ta cảm nhận rằng ông đang rất bận việc nhưng vẫn quan tâm và chú trọng đến ta.
Lạ lùng là ngay cả lúc ấy hoặc ở những hoàn cảnh ngặt nghèo hơn mà tôi đã chứng thì ông vẫn tạo cho ta cảm giác yên tâm gần gũi; rằng ông sắp có động tác hay câu nói nào đó thoát khỏi hoàn cảnh khiến cả hai lúng túng, thoát khỏi sự lẻ loi nào đó ở bên trong ông.
Café đen không đường, một chai bia Hà Nội nhỏ nơi góc quán bất kỳ, những đối thoại rời vụn, lửng lơ nhưng nhiều ý tứ sẽ kết thúc sự gặp gỡ với ông trong dư vị ấm áp. Nhưng cuộc gặp sẽ ngoặt ngay sang hướng khác, khi đó ông bất chợt nhận được điện thoại của ai, hoặc ai đó quen thân cũng vừa bước chân vào quán.
Một cái lệnh tập hợp ban ra tức thì.
Gọi đồ uống, vẫy đồ nhắm, bày đặt và sắp xếp, ông trở thành thủ lĩnh điều hành cuộc chơi ngẫu nhiên như là đang ở trong cơ quan với tất cả những nghiêm túc và hài hước, bừng náo vừa đủ kiểm soát.
Ngẫu nhiên có giai nhân, thì Hà Phạm Phú sẽ là người sau cùng quan tâm, nhưng lại biết chăm sóc người đẹp một cách cổ điển chết người. Thái độ thì dửng dưng, một chút cập rập cố tình, nhưng mỗi hành vi kéo ghế, lựa chọn ly cốc bát đĩa, đưa chiếc khăn lau cho người đẹp, thì chao ôi duyên dáng chân thành như trong một lễ nghi cưới hỏi, quả không hổ một thời ông suýt được làm Vụ phó đối ngoại Bộ Văn hoá (đã có thông báo miệng...).
Nếu tôi là ở địa vị người đẹp trong tình thế được Hà Phạm Phú đối xử thế thì chắc cũng không thể nghĩ khác, rằng mình có nhan sắc minh tinh.
Ngay cả trong lúc cười nói rổn rảng, ông vẫn có khoảng lặng trầm tư để nghĩ tới công việc còn đang dang dở. Ấy là lúc nâng cốc bia ngập ngừng hoặc lánh ra góc khuất nghe điện thoại.
Cuộc vui chớm tàn kiệt thì ông đã đưa tay kéo khoá chiếc túi đeo bụng “roạt” một cái dứt khoát. Thanh toán. Ví mở sẵn, nhưng hóa đơn được soi từ trên xuống và từ dưới lên.
Bạn bè tản hết, ông ngồi nán lại tần ngần lóc xóc vài viên thuốc tây trắng đỏ trong lòng tay, chiêu ngụm nước lọc để hóa giải những cốc bia mà trước đó đã cạn hết mình.
Người đàn ông chải chuốt
Lần đầu gặp Hà Phạm Phú, tôi thấy một người đàn ông trắng trẻo, hào hoa, nghiêm nghiêm ngồi trên chiếc xe máy Dream bóng nhức từng chân nan hoa, trước số 9 Nguyễn Đình Chiểu.
Sau, gần ông lâu hơn tôi nhận ra: có những người chải chuốt thì gợi lên một sự bóng lộn khó chịu, còn ở Hà Phạm Phú sự chăm sóc bản thân và đồ vật, đến kịch trần thì cũng chỉ thấy nó vừa đủ lịch lãm.
Vâng, đó là đận tôi và nhà thơ Nguyễn Hưng Hải lớ xớ dắt nhau xuống dự Hội Nghị những người viết văn trẻ. Bụi bặm, nhếch nhác loanh quanh mấy địa chỉ trong giấy mời xuôi ngược xích lô đã gần hết phần ba số tiền còm mà chưa biết sẽ ăn nghỉ ở đâu; thì vừa lúc chúng tôi đụng Hà Phạm Phú, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn, thành viên Ban tổ chức.
Thấy đàn em mặt dài như bơm hỏng ông liền lôi hai chúng tôi ngồi sau xe vọt đến số 10 Chu Văn An. Nhận phòng xong thì Nguyễn Hưng Hải kêu toáng là bỏ quên hành lý ở Nguyễn Đình Chiểu. Ba người ngất ngưởng một xe máy quay lại. Trên đường về lại Chu Văn An lòng vòng qua mấy phố buôn, ông dừng lại mời đàn em uống nước, hút thuốc.
Đẩy cao cặp kính màu gọng vàng khoanh tay trước bụng ông đặt ánh mắt vào chiếc áo pull vàng ngà nhàu nhò của Nguyễn Hưng Hải rồi rơi sự băn khoăn vào chiếc áo sơ mi chim cò sặc sỡ, chiếc kính râm đen sì của tôi hồi lâu, rồi chẹp miệng.
- Thế các vị đã có bàn chải, kem đánh răng khăn mặt cho tử tế chưa? Chưa có thì mua luôn ở đây. Và… nếu còn tiền thì tôi sẽ dẫn đi tậu thêm chiếc sơ mi cộc tay nữa. Áo xuất khẩu May 10. Đẹp buốt mắt. Tôi quen cửa, giá hời…
Có ít tiền còi bia bọt còn nợ bạn xa bạn gần, nhưng chúng tôi không thể không nghe lời. Ông anh muốn hình ảnh quê hương đèm đẹp một chút, cũng là để góp phần vào một hội nghị những người viết trẻ cũng có hình ảnh trẻ đẹp.
Hồi bộ phim Ông cố vấn đang phát hoành tráng lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, một buổi gần trưa tôi đang lui cui lo việc nhà thì thằng con đang chơi ở cổng cuống quýt thất thanh:
- Bố ơi, cứu con, cứu con, có ông nào định bắt con. Ông kính đen…
Nhao ra, tôi thấy Hà Phạm Phú kính đen, vest xám, sơ mi nuột nà trắng không cà-vạt, giày đen bóng ruồi bay loá mắt, đang tươi cười vẫy vẫy thân thiện với con trai tôi.
Thì ra mấy hôm trước con trai tôi xem phim thấy Hà Phạm Phú trong vai Giám đốc trại giam, cháu Ngô Đình Cẩn ngồi trong xe đen đi bắt người. Cu cậu không phân biệt được chân giả đã bị một phen ướt đẫm quần.
Vị thế góc hẹp, tôi không dám định luận về tài năng của bậc đàn anh, nhưng chắc chắn Hà Phạm Phú là người được tạo hóa quá tay ban cho nhiều tài, như đa phần những người thuộc thế hệ ông được chọn lựa đào tạo nguồn nhằm phục vụ cách mạng lâu dài.
Ông trải nghiệm nhiều lĩnh vực. Dày dặn vốn văn hóa để tiêu xài với đời. Mười năm đứng trên bục giảng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, chuyên ngành Pháo binh. Vụ Đối ngoại Bộ Văn hóa. Chánh Văn phòng Hội Nhà văn.
Thực ra với tình ái, Hà Phạm Phú là con người quá ư cổ điển. Ông luôn muốn đóng một hình ảnh duy nhất: Anh mãi mãi là hoàng tử của lòng em. Ông tư tình trong thơ, trong trí tưởng thường xuyên, nhưng khi có người yêu ông thật sự, thì ông lại loay hoay cả tháng trời giậm chân tại chỗ. Có thể đi dạo sáng, đi dạo tối cùng nhau nhưng đến bàn tay người đẹp cũng không dám nắm. Nếu người ta vô tình làm rơi tay vào thì ông lại vội chắp tay sau lưng.
Và tối về… lại loay hoay làm thơ…Thở dài. Hồi tưởng với những giả định nếu như…
Thời kỳ khẳng định một tài năng Hà Phạm Phú bắt đầu khi làm phóng viên với những bài viết xuất sắc đăng dài kỳ trên báo Quân đội. Trong nghề báo ông luôn tự hào, rằng mình và đồng nghiệp Hà Đình Cẩn cũng một là người nổi danh nghề chữ, đã được chính báo Quân đội đào tạo trưởng thành- vẫn theo ông bất kỳ tờ báo nào muốn có bài viết hay, thì phải đào tạo được những nhà báo giỏi của riêng mình, mà điều cốt tử này hình như các tờ báo hiện nay bỏ ngỏ…
Đặc biệt khi ông đảm trách Hãng phim Hội Nhà văn chỉ bằng chất xám và sự liên tài ông đã cùng cộng sự khẳng định vị thế của Hãng phim Hội Nhà văn qua những giải thưởng.
Những con đường
Nhà báo, văn nghệ sỹ khi lái xe có lỡ vi phạm Luật Giao thông tí tẹo thì liền cười xòa vin cớ mải suy nghĩ cấu trúc tác phẩm xin đồng chí công an bỏ qua.
Nhưng Hà Phạm Phú thì xuất trình giấy tờ nhưng không chìa thẻ Nhà báo, thẻ Hội viên nhà văn, chỉ ngắn gọn: Vâng tôi sai, nếu có thể bỏ qua được thì đồng chí cho ý kiến ngay, còn không tôi sẽ chấp hành nộp phạt theo đúng luật.
Biên bản vi phạm vừa ký xong, phải đến Kho bạc Phú Thọ nộp 1.500.000 đồng thì chiến sỹ công an giao thông bỗng nhớ ra điều gì, liền hỏi:
- Thưa bác, bác có phải là Nhà báo, Nhà văn, Nhà sản xuất phim Hà Phạm Phú không ạ?
- Vâng, tôi đây. Vấn đề gì đồng chí?
- Chết cháu rồi, ban nãy cháu đã ngờ ngợ… bố cháu với bác là bạn học phổ thông ngày xưa. Nhà cháu có bao nhiêu sách của bác, xem phim do bác làm lần nào bố cháu cũng đi khoe cả khu phố… Cháu… xin lỗi.
Thật ra thì người có lỗi không phải là anh công an ấy, nhưng giá như Hà Phạm Phú trần tình, rồi đưa thẻ nọ thẻ kia. Nhưng mà ông không!
Chưa mấy xa, tôi có dịp cùng ông và người bạn tâm giao của ông: Hà Đình Cẩn về lại miền sơn nguyên biên viễn mà cả ba chúng tôi đều là lính một thời máu lửa.
Mười ngày dong ruổi dọc biên giới, đến mỗi địa danh chiến sự cũ hai ông bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm bị pháo kích, bị thám báo mật phục, khoảng cách sống chết đo bằng sợi tóc.
Trước khi rời Mèo Vạc, Hà Phạm Phú quyết định cả đoàn sẽ đi Xín Cái. Nghe nói chúng tôi đi Xín Cái, cán bộ huyện Mèo Vạc còn khuyên ngăn không nên mạo hiểm. Có thể vào đến nơi, nhưng quay ra thì không đơn giản.
Xín Cái đồn biên phòng xa khuất và gian khó nhất của Hà Giang. Cách huyện lỵ chừng 50 km, đường ngựa thồ, đá hộc, đá tảng ngổn ngang như vừa qua trận lũ quét xoắn vặn như lò xo vượt qua núi đá xếp nếp trùng điệp. Thi thoảng lại ầm ầm đá đất lở, bụi bay cuồng.
Vậy mà chúng tôi chỉ có chiếc MPV Jolie2.0 bò với tốc độ 2km/h. Mặt đường vừa lọt trục bánh xe, qua lớp mây mù ngang tầm tay với sông Nho Quế như sợi chỉ rối. Chúng tôi thay nhau xuống vần đá lở, mở lối.
Nhiều khúc cua tôi và Hà Đình Cẩn, bủn rủn toát mồ hôi, không dám ngồi trên xe, giả vờ xuống vần đá mở đường. Bánh xe bên trái sát mép vực vừa đốt ngón tay, Hà Phạm Phú vẫn khoanh tay nhìn thẳng, sắc mặt như sắp tử vì đạo.
Lái xe và tôi nản chí bàn lùi, Hà Đình Cẩn im lặng, thì Hà Phạm Phú gạt đi:
- Nếu các ông không đi, thì ngồi đây chờ, mình tôi sẽ lái xe vào tận Xín Cái. Ba mươi năm rồi, tôi mới có dịp trở lại. Chưa biết khi nào mà định trước.
Năm tiếng sau chúng tôi mới vượt được nửa con đèo. Trời vừa đứng bóng. Sau khúc cua lõm vào khe núi, mái lều tranh phai bạc, chín cô và một thầy giáo cắm bản bỗng ùa ra vây lấy chúng tôi. Những giọt nước mắt mừng tủi. Mấy năm mới có ô tô dân sự vào vùng biên.
Họ mời chúng tôi bữa cơm trưa. Nhưng theo qui định vành đai biên giới, họ yêu cầu xuất trình giấy tờ, đọc đến tên Hà Phạm Phú thì họ reo lên.
- Vừa tháng trước bọn em về huyện được xem phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, không ngờ lại được gặp nhà sản xuất ở đây.
Lúc trả tiền ăn, các cô giáo dứt khoát từ chối mà còn nói vui:
- Lần này bọn em cho anh Hà Phạm Phú ký nợ, lần sau qua đây sẽ thanh toán cả thể .
Hơn ba tiếng sau chúng tôi chạm cửa khẩu Xín Cái. Nhưng cũng lại gặp rắc rối. Không được phép vào cửa khẩu. Chỉ huy đồn biên phòng chưa về. Viên đại úy chuyên nghiệp ra tiếp. Đọc giấy giới thiệu, viên đại úy tủm tỉm cười.
- Mạn phép bác nào là Hà Phạm Phú? Bác nào là Hà Đình Cẩn?
Trên cây đào trước cửa, hơn chục chiếc điện thoại di động treo móc khắp cành nhánh như đang hong phơi. Hỏi thì mới biết chỉ ở toạ độ cây đào thì điện thoại mới có sóng. Điện thoại không mấy khi gọi được. Chủ yếu nhắn tin.
Viên đại úy mời nước rồi đi nhắn tin.
Lần này thì lại nhờ cả hai tên tuổi Hà Phạm Phú và Hà Đình Cẩn nên chúng tôi được viên đại úy trực tiếp dẫn ra cột mốc. Và còn tiến qua cột mốc tới vùng đệm mấy trăm mét nữa. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, đại úy nói:
- Nếu không phải là Hà Phạm Phú và Hà Đình Cẩn cựu phóng viên báo Quân đội thì hôm nay các bác chỉ còn cách quay về không. Em phá quy định đấy… May mà ngày xưa em đọc hai bác hàng ngày…
Lúc này Hà Phạm Phú mới bật mí, chỉ ra vạt rừng lúp xúp sim mua trước mặt, ba mươi năm trước ông bị lạc vào toạ độ pháo vừa thoát lại bị 12 ly bắn thẳng may mà không trúng…
Trong tình thế ngặt nghèo ông đã được một cô tự vệ giúp đỡ để viết xong thiên phóng sự mười ngàn chữ trong đêm kịp gửi về toà soạn. Suốt chuyến đi hễ có dịp là ông hỏi thăm về cô dân quân, nhưng nào ai biết dấu tích của người xưa.
Nhìn núi đá xếp nếp răng cưa, ánh mắt ông bỗng mờ mờ.
Bây giờ đã rời chức vụ hành chính nhưng có lẽ văn chương, và điện ảnh vẫn còn ám ảnh níu kéo ông với duyên nợ trả vay, hứa hẹn ông sẽ bùng nổ trở lại. Thơ tình và những truyện ngắn thâm trầm về thân phận con người chuẩn bị in ở đâu đó. Niềm vui thường trực hiện tại của ông là đam mê dịch chuyển bằng cách tự lái xe riêng.
Chiếc xe việt dã hai cầu màu rêu đá vừa đủ hầm hố, trang thiết bị độ thêm những tiện nghi xẻng công binh, bình lọc nước, tăng võng, bánh quy, sữa tươi như là để hồi cố những tháng ngày làm phóng viên chiến tranh.
Và tôi bỗng ngộ ra một điều ở ông: Người nghệ sỹ không thể không hào hoa. Nhưng hào hoa chừng mực đến độ đủ giàu có cho cuộc sống, để cống hiến hết bổn phận đạt những thành tựu mà bất kỳ văn nghệ sỹ chân chính nào cũng phải ao ước thì không phải ai cũng hành xử được như Hà Phạm Phú.