Tuy nhiên, theo ông Hòa, đến chiều nay, 13/1, mọi việc cơ bản đã được giải quyết. Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương đã trao đổi với người dân, thuyết phục người dân cho xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Nam Sơn.
“Tối nay người dân sẽ không chặn xe chở rác nữa”, ông Hòa nói.
Rác thải tồn đọng trên phố nội thành Hà Nội do người dân chặn xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Nam Sơn. Ảnh: TT
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sáng nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã về địa phương trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, người dân cạnh Khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác nhiều ngày liên tiếp khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận, huyện nội thành.
Trong nhiều năm trở lại đây, cũng có nhiều thời điểm người dân chặn xe chở rác lên khu vực này. Lý do người dân đưa ra là việc xử lý rác thải tại đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người dân. Hơn thế, mức bồi thường ảnh hưởng môi trường cũng chưa hợp lý, nhiều khi chi trả chậm...
Rác thải tồn đọng nhiều do không có nơi tiếp nhận, xử lý. Ảnh: TT
Mới đây, Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0m đến 150m được hỗ trợ 133.000 đồng/người/30 ngày, từ 150 – 300 mét được hỗ trợ 106.000 đồng/người/30 ngày; từ 300m đến 600m được hỗ trợ 84.000 đồng/người/30 ngày; từ 500 – 600 mét được hỗ trợ 80.000 đồng/người/30 ngày; từ 600 – 800 mét được hỗ trợ 54.000 đồng/người/30 ngày; từ 800m – 1000m được hỗ trợ 27 nghìn đồng/người/30 ngày.
Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất từ 0 – 500 mét được hỗ trợ 170đồng/mét vuông/ năm; đối với khoảng cách từ 500 m- 1000m, hỗ trợ 102 đồng/mét vuông/năm.