> Cần triệt để, đồng bộ thực hiện tốt việc phân làn đường
> Chưa phân làn trên tất cả các tuyến phố Hà Nội
Sở GTVT sẽ triển khai tổng kết, xác minh xem lại số liệu về ATGT trên các tuyến phố phân làn. Kết quả sẽ được công khai.
Tuy nhiên ông Tân cũng cho rằng, về cơ bản việc phân làn trên một số tuyến phố vừa qua vẫn rất hiệu quả với người tham gia giao thông, đặc biệt về mặt nhận thức. “Yêu cầu của Bí thư Thành ủy là muốn tổ chức tổng kết, đánh giá xem xét nếu chỗ nào bất hợp lý thì phải sửa. Còn việc dỡ bỏ hay không Sở GTVT sẽ xem xét việc này”, ông Tân giải thích.
Với mục tiêu nhằm giảm tai nạn giao thông, tăng khả năng thông xe, giảm ùn tắc, xung đột giữa các dòng phương tiện và tạo ý thức cho người tham gia giao thông, từ tháng 9/2011 Hà Nội đã tổ chức thực hiện thí điểm phân làn tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố là Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng.
Cùng với đó lên kế hoạch khảo sát, xây dựng phương án phân làn trên 8 tuyến phố tiếp theo. Tổng kinh phí thực hiện cho kế hoạch trên là 23,84 tỷ đồng; trong đó chi trực tiếp cho việc phân làn trên 5 tuyến phố đã thực hiện là 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau 2 năm thực hiện, trên cả 5 tuyến phố đã phân làn tình trạng phương tiện đi lại hỗn độn vẫn xảy ra.
Thực tế trên các tuyến phố Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân- Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng hôm qua, phóng viên ghi nhận, mặc dù chia các dòng phương tiện ngoài biển báo còn có dải phân cách cứng nhưng xe máy vẫn đi vào làn ô tô và ngược lại. Riêng các tuyến phố Bà Triệu, Hàng Bài - Phố Huế, do có nhiều ngã ba, ngã tư giao nhau với các tuyến phố khác nên vào giờ cao điểm chiều qua các phương tiện đi lại hỗn hợp.
Trên phố Đại Cồ Việt - Xã Đàn và Lê Duẩn - Giải Phóng, nhiều cột phân làn và dải phân cách cứng dựng tách dòng phương tiện bị húc xiêu vẹo. “Về đêm tai nạn do dải phân cách phân làn gây ra cho người đi đường thường xuyên xảy ra”, anh Nguyễn Minh Ánh, một người dân sống trên đường Giải Phóng phản ánh.