Tăng trưởng khá
Mặc dù gặp khó khăn do tác động suy thoái kinh tế chung, nhưng lượng khách du lịch đến với Hà Nội có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, mức tăng bình quân hơn 10%. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khách đến Hà Nội đạt hơn 15 triệu lượt, tăng 8%, khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt (tăng 14%), doanh thu đạt 38.579 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ. Hà Nội còn có lợi thế với nhiều di tích lịch sử, tập trung nhiều lễ hội, có cảnh quan sinh thái đa dạng phong phú… Du lịch Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô ngày càng mở rộng, góp phần hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.
Tuy nhiên, nói về du lịch Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn nhận định: Du lịch của Hà Nội chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế, còn nhiều khó khăn, thách thức, còn bất cập và yếu kém trong một số hoạt động du lịch, dịch vụ. Theo thống kê của ngành du lịch, lượng khách tăng mạnh, tổng thu cao nhưng mức đóng góp GRDP du lịch cho thành phố còn thấp. Hà Nội còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh. Thiếu những khu du lịch, điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Vấn đề môi trường, an ninh trật tự tại các điểm du lịch chưa đảm bảo, còn có hiện tượng chèo kéo, ép giá, ép khách.
Xúc tiến đầu tư tránh dàn trải
Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết sẽ tạo cơ chế thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như tổ chức quốc tế an tâm khi đầu tư vào du lịch Thủ đô. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch, trong đó tập trung triển khai đồng bộ Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là kiện toàn bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực. Tiến hành tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa - du lịch các quận, huyện; nâng cao nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ văn minh cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch, các làng nghề truyền thống… Lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội đề xuất thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển du lịch để làm nhiệm vụ hỗ trợ du khách, thông qua đó góp phần tăng cường quảng bá sâu rộng hình ảnh du lịch Thủ đô.
Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực và địa phương có lợi thế và nhu cầu: phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tài chính ngân hàng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… “Trong đó, du lịch, bảo vệ môi trường là cốt yếu. Quan điểm của Hà Nội trong công tác xúc tiến đầu tư là phải có trọng tâm, tránh dàn trải”, ông Phương nói.
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Cty lữ hành Hanoitourist, nhận định, du lịch Hà Nội trong 3 năm liên tiếp tăng trưởng là ấn tượng. Tuy vậy, để đẩy mạnh phát triển du lịch, cần có quỹ dành cho quảng bá xúc tiến du lịch. “Chỉ cần thu ở mức 1 USD/du khách cũng đủ để xúc tiến du lịch hiệu quả”, ông Kế nói. Đồng thời, lãnh đạo Hanoitourist kiến nghị, thành phố nên thành lập một cơ quan đặc trách cấp thành phố hoạt động theo mô hình Ban chỉ đạo phát triển du lịch Hà Nội, với nòng cốt là lãnh đạo thành phố và Sở Du lịch.