Một trong những định hướng chính được nhấn mạnh trong báo cáo là Hà Nội sẽ nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong Thủ đô” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “thị xã mới trong thành phố”.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội cho biết, mô hình "thành phố trong thành phố" là ý tưởng đang được đưa ra nhằm tạo ra thêm cho Thủ đô những cực tăng trưởng mới. Bên cạnh việc quy hoạch về đô thị, các cơ chế của thành phố mới sẽ thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển.
Theo đó, việc phát triển khu vực Bắc sông Hồng theo hướng “thành phố trong Thủ đô” là một giải pháp có thể được xem xét nhờ những ưu điểm và lợi thế như: Tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển đô thị nhờ tính độc lập tương đối so với đô thị trung tâm. Phân kỳ đầu tư theo lộ trình nâng cấp đô thị.
Bên cạnh đó, tận dụng được cơ sở hạ tầng đã đầu tư như hệ thống đường giao thông, sân bay, khu công nghiệp, các khu đô thị mới như Vinhomes Reverside, Vinhomes Ocean Park... Thành phố này có khoảng cách phù hợp với đô thị lõi khoảng dưới 20km, thuận tiện cho việc tiếp nhận sự hỗ trợ của đô thị có năng lực lớn hơn, đồng thời dễ dàng tương tác để cùng nhau phát triển.
Ngoài ra, hiện có rất nhiều yếu tố được xem là động lực để thành lập thành phố ở khu vực phía Bắc sông Hồng. Đây là đô thị cửa ngõ của Hà Nội trong cấu trúc hạt nhân của Vùng Thủ đô (gồm Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh). Có sân bay Nội Bài gắn với các hoạt động logistics, outlet… Nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Có các dự án trung tâm tài chính, đô thị thông minh; trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; các khu công nghiệp tập trung cơ bản đã được lấp đầy...
Đối với đô thị Hòa Lạc, do đặc thù tính chất của đô thị nên việc xây dựng chính quyền đô thị có tính độc lập tương đối với đô thị trung tâm, giúp cho đô thị có điều kiện phát triển, hạn chế sự phụ thuộc vào đô thị trung tâm, tạo xu thế chuyển dịch dân cư từ đô thị trung tâm và từ các tỉnh khác đến.
Bước phát triển đột phá
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Chuyên gia quy hoạch quốc tế, Tổng Giám đốc Cty enCity Urban Solutions (thành viên liên danh Sasaki-enCity đạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh, nay là thành phố Thủ Đức) cho biết, khi thành lập các “thành phố trong thành phố”, mong muốn của lãnh đạo địa phương là tạo ra các đơn vị hành chính có năng lực vận hành tốt hơn và khả năng ra quyết định độc lập hơn với thành phố lớn nếu so với các quận và có thể có những cơ chế đặc thù để phát triển.
“Theo tôi được biết thì hiện chưa có những chính sách riêng cho thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương, do đó mức độ khác biệt giữa một thành phố trong thành phố và mô hình quận đang phụ thuộc vào mức độ phân quyền tại mỗi nơi”, ông Dũng nhận định.
Sự tập trung về nguồn lực và năng lực ra quyết định sẽ giúp cho các thành phố này có thể phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn so với việc chỉ là một quận trực thuộc. Tuy nhiên các “thành phố trong thành phố” được chủ động tới đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của thành phố trực thuộc trung ương và cả trung ương nữa.
Theo ông Dũng, phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” ở mỗi địa phương sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng. Với Hà Nội, sự thuận lợi nằm ở quỹ đất để phát triển còn rất lớn. Ngược lại, sự phân bố dân cư còn phân tán, mật độ dân cư thấp ở vùng ngoại vi và khoảng cách của vùng này tới trung tâm Hà Nội làm cho việc tạo đô thị cần nhiều nỗ lực hơn.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, thành phố cũng là một dạng đô thị đặc biệt, phải được định hướng là một trung tâm kinh tế chính trị xã hội của một khu vực. Ông Tùng cho biết, bản thân thành phố đó phải tạo nên GDP, góp phần vào tăng trưởng của thành phố, chứ không chỉ sống dựa vào “thành phố mẹ”. Thực tế hiện nay, mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên tại Thủ Đức được kỳ vọng rất lớn, song vẫn chưa có cơ chế rõ ràng, dẫn đến vẫn loay hoay để có thể phát triển kinh tế.
Khởi công một phần thành phố thông minh Đông Anh trong tháng 6/2022
Ngày 23/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, đại diện Tập đoàn Sumitomo và Cty cổ phần Tập đoàn BRG để trao đổi về dự án thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội. Ông Đinh Tiến Dũng cũng giao trách nhiệm cụ thể cho UBND thành phố, các sở, ngành và huyện Đông Anh tiếp tục cùng với chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch... phấn đấu khởi công khu 1, khu 2 trong tháng 6/2022.