Hà Nội mở rộng địa bàn bắt chó thả rông

TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trong tháng 5 sẽ mở rộng mô hình bắt chó thả rông thêm 5 phường.
Một chú chó thả rông bị bắt ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Trường Phong

Chiều 8/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm thú y quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hiện, trên địa bàn quận vẫn duy trì tổ, đội bắt chó thả rông ở phường Khương Đình.

“Sáng nay, đội vừa đi bắt được một con nặng 20kg”, bà Hương thông tin.

Bà Hương cũng cho biết, quận đang tổ chức tập huấn, trong tháng 5/2019 sẽ triển khai nhân rộng mô hình này sang 5 phường nữa gồm: Nhân Chính, Hạ Đình, Khương Trung, Kim Giang, Thượng Đình.

Được biết, Khương Đình (Thanh Xuân) là đơn vị đầu tiên ở Hà Nội thành lập tổ, đội bắt chó thả rông trên địa bàn từ cuối năm 2018. Bà Hương cho biết, đến nay, về cơ bản tình trạng chó thả rông trên địa bàn đã giảm tới 70 – 80%.

“Tổ đội vẫn thường xuyên tổ chức đi bắt chó thả rông. Đi nhiều hôm rồi mà hôm nay mới bắt được một con”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, ý thức người dân cũng thay đổi. Nhiều người bị bắt chó rất bình tĩnh, chấp nhận lên phường xin chó và nộp phạt.

Trong khi đó, hồi cuối năm 2018, khi sơ kết mô hình bắt chó thả rông ở Thanh Xuân, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện nay có khoảng 490 nghìn con chó, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về số chó nuôi, trong đó số chó cảnh, chó làm kinh tế tăng rất cao. Hầu như tất cả các khu đô thị đều có.

Ông Sơn cũng cho biết, năm 2018, thành phố có 3 người chết vì bệnh dại. 6 tháng đầu năm có hơn 5 nghìn người bị gia súc cắn phải tiêm phòng dại, trong đó 87% là do chó cắn. Nếu tính thêm 6 tháng cuối năm, số người trên có thể lên tới chục nghìn người.

Ông Sơn cho biết, cùng với việc nâng cao biện pháp tuyên truyền, thành phố tiếp tục nghiên cứu mô hình bắt chó thả rông ở Thanh Xuân để triển khai, nhân rộng, trước mắt trên địa bàn quận, sau đó tính đến trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu các cơ chế phù hợp với đặc thù của mô hình mới này.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết, phải tăng cường quản lý chó nuôi theo phần mềm, gắn chip theo dõi để biết được vị trí từng con, đồng thời tăng cường tiêm phòng dại cho chó nuôi.