Sáng qua, Sở GD&ĐT Hà Nội khai giảng khoá đào tạo nâng chuẩn năng lực IELTS cho 1.900 giáo viên ngoại ngữ đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năng lực ngoại ngữ của học sinh Hà Nội hiện xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Địa phương tiên phong, quyết tâm thực hiện các giải pháp để dần dần từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy nhiên, với thực tế bộn bề khó khăn: thiếu trường lớp, sĩ số học sinh/lớp cao, thiếu giáo viên, trình độ, năng lực giáo viên ở tất cả các trường học các cấp chưa đồng đều… ngành xác định phải có giải pháp bắt đầu tư nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo. “Chỉ khi có giáo viên giỏi mới đào tạo được học sinh giỏi. Sau khi 1.900 giáo viên được đào tạo nâng cao trình độ, năng lực sẽ phải vượt qua kỳ thi sát hạch chuẩn. Từ “đội ngũ cái”, thầy cô toả về các trường dạy học, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho các giáo viên khác”, ông Cương nói.
Hà Nội cũng là địa phương đặt mục tiêu làm thế nào nhanh chóng đào tạo được học sinh Thủ đô phải là học sinh toàn cầu, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn được trang bị kiến thức Tin học, Ngoại ngữ để hội nhập với thế giới. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, Hà Nội và TP.HCM không so sánh chất lượng giáo dục với các địa phương khác mà phải so với các nước trong khu vực và thế giới.
Những năm học qua, Hà Nội cũng cử hàng trăm giáo viên có năng lực ngoại ngữ tốt đi đào tạo, học kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Sau khi trở về, nhóm giáo viên thành lập các câu lạc bộ để tiếp tục sinh hoạt, tập huấn cho giáo viên các trường ngoại thành. “Thời gian tới, ngành sẽ chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên các bộ môn khác để có thể dạy song song ngoại ngữ cùng Toán, Khoa học tự nhiên đồng thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng cách tuyển mới, ký hợp đồng cũng như liên kết với các trung tâm Ngoại ngữ nhằm đảm bảo đội ngũ triển khai dạy học trong các trường”, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội.
Khó chồng khó
Ở góc độ là giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh trong trường học, cô Phạm Thu Trang, Trường tiểu học Phương Mai (Hà Nội) cho biết, sau khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường tạo mọi điều kiện để có thêm phòng học chức năng, thiết bị dạy học hỗ trợ cho bộ môn tiếng Anh để đảm bảo kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Từ năm ngoái, học sinh bắt đầu được chia đôi lớp để dạy học và khi sĩ số thấp, giáo viên Việt Nam, giáo viên nước ngoài theo chương trình liên kết có điều kiện, thời gian tương tác với từng em, bài học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cô Trang cũng thấy rằng, thực tế hiện nay rất khó bởi trường 34 lớp học mới chỉ có 2 giáo viên bộ môn. Thiếu giáo viên, trường phải tuyển thêm hợp đồng đứng lớp mới đảm bảo dạy 3 tiết/tuần đúng chương trình của Bộ GD&ĐT. “Với chương trình mới, thầy cô cố gắng cho học sinh nói càng nhiều càng tốt. Để học bộ môn hiệu quả, điều quan trọng là chia lớp, giãn sĩ số lí tưởng khoảng 15-20 em/lớp và phân nhóm theo năng lực học sinh; cho học sinh thực hành, làm bài dự án theo cặp, theo nhóm”, cô Trang nói.
“Khi đứng lớp, yêu cầu đầu tiên đối với đội ngũ nhà giáo đó là phải nỗ lực bồi đắp kiến thức mỗi ngày để giỏi chuyên môn, có kỹ năng, phương pháp sư phạm. Không thể để phụ huynh, học sinh đánh giá, thầy cô dạy còn phát âm sai”, ông Trần Thế Cương nói.
Theo quyết định của Sở GD&ĐT, 1.900 giáo viên ngoại ngữ của Hà Nội sẽ được đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh quốc tế bằng hình thức trực tiếp từ tháng 8 đến tháng 12/2024.
Còn cô Vũ Thị Liên, giáo viên THCS ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ, để dạy học ngoại ngữ có hiệu quả thì học sinh phải được học thường xuyên để nghe, nói. Các trường tư thục học sinh học tiếng Anh tốt hơn vì họ thiết kế tăng cường 14-18 tiết/ tuần, học cả sáng và chiều hằng ngày. Trong khi chương trình học ở bậc THCS hiện nay cũng mới chỉ dừng lại 3 tiết/tuần trong khi ở ngoại thành, vùng khó khăn, phụ huynh không có điều kiện đầu tư cho đi học thêm, không đồng hành, các em không có môi trường học. Một khó khăn nữa đó là, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội lâu nay chỉ nhân đôi điểm môn Ngữ văn và Toán nên phụ huynh quan tâm, đầu tư học nhiều hơn ở các môn học đó, chưa coi trọng ngoại ngữ. Thầy cô ở trường tâm huyết, nhiệt tình nhưng cũng vấp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, sĩ số học sinh/lớp cao. “Mỗi tiết học chỉ có 45 phút và có tới 45 học sinh, nếu chia ra mỗi em chỉ được 1 phút. Mỗi tuần 3 tiết học như vậy nên nếu về nhà, học sinh, phụ huynh không đồng hành, có phương pháp hỗ trợ sẽ khó có hiệu quả”, cô Liên nói.
Cô Lưu Tú Oanh, giáo viên bộ môn Ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhìn nhận hiện nay nhiều học sinh chưa có khả năng giao tiếp tiếng Anh. Tuy nhiên, cô Oanh tin nếu ngành giáo dục có lộ trình, giải pháp và phụ huynh đồng hành, học sinh nỗ lực thì mục tiêu đặt ra có thể thực hiện được. Điều quan trọng đầu tiên là đội ngũ giáo viên bộ môn và nhà trường phải quyết tâm tạo môi trường cho học sinh học tập và tương tác với nhau bằng tiếng Anh. Giáo viên phải tiên phong sử dụng ngoại ngữ trong trường và thông qua các giờ học, CLB, hoạt động ngoài giờ giúp học sinh từng bước cùng sử dụng ngoại ngữ để trao đổi các nội dung hàng ngày. “Ví dụ như ở Trường THCS Trưng Vương thứ 5 hàng tuần có ngày hội ngôn ngữ thông qua chương trình phát thanh; giờ nói tiếng Anh ở tất cả các lớp và giáo viên bộ môn sẽ đi kiểm tra, đánh giá môi trường ở từng lớp tạo không khí thi đua”, cô Oanh nói.