Hà Nội đổi quảng cáo lấy nhà vệ sinh, xe bồn: Xã hội hóa không cần đấu thầu?

TP - Lý giải với PV Tiền Phong vì sao dự án đổi quảng cáo lấy nhà vệ sinh công cộng không qua đấu thầu, đại diện liên ngành (Sở Xây dựng - KH&ĐT - VT&TT) Hà Nội cho rằng, do dự án xã hội hóa và được doanh nghiệp (DN) đề xuất nên thành phố không thực hiện đấu thầu.
Nếu tính độ trễ trong thực hiện dự án, cố định các yếu tố khách quan, một năm Vinasing bán hết quảng cáo dự kiến có doanh thu 100 tỷ đồng/năm Đồ Họa: QT

Theo tiến độ thực hiện dự án được thành phố Hà Nội phê duyệt, nhà đầu tư là Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing (Cty Vinasing) phải thực hiện xây hệ thống công trình công cộng gồm nhà vệ sinh (NVS), cây nước, ghế gang và mua sắm 10 xe bồn xong trong quý III/2017, tuy nhiên đến nay các hạng mục nhà vệ sinh mới thực hiện được 16,8 %, quá chậm so với yêu cầu.

Với việc thực hiện quảng cáo trên 45 cầu vượt đi bộ (CVĐB), UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện và bàn giao toàn bộ các hạng mục của dự án, riêng các NVS bàn giao 2/3 khối lượng (tương đương 70%) mới được thực hiện treo biển quảng cáo trên CVĐB. Tuy nhiên ghi nhận của phóng viên thời gian qua, toàn bộ 45 cầu vượt nằm trong dự án đổi quảng cáo lấy công trình công cộng đã được nhà đầu tư chào bán quảng cáo. Trên nhiều tuyến đường có hệ thống CVĐB như Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ - Giảng Võ, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Thái Hà, Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Xã Đàn… biển quảng cáo mang hình ảnh thương hiệu, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp lớn đã bịt kín 2 bên lan can mặt tiền cầu vượt.

Đánh giá về quá trình Vinasing thực hiện dự án trên, đại diện Sở Xây dựng (cơ quan chủ trì theo dõi, quản lý về mặt nhà nước dự án) cho biết, mặc dù triển khai dự án chậm nhưng Công ty Vinasing đã cam kết đến 20/6/2019 sẽ bàn giao 10 xe bồn chuyên dụng, các nhà vệ sinh theo tiến độ… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư mới bàn giao được 84 nhà vệ sinh, 5 xe bồn cho thành phố. “Tiến độ triển khai dự án của Vinasing luôn chậm, không theo đúng các thời điểm đã cam kết với thành phố. Sự phối hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền không chặt chẽ, báo cáo thông tin triển khai về Sở Xây dựng chậm, số liệu không chính xác”, ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.

200 nghìn USD/cầu, chỉ vài năm hoàn vốn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà đầu tư đã có báo giá chi tiết cho toàn bộ cầu vượt đi bộ được giao quảng cáo. Theo đó, tùy diện tích biển quảng cáo, vị trí của cầu vượt, Vinasing đưa ra các mức phí quảng cáo trọn gói theo năm; phí cao nhất được Vinasing đưa ra và đã thực hiện trên một số cầu vượt đi bộ là 200.000 USD/năm (khoảng 4,6 tỷ đồng).

Cụ thể, một số cầu vượt chúng tôi được các đơn vị thực hiện quảng cáo với Vinasing thông tin mức giá chi tiết, gồm: với 4 biển quảng cáo có chiều dài, rộng như nhau (13m x 3m) treo trên cầu vượt đi bộ Trần Duy Hưng đoạn qua ĐH LĐ&XH để giới thiệu mẫu xe mới, một hãng xe ô tô đã phải trả cho Vinasing phí quảng cáo 200.000 USD/năm (4,6 tỷ đồng); mức giá này cũng được Vinasing đang áp dụng với cầu 2 vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh (cầu vượt tại ĐH Luật, cầu vượt tại khu vực Đài Truyền hình Việt Nam) và cầu vượt trên đường Phạm Ngọc Thạch.

Kích thước nhỏ hơn (10m x 3,5m/biển); hiện bốn biển quảng cáo sản phẩm sữa trên cầu vượt tại nút giao thông Xã Đàn - Kim Liên, doanh nghiệp đăng quảng cáo đang phải trả cho Vinasing 150.000 USD/năm (tương đương khoảng 3,4 tỷ đồng); giá này cũng đang được 1 doanh nghiệp sản xuất nước uống trả cho Vinasing khi quảng cáo sản phẩm của mình trên cầu vượt đi bộ đường Giải Phóng đoạn trước Bệnh viện Bạch Mai. Giá quảng cáo 150.000 USD/năm cũng được Vinasing áp dụng tại nhiều cây cầu vượt khác, trong đó có cầu trên đường Võ Chí Công, Yên Phụ, Nguyễn Trãi, Láng Hạ, Tây Sơn, Đại Cồ Việt, Trần Quang Khải…

Căn cứ vào mức giá quảng cáo đang được Vinasing đưa ra trên 45 cầu vượt đi bộ tại Hà Nội, cộng lại nếu cho thuê đủ quảng cáo trên hệ thống cầu vượt nói trên, nhà đầu tư có thể thu về mỗi năm trên 100 tỷ đồng. Từ số tiền này sau khi trừ đi chi phí nếu so sánh với tổng mức đầu tư 190 tỷ Vinasing bỏ ra làm công trình công cộng… thì có lẽ chỉ cần vài năm là doanh nghiệp thu đủ số tiền đã đầu tư theo hợp đồng với thành phố, chứ không cần phải 10 năm như quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký phê duyệt năm 2017.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh về quảng cáo ngoài trời cho biết, phương án kinh doanh trên hệ thống cầu vượt đi bộ nói trên “thực sự là phương án mong ước của nhiều doanh nghiệp”. Các vị trí quảng cáo trên cầu vượt đều là vị trí “vàng” trong nghề kinh doanh quảng cáo và thường được các nhãn hàng lớn quan tâm. “Nếu Hà Nội tổ chức đấu thầu các vị trí này, chúng tôi tin sẽ có nhiều phương án tốt hơn”, đại diện một doanh nghiệp quảng cáo cho hay.

Như vậy, xét cả mặt kinh tế, cảnh quan đô thị và hiệu quả đầu tư, Hà Nội thu được bao nhiêu lợi ích từ dự án “xã hội hóa” này?