Hà Nội: Chuyển cơ quan công an xử lý dấu hiệu tội phạm tại chợ Phủ Lỗ, Sóc Sơn

TPO - Sở Công Thương Hà Nội đề nghị chuyển cơ quan công an tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định những công dân cố tình không chấp hành, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, nếu có dấu hiệu tội phạm.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan vừa có văn bản báo cáo tình hình, kết quả rà soát giải quyết khiếu nại của một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đáng lưu ý, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị chuyển cơ quan công an tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định những công dân cố tình không chấp hành, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, nếu có dấu hiệu tội phạm.

Thông tin của UBND huyện Sóc Sơn cho biết, chợ Phủ Lỗ được xây dựng từ năm 1994. Theo Quyết định số 4176/QĐ-UBND của UBND TP về việc phân hạng chợ trên địa bàn Hà Nội, chợ Phủ Lỗ được phân hạng 2. Chợ hiện do Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn quản lý, vận hành.

Sau khi chợ Phủ Lỗ được đầu tư xây dựng, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 7/11/1994 về việc thành lập Hội đồng đấu thầu các ki-ốt, sạp hàng kinh doanh tại chợ. Theo đó, các sạp hàng được cho thuê với thời hạn 6 năm, ki-ốt được cho thuê tối đa 20 năm, kể từ ngày 11/1/1995 đến ngày 11/1/2015.

Năm 2015, xét thấy thời hạn thuê ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ đã hết thời hạn, căn cứ Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 14/1/2015 của UBND TP Hà Nội về thu phí tại chợ Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý chợ loại II huyện tiến hành thu phí đối với các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, các hộ không đồng tình với việc phải ký hợp đồng mới và chấp hành việc thu phí theo quy định. Sự việc kéo dài từ năm 2015 cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Trước phản ứng của tiểu thương, UBND TP đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn phối hợp Sở Công Thương, Thanh tra Hà Nội và các đơn vị tiến hành rà soát quy định pháp luật liên quan. Ngày 9/5/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại lần 2 của một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ.

Tại Quyết định số 2212/QĐ-UBND có nêu: “Việc bà Trịnh Thị Đỗ và Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ đã được tổ chức bán đấu thầu từ năm 1994 cho các hộ sử dụng kinh doanh lâu dài, không thời hạn là không có cơ sở… Việc một số hộ kinh doanh ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ kiến nghị xem xét lại mức thu phí tại chợ Phủ Lỗ áp dụng là 45.000 đồng/m2/tháng là không có cơ sở”.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, đối với vụ việc xảy ra tại chợ Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn đã được TP chỉ đạo xử lý đúng thẩm quyền, đã có kết luận, thông báo giải quyết. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh vẫn cố tình không chấp hành; tuyên truyền, lôi kéo các hộ phản đối; tập trung đông người biểu tình, thậm chí có hành vi chống đối lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Để sớm đưa chợ Phủ Lỗ đi vào vận hành ổn định, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành phối hợp với huyện Sóc Sơn tập trung rà soát kỹ vụ việc; làm rõ nguyên nhân, xử lý dứt điểm các tồn tại trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.

Đối với vụ việc đã giải quyết đúng thẩm quyền, đã có kết luận thanh tra nhưng công dân vẫn cố tình không chấp hành, dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, nếu có dấu hiệu tội phạm, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị chuyển cơ quan công an tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó, trong đơn khiếu nại gửi đi, bà Trịnh Thị Đỗ và Nguyễn Thị Thanh Tâm - đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, cho rằng các ki-ốt tại khu chợ đã được tổ chức bán đầu thầu từ năm 1994 cho các hộ dân sử dụng để kinh doanh lâu dài, không có thời hạn, thuộc quyền sở hữu của các hộ dân đã mua nên đến nay không phải ký lại hợp đồng.

Trong tổng số 259 hộ kinh doanh thuộc diện phải ký hợp đồng mới, có 40 hộ không phải là công dân xã Phù Lỗ - nơi khu chợ được xây dựng. Đến nay, vẫn còn 7/9 hộ kinh doanh ở xã Đông Xuân và 12 hộ khác thuộc các xã: Bắc Sơn, Phú Minh, Mai Đình, Tiên Dược chưa ký hợp đồng. Riêng xã Phù Lỗ, hiện mới có 62/219 hộ kinh doanh ký hợp đồng, chiếm khoảng 28% tổng số hộ.

Cùng với việc chậm ký kết hợp đồng, mới chỉ có 4 hộ đóng phí dịch vụ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, với tổng số tiền gần 14 triệu đồng. Hiện, cơ quan chức năng cũng chưa thu được thuế của bất cứ hộ kinh doanh nào trong chợ.