Đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021:

Hà Myo và duyên may với xẩm

TP - Sau bốn MV Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Xẩm Xuân chúc phúc, Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội, Ngọc Hà đã nhận được khá nhiều lời mời hát xẩm trên sân khấu lớn. Mới đây cô liên tục chiếm sóng VTV sau giao thừa với các tiết mục xẩm kết hợp vũ đạo, rap…

Ngọc Hà biết đến xẩm qua một khóa tập huấn ngắn với NSƯT Văn Ty do cơ quan cô là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức. Cô vẫn chưa có ý định tiến xa hơn với xẩm cho đến khi đi thi Giọng hát hay Hà Nội vào tuổi 27. Vì xác định là lần tỉ thí cuối nên Hà đầu tư mạnh về trang phục, vũ đoàn. Cô vẫn xác định mình hát nhạc nhẹ song lại bị xếp vào dòng dân gian, do đăng ký dự thi bài Tứ phủ (Hồ Hoài Anh sáng tác nhạc, dựa trên lời thơ của Ngân Vi).

“Bài này tuy mang chút âm hưởng dân gian thực ra vẫn là nhạc trẻ. Vì vậy tôi rất lo lắng không biết hát gì trong đêm chung kết vì nếu hát dân gian kiểu nền nã thì tôi không lại được với các bạn rồi. Nên tôi xác định phải làm cái gì cho lạ”, Hà nhớ lại. Cô xoay ra tìm nghe lại ca trù, chầu và dừng lại ở xẩm.

Cùng lúc đó tiếng nhạc điện tử từ chỗ làm việc của chồng vọng vào và ý tưởng kết hợp hai âm thanh mà mình đang nghe thành một nảy ra trong đầu Hà. Ông xã của Hà là nhà sản xuất, nhạc sĩ phối khí Thế Phương. Trước khi về chung nhà, hai người cùng dắt nhau đi thi Việt Nam Idol và Ban nhạc Việt. Tuy là dân Bách khoa nhưng Phương có năng khiếu âm nhạc, đã mở được công ty riêng chuyên sản xuất và đào tạo âm nhạc. Hà bỗng nảy ra ý định kết hợp xẩm với nhạc của chồng. Thế Phương cũng hứng thú, đồng ý luôn.

Hà Myo luôn chăm chút về hình ảnh và trang phục mỗi lần xuất hiện Ảnh: NVCC

Sau đó Hà được người anh cùng nhà hát Trường Bắc giới thiệu với nhà nghiên cứu cũng là nghệ sĩ xẩm Quang Long. Quang Long dạy Hà bài Xẩm Hà Nội lời gốc giúp cô đoạt giải Nhì chung cuộc và giải Bài hát về Hà Nội hay nhất. Và cũng mãi đến khi thi Giọng hát hay Hà Nội, Hà mới biết đến nghệ nhân xẩm lừng lẫy Hà Thị Cầu. Nhưng cô cũng không dám nghe nhiều. “Mỗi người tôi nghe một chút để biết cách nhấn nhá làm nên màu sắc xẩm. Vì tôi dễ bị ảnh hưởng lắm. Nếu hát giống cụ thì chắc chắn chả ai nghe tôi mà sẽ nghe thẳng nghệ nhân luôn”, Hà cho hay. Hà không định không chuyên về xẩm mà sẽ hát các thể loại dân gian khác nhau với mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ. Tuy nhiên cô vẫn định mỗi năm làm một bài xẩm chào xuân mới nhìn lại năm cũ. Cô cũng đã chuẩn bị một số sản phẩm sẽ sớm tung ra trong năm nay nhưng chưa tiết lộ chất liệu nào sẽ được sử dụng.

Nguyễn Thị Ngọc Hà sinh 26/6/1993 là một trong Top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Hà nhận Bằng Khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Nhà hát CMNVN giai đoạn 2016-2021; Bằng Khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà hát CMNVN, nhân dịp nhà hát đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới; từng đạt giải Nhì Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt -Trung 2019; Giải Nhì cuộc thi K-Pop Contest 2019; đại diện Ca sĩ Nhà hát CMN Việt Nam lưu diễn 5 nước Châu Âu 2017.

Sự kết hợp đầu tiên giữa xẩm với nhạc điện tử, vũ đoàn, rap… của Hà mới đầu cũng làm một số khán giả lớn tuổi hơi sốc. “Làm cái này không tránh khỏi ý kiến trái chiều nhưng so với những gì tôi chuẩn bị tinh thần để đón nhận thì cũng chưa phải quá ghê gớm. Có những đóng góp rất đúng giúp tôi tiếp tục hoàn thiện”, Hà nói.

Hà là người dân tộc Mường ở Ba Vì, Hà Nội. Bác ruột là nhạc sĩ. Cô học khoa Sư phạm Âm nhạc tại trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội nhưng chưa đứng lớp ngày nào. Vì ra trường, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nhận luôn. Hà từng đoạt Huy chương Vàng Tài năng trẻ toàn quốc 2016 với tiết mục Son- cũng là sáng tác đậm chất dân gian của Đức Nghĩa. Có thể thấy chất dân gian vốn đã tiềm ẩn trong cô cho đến khi cô nhận ra.