Cái đói, cái nghèo đang đeo bám hàng nghìn cư dân xóm chài ven bờ di sản vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Kỳ 1: Những đứa trẻ “mồ côi con chữ”
Hai mươi chín tuổi mới học hết lớp 3, dưới mười tuổi hầu như không biết chữ. Cả gia đình 5 người sống chung trên chiếc thuyền ọp ẹp chưa đầy 5 mét vuông. Cái đói, cái nghèo đang đeo bám hàng nghìn cư dân xóm chài ven bờ di sản vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
“Học chữ để làm gì hả chú?”
Đi dọc đường bao biển của TP Hạ Long, dưới những tán dừa xanh phủ bóng là hàng trăm biệt thự siêu sang uy nghi, tráng lệ đứng sừng sững ven bờ vịnh Hạ Long của các đại gia đất mỏ. Hàng dàn siêu xe xếp dài trước cửa nhà như minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, thần tốc của thành phố du lịch này.
Nhưng ít ai biết, đối diện những “biệt phủ”, “lâu đài” nguy nga, tráng lệ lại tồn tại những mảnh đời cùng cực đang hàng ngày vật lộn với con sóng, ngọn gió để kiếm từng bữa ăn qua ngày. Những xóm chài nhếch nhác, những đứa trẻ chỉ biết tay chèo tay lưới để kiếm thêm đồng rau, đồng mắm phụ giúp gia đình đang hiện hữu ở thành phố này hàng chục năm qua.
Bến chợ cá cũ Cột 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long trước đây là nơi tập trung ra vào của ngư dân trên vùng vịnh để buôn bán hải sản. Từ khi bến cá này được di chuyển lên gần chợ Hạ Long thì nó trở thành nơi trú ngụ “bất đắc dĩ” của hàng trăm ngư dân trên những chiếc thuyền nan ọp ẹp. Cứ chiều về, bến cá này lại đông nghịt thuyền bè về cư trú sau một ngày vất vả mưu sinh.
Xuống một chiếc thuyền bé xíu chỉ đủ 2 người ngồi, cô bé lái thuyền nhìn thấy tôi mang theo máy ảnh đã nhanh nhảu nói - “Chú ra vịnh chụp ảnh phải không? Cháu chỉ lấy 50 nghìn 1 tiếng thôi”. Nhìn nụ cười rạng rỡ hiện trên khuôn mặt cô bé, tôi biết rằng, cô bé đang rất vui vì có khách để chở và đồng nghĩa với việc sẽ kiếm được tiền phụ giúp gia đình.
Sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết cô bé tên là Hoàng Thị Lan, 13 tuổi, sống cùng bố mẹ và 2 em nhỏ trên chiếc thuyền trong xóm chài. Bố mẹ làm nghề câu, 2 em trai một lên 8, một lên 6. Lan chỉ biết sinh ra đã được sống trên chiếc thuyền nhỏ từ bấy đến nay rồi. Công việc chủ yếu của em là phụ giúp bố mẹ thả lưới, gỡ cá, thỉnh thoảng cũng phải tự đi câu và tự bán cá. Những lúc rảnh em lại chèo thuyền vào bến cá để mong gặp khách có nhu cầu ra vào gần bờ.
Lan trố mắt nhìn khi biết tôi chỉ muốn đi ra xóm chài để chụp ảnh- “Xóm chài bọn cháu không có gì đâu chú, toàn thuyền rách nát, ai cũng xấu xí và chỉ toàn lưới với chài, thì chú chụp làm gì. Để cháu đưa chú ra kia chụp mặt trời lặn mới đẹp”. Mãi đến lúc gần về bờ tôi mới biết vì sao Lan không muốn chở tôi ra xóm chài vì theo cô bé, xóm chài vừa nghèo vừa xấu, nhiều đứa trẻ không có áo quần để mặc, trong đó có 2 em của Lan.
Nhìn đôi tay mảnh khảnh đưa từng nhịp chèo, những vệt mồ hôi rịn lăn trên má, nhưng nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt non nớt của Lan, tôi mới hiểu em đang vui khi được chở khách đi thuyền. “Cháu không biết chữ, cháu chưa từng được đi học bao giờ, nhưng học chữ để làm gì hả chú?” – Đôi mắt Lan đọng nước khi tôi hỏi cô bé đang học lớp mấy. Ở xóm chài này, không chỉ mỗi mình Lan mà nhiều đứa trẻ khác cũng không được đến trường.
“Đi học làm sao được, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy tay lưới với mấy chiếc cần câu. Hai vợ chồng đêm hôm lặn lội bắt được vài con cá, sáng mẹ nó đưa vào chợ bán, tôi thì lên bờ bốc vác thuê. Mỗi tháng thu nhập được vài ba triệu, đến lo cái ăn cho chúng còn khó chứ nói chi chuyện đi học” - Anh Hoàng Văn Sơn, bố của bé Lan tâm sự.
Anh Sơn sinh năm 1983, quê gốc ở Quảng Yên, bố mẹ trước là cư dân của làng chài Cửa Vạn ngoài vịnh Hạ Long, sau khi lấy vợ và sinh 3 đứa con, của hồi môn 2 gia đình nội ngoại là chiếc thuyền nan chưa đầy 5 mét vuông. Từ đó, vợ chồng anh cùng các con lại lênh đênh cuộc mưu sinh như bao gia đình làng chài khác.
Từ bao đời nay, ngư dân sống trên vùng vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đều sống dựa vào nguồn lợi thủy sản nơi đây. Đa số đều đánh bắt trong vịnh và ven bờ. Mỗi thế hệ, từ lúc sinh ra đã làm quen với sóng nước, lênh đênh nay đây mai đó. Họ coi vùng vịnh là nhà, là cuộc sống gắn liền, ăn sâu trong máu và không thể tách rời.
Làng ngư dân mù chữ
Xóm chài ở bến cá cũ Cột 5 chỉ là một con số nhỏ trong hệ thống cư dân các làng chài trên vịnh Hạ Long. Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định di dời toàn bộ cư dân của các làng chài sinh sống trên vịnh lên bờ tái định cư tại Tổ 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Gần 350 hộ dân được đưa lên bờ để an cư, nhưng vẫn còn nhiều hộ ngư dân vẫn phải lênh đênh trên vịnh, sống tạm bợ trên những con thuyền gỗ mục nát.
Gia đình bà Bùi Thị Nốp ở làng chài Hà Phong có 5 người con, nhưng duy nhất cô con gái út (29 tuổi) được học hết lớp 3. Các con dâu, rể của bà cũng chỉ có 1 người biết chữ. “Tôi cũng luôn động viên con cháu học lấy cái chữ để bớt khổ, nhưng vì mưu sinh nên chúng nó cứ phải lênh đênh trên biển để kiếm sống qua ngày. Nhìn chúng vất vả, cực khổ mà không biết phải làm thế nào?” - Bà Nốp tâm sự.
Nhìn những đứa trẻ chạy nhảy trên những chiếc thuyền gỗ đậu sát bên nhau ít ai nghĩ chúng sinh ra đã không được đủ đầy như bao đứa trẻ khác. Những ánh mắt ngỡ ngàng khi gặp người lạ, những đôi bàn tay bé nhỏ chỉ quen cầm cần câu, mái chèo thay vì cầm bút, cầm phấn. Những câu hỏi ngây ngô về trường học về con chữ luôn ám ảnh người đối diện.
Nhiều gia đình ngư dân đã 3, 4 thế hệ mù chữ, với họ, việc cho con đến lớp là cả một thử thách vô cùng khó khăn. “Ở xóm này cũng có một số cháu được đi học, nhưng chỉ học ở nhà cô giáo để biết mặt chữ chứ không được đến trường. Các khoản thu ở trường học là cả một gia tài đối với chúng tôi. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ nhưng cũng đành cắn răng bất lực” - anh Sơn, bố bé Lan tâm sự.
Khi chở tôi đến chiếc thuyền có 1 cháu bé tầm 10 tuổi đang với tay múc nước từ biển, Lan liền nói- “Nó là đứa duy nhất trong xóm này biết chữ đấy chú, nó tên Hưng, anh trai nó hay đưa điện thoại nhờ nó nhắn tin cho người yêu nữa cơ”. Hưng là con út trong gia đình có 5 anh chị em, Hưng được đi học là nhờ các anh chị lớn trong nhà đi làm phụ bếp trên tàu du lịch góp tiền cho Hưng đến lớp, nhưng cũng chỉ là đến học ở nhà cô giáo chứ không được đến trường.
Tôi đưa giấy giới thiệu của cơ quan cho Hưng đọc. Đánh vần mãi Hưng mới đọc được hàng chữ “Báo Tiền Phong”. Nói là đi học nhưng Hưng cũng chỉ có 1 quyển vở và 1 cây bút. Trong vở, những hàng chữ “rồng rắn” nối đuôi nhau thành hàng. “Chỉ lúc nào cô giáo rảnh thì cháu mới được học. Cả lớp có 7 bạn nhưng buổi học buổi không” - Hưng ấp úng nói.
Ánh mặt trời cuối ngày dần khuất sau những vách núi trên vịnh. Chiếc thuyền nhỏ của Lan nhẹ nhàng rẽ sóng đưa tôi vào bờ, để lại sau lưng một xóm chài lờ mờ ánh đèn dầu le lói. Cuộc sống của những đứa trẻ ven bờ di sản này sẽ ra sao? Ai sẽ là người thắp sáng tâm hồn những cư dân tương lai di sản?
Kỳ 2: Bi kịch của những kình ngư “mắc cạn”
Theo thống kê của phường Hà Phong, số người mù chữ và tái mù chữ lên đến con số gần 1 nghìn, chủ yếu là các em nhỏ và ngư dân làng chài. “Bố mẹ chúng nó từ ngày xưa không được đi học đã đành, nay bọn nhỏ đứa được đến lớp đứa thì không. Nhưng cũng không trách được, vì sinh kế còn nhiều vất vả, nhiều đứa trẻ phải lăn lộn với cuộc sống từ nhỏ, cơ hội để chúng đến lớp gần như không còn” – Cụ Thái Bá Hưng, một cư dân phường Hồng Hà nói.