Với tôi, nghệ sĩ guitarist Trần Hoài Phương là một người như vậy.
Trần Hoài Phương trước hết mà tôi biết là “dân” ngân hàng, một banker thứ thiệt hơn 20 năm chinh chiến qua các ngân hàng hàng toàn cầu và trải nghiệm văn hóa kinh doanh tài chính khác nhau Anh, Pháp, Mỹ với Standard Chartered, BNP Paribas, Citi và các ngân hàng trong nước như Techcombank, OCB, và giờ đây là Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank.
Cũng đã biết anh là một nghệ sĩ guitarist đặc biệt của giới chơi Tây Ban Cầm, là người hiếm hoi ở Việt nam chuyển soạn ca khúc, đưa ngôn ngữ cổ điển vào để ra được CD Góp lá mùa xuân chuyển soạn có chất cổ điển và vẫn có CD Leyenda cống hiến những ngón đàn thuần chất riêng gắn với tâm hồn nhiều thế hệ mê nhạc cổ điển.
Song Trần Hoài Phương có thể khiến người đối diện bối rối và có đôi chút hoang mang với năng lực đi giữa “đôi bờ”, mà lại sống trọn vẹn với cả đôi bờ ấy đến tận cùng, dù cả hai phía lại dường như không có liên quan nhau và thậm chí còn có phần đối nghịch. Đó là một bên là ngân hàng, là tài chính, là kinh doanh, là số má, là tiền. Không thể để sơ sẩy, thiếu logic, quyết định thiếu lý tính. Và một bên là nghệ thuật, là âm nhạc cổ điển, là “thánh đường” âm nhạc của sự đẹp đẽ, sang trọng, hào hoa và ngập tràn cảm xúc.
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí của anh Phương mà tôi đọc lại, đã đăng từ cả hơn chục năm về trước khi anh ra CD guitar gồm nhạc mục thuần cổ điển mang tên “Leyenda”, khi ấy, cũng có người thắc mắc anh Phương sao có thể “sống” giữa đôi bờ - với sự khác biệt nhau – đến vậy. Khi đó, anh Phương có trả lời rằng: “Giờ cầm đàn, không nghĩ tới ngân hàng. Giờ làm ngân hàng, không nhớ mình từng chơi đàn”.
Nhiều năm sau, một nhà báo hỏi: Anh có thấy việc mình rẽ lối sang ngân hàng, không sống bằng nghề guitarist, là một thiệt thòi của người chơi nhạc hay không? Nghệ sĩ guitarist Trần Hoài Phương khẳng định: Không hề, trái ngược lại, tôi thấy mình may mắn!
Theo anh, may mắn hoặc cơ duyên run rủi đã thúc đẩy anh đi trọn những con đường với âm nhạc và với nghề ngân hàng, để mình có thể yên tâm lo cho người thân một cách đàng hoàng và cũng đàng hoàng để được sống, được theo giấc đam mê cả đời. Con đường ấy anh đã khởi đầu từ lúc tốt cấp 3, thi đậu vào Khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa TPHCM với mục tiêu sẽ trở thành một kỹ sư. Nhưng rồi lên năm 2, trong một ngày hội, được lắng nghe tiếng đàn của những danh cầm trong nước lúc ấy như Dương Kim Dũng, Huỳnh Hữu Đoan..., anh đã nhận ra điều mình mong muốn đích xác là gì. Đó chính là khát vọng làm sao trở thành một học viên chính danh của Nhạc viên Thành phố, trở thành một nghệ sĩ đích thực.
Dĩ nhiên, đằng sau đó còn có những lý do thúc đẩy, như từ khi mẹ anh là người tặng cho anh cây đàn guitar đầu tiên để anh tự học, như ông ngoại anh mà anh được nghe là một nhạc sư cổ nhạc. Và có cả những cơn cớ của “Tuổi trẻ băn khoăn” tựa chàng Emil Sinclair của Hermann Hesse đã luôn truy vấn bản ngã và các giá trị, luôn đi truy tìm chính mình như một lẽ sống trong đời.
Khát vọng ấy, có lẽ cộng hưởng cùng khiếu thiên bẩm với âm nhạc, với tâm tính trọng kỷ luật và nỗ lực hơn người, đã khiến anh trong quãng thời gian rất ngắn, vượt tưởng tượng của “người thầy” guitarist Phùng Tuấn Vũ, đậu trúng tuyển hệ đại học của Nhạc viện TP. Để rồi khi tốt nghiệp, những cơn cớ khác lại gieo duyên đẩy anh đến một hành trình mới, thi tiếp vào ĐH Kinh tế, khoa Ngoại thương và lấy được học bổng duy nhất của khoa vào năm đó, sang Pháp học ngành kinh tế quốc tế tại Trường ĐH Tổng hợp Aix-en-Provence (Marseille). Từ đó, mở thêm con đường “nối nghiệp” cha mẹ là ngành tài chính ngân hàng.
Khi tôi hỏi, vậy trong nghệ thuật, sau cùng anh có “Người thầy đầu tiên” hay ai là “người ảnh hưởng”? “Trong suốt hành trình gần 30 năm theo đuổi nghệ thuật, tôi đã phần lớn tự xoay xở từ cái thuở ban đầu vào Nhạc viện, tới lúc cố gắng duy trì “sống” cùng không gian của nghề, làm Phó chủ nhiệm câu lạc bộ guitar Phú Nhuận - nơi duy nhất ở TPHCM quy tụ được những guitarist hàng đầu trong cả nước và tổ chức được thường xuyên các buổi trình tấu trong suốt hàng chục năm qua; cho đến những chuyến lưu diễn cùng các guitarist hàng đầu để tiếp tục gìn giữ ngọn lửa âm nhạc ở các khắp các miền Nam, Bắc…, tôi đều vẫn phải nỗ lực tự mình. Đó có lẽ lại cũng là một trong những yếu tố khiến tôi làm những điều mà đôi khi nhiều guitarist cổ điển không quan tâm đến. Ví dụ đưa ngôn ngữ cổ điển vào ca khúc chuyển soạn, tìm cách để đưa âm nhạc guitar cổ điển vốn “kén tai, khó nghe”, trở nên dễ gần hơn và đến được với nhiều người.
Từ “Góp lá mùa Xuân (2004), Leyenda (2011), đến album Remembrance - Tưởng nhớ sẽ được nghệ sĩ guitarist Trần Hoài Phương ra mắt đầu năm nay, hành trình nghệ thuật của anh là sự “chắt lọc lại những khoảnh khắc từng đi qua”, là sự dồn nén để đến thời điểm bung mình, lúc Trần Hoài Phương “thực sự khoả trần với niềm đam mê của mình và muốn được chia sẻ với những người bạn của mình”, như lời bạt của chính nghệ sĩ với Remembrance.
Trong lời bạt, Guitarist Trần Hoài Phương viết: “Cho dù có những con đường rẽ lối và thách thức, nhưng tôi vẫn sẽ đi trên con đường mà tôi cảm thấy bình an nhất, đó là con đường tôi được sống với niềm đam mê của mình”. Bằng những gì anh đã đi qua và làm được sau hàng chục năm, băng trên mọi lối rẽ, chọn những hướng đi, giữ nghề và nghiệp giữa đôi bờ sống, tôi đã thực sự tin guitarist-banker ấy đã luôn sống đúng mình, là nhà nghề với chính mình ở mọi vị trí mà anh đã chọn!
Album Remember – Tưởng nhớ sẽ chính thức ra mắt tháng 1/2021, gồm 9 ca khúc được Trần Hoài Phương viết hòa âm, chuyển soạn sang guitar, solo trình diễn. Album được sản xuất bởi Phương Nam Film, phát hành trên toàn quốc.