GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ: Hiến kế phát triển giáo dục đại học gắn với khoa học công nghệ

TPO - Sự liên kết, hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ, khu công nghiệp công nghệ cao... với các đối tác quốc tế không những giúp hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam dễ thích nghi, tiến bộ, đổi mới, mà còn có thể “thay máu” khi cần thiết, đồng thời mở ra cơ hội tích hợp sâu vào nền kinh tế trí thức toàn cầu. Giáo dục đại học chính là môi trường quan trọng nhất để chuẩn bị hiền tài cho đất nước trong thời đại của khoa học và công nghệ.

Gắn giáo dục đại học với KHCN, công nghiệp công nghệ cao

Giảng viên ĐH phải gắn trực tiếp với nghiên cứu KHCN, với các ứng dụng và phát minh KHCN. Giảng viên có tham gia các dự án KHCN mới có thể cập nhật, truyền tải kiến thức mới, có ứng dụng thực tế tới sinh viên của mình, nhất là trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về KHCN trên toàn cầu hiện nay. Các nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh bậc thạc sỹ và tiến sỹ còn là nguồn nhân lực bổ sung quan trọng cho hệ thống giảng viên của GDĐH.

Các phòng thí nghiệm (PTN) công nghệ cao (CNC) thực chất là nơi thực hành và đào tạo GDĐH nhân lực chất lượng cao rất tốt không chỉ về kỹ thuật, công nghệ mà còn là nơi cung cấp cho sinh viên, nhân lực tương lai của các ngành công nghệ, kỹ năng làm việc quan trọng khi ra trường. Để có thể tham gia sâu vào thị trường lao động của các ngành công nghiệp CNC, cần không chỉ kiến thức về công nghệ mà còn các kỹ năng mới, đáp ứng đòi hỏi của công việc.

Ví dụ, khi thiết kế vi mạch điện tử số, ngoài kiến thức nền về thiết kế vi mạch số, sinh viên rất cần kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm trong các chương trình thiết kế mới, giúp phân chia công việc của các thành viên theo dạng modul hóa, đồng thời nâng cao chất lượng công việc thiết kế, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa kỹ thuật trong quy trình thiết kế và thử nghiệm vi mạch.

Nếu tích hợp tốt hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D), các PTN CNC, PTN trọng điểm vào hệ thống GDĐH, sẽ giúp hệ thống đào tạo có cơ sở nghiên cứu và thực hành hiện đại, sử dụng chung nguồn lực về trang thiết bị và con người, tiết kiệm chi phí. Khi các trung tâm nghiên cứu công nghệ và PTN CNC được đặt tại các cơ sở GDĐH, không chỉ sinh viên có điều kiện học tập, thực hành trên hệ thống nghiên cứu hiện đại, sát với thực tế, mà giảng viên có thể trực tiếp tham gia nghiên cứu và hướng dẫn, hợp tác với đồng nghiệp tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo khác, luôn có điều kiện tốt để cập nhật thông tin KHCN, hợp tác KHCN, nâng tầm kiến thức và kinh nghiệm thực tế.

Thực tế cho thấy, các nghiên cứu viên khoa học trực tiếp tham gia đào tạo, truyền thụ kiến thức cho sinh viên cũng có khả năng tư duy khoa học, sắp xếp kiến thức mạch lạc và logic hơn, giúp công việc nghiên cứu khoa học hiệu quả. Đồng thời quá trình này cũng giúp giảng viên phát hiện sinh viên xuất sắc, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao và bổ sung nguồn lực cần thiết cho đội ngũ nghiên cứu khoa học. Kết quả là chúng ta có hệ thống nhà khoa học, nghiên cứu viên, giảng viên giỏi cả trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Vì vậy, phải tích hợp hệ thống R&D với hệ thống GDĐH, giảm thiểu các viện nghiên cứu độc lập. Việc này giúp tối ưu không chỉ quy trình đào tạo và nghiên cứu, mà còn tiết kiệm chi phí đào tạo, chọn lựa nhân lực cho hệ thống GDĐH và KHCN.

GDĐH cũng không thể tách rời khỏi hệ thống công nghiệp công nghệ cao. Hầu như tất cả các ngành công nghiệp đã được ứng dụng sâu công nghệ, tích hợp trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, phải kể tới các công nghệ mới nổi, nhưng quyết định chất lượng cũng như giá trị gia tăng sản phẩm như công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT), công nghệ tự động hóa thế hệ mới, mạng thông minh...

Vòng đời của các công nghệ, thậm chí các công nghệ lõi, công nghệ nền đã giảm từ 10-15 năm xuống chỉ còn 3-5 năm, và còn ít hơn nữa. Vì vậy, nhiều trung tâm, PTN nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ được xây dựng, tích hợp ngay trong hệ thống công nghiệp công nghệ cao, để giảm thiểu chi phí vận hành và gần hơn với ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian, quy trình, vòng đời của các công nghệ trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt về công nghệ và nhu cầu đổi mới từ thị trường.

Trong tình hình đó, GDĐH cũng phải chuyển mình, thay đổi phù hợp, thích nghi và đáp ứng đòi hỏi từ thực tế của thị trường lao động. Gắn GDĐH, trong đó có chương trình, hệ thống R&D và đào tạo, thực hành, chặt hơn và gần hơn với các cơ sở công nghiệp công nghệ cao, đáp ứng đòi hỏi đổi mới công nghệ và nhân lực chất lượng cao, là mệnh lệnh từ cuộc sống.

Từ nhu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực chất lượng cao, GDĐH của nhiều quốc gia đã thay đổi theo hướng tích hợp hệ thống quản lý, điều hành GDĐH với KHCN. Ví dụ, hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ Liên bang Nga đã cơ cấu lại thành Bộ Khoa học và GDĐH và Bộ Giáo dục và Đào tạo (chuyên về giáo dục phổ thông và mầm non). Sự thay đổi hợp lý này không chỉ giúp GDĐH tích hợp với KHCN nói chung mà còn giảm thiểu khâu trung gian trong tổ chức, điều hành.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao không nên đại trà

Nhân lực cho các ngành CNC phải có chất lượng cao. Nhưng nếu chất lượng cao thì hệ thống GDĐH không thể đào tạo đại trà. Tất nhiên, nhân lực các ngành CNC có ở nhiều cấp độ, nhiều dạng công việc khác nhau. Trong đó, có lực lượng lao động là kỹ sư các ngành kỹ thuật và công nghệ, nhà khoa học, và nhà quản lý. Có những nhân lực là kỹ sư thực hành, trực tiếp tham gia, điều hành công việc sản xuất. Chất lượng cao thường không đồng hành với đào tạo đại trà.

Một ví dụ về cách đào tạo đại trà nhân lực chất lượng cao là chuyển hàng ngàn nhân lực các ngành thông tin, viễn thông đã đào tạo, sang đào tạo lại về bán dẫn trong thời gian 6-12 tháng theo Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

Khó có thể có nhân lực chất lượng cao về bán dẫn trong thời gian đào tạo ngắn như thế, khi về cơ bản là phải đào tạo lại, vì các ngành này về bản chất là khác nhau. Nhất định không thể phổ cập GDĐH, mà phải phân luồng đào tạo từ phổ thông, cũng như không thể đào tạo chất lượng cao, đại trà cho các ngành công nghệ cao.

Đầu tư hơn nữa

Đầu tư vào GDĐH và KHCN là đầu tư cơ bản, mang ý nghĩa chiến lược cho phát triển của đất nước.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho GDĐH ở mức 5-7 lần thấp hơn so với nhóm các nước có thu nhập từ thấp tới cao (theo tỉ trọng trên GDP và cả NSNN) trong khu vực và trên thế giới. NSNN chi cho GDĐH giảm từ 19.271 tỷ đồng năm 2013 xuống 10.429 tỷ đồng năm 2022. Theo tỷ trọng trên GDP, NSNN chi cho GDĐH giảm từ 0,43% năm 2013 xuống 0,11% năm 2022. Theo tỷ trọng trên tổng NSNN chi cho giáo dục và đào tạo, phần kinh phí NSNN chi cho GDĐH giảm từ 9,3% năm 2013 xuống còn 3,4% năm 2022.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng chi tất cả cơ sở GDĐH năm 2020 là 47.800 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,6% GDP. So với mức trung bình các nước OECD, EU và một số nước trong khu vực, tỷ trọng tổng chi GDĐH trên GDP của Việt Nam nhỏ hơn 2-3 lần.

Về KHCN, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (GERD) của Việt Nam năm 2023 chỉ chiếm 0,43% GDP, so với 4,91% của Hàn Quốc, 3,96% của Đài Loan (Trung Quốc), 3,3% của Nhật Bản, 2,43% của Trung Quốc, 0,95% của Malaysia và 0,65% của Ấn Độ.

Mặt khác, các dự án đầu tư cho GDĐH và KHCN từ nhiều năm nay cần phải được đánh giá lại một cách tổng quát, lưu ý đặc biệt tới tiêu chí hiệu quả sử dụng trang thiết bị, con người, bộ máy tổ chức quản lý. Đánh giá toàn diện và tìm ra những nguyên nhân, kể cả thất bại và thành công, đặc biệt là các dự án đầu tư công, dùng NSNN, rút kinh nghiệm, để đầu tư hiệu quả hơn trong điều kiện hạn hẹp về ngân sách.

Tư duy mở và phương pháp luận khoa học

Văn hóa lúa nước không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của đại bộ phận nhân dân, phong tục tập quán, mà còn tới tư duy, phương pháp luận khoa học của trí thức Việt Nam. Vì vậy, phát triển GDĐH và KHCN phải tiến hành phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam mới có thể hiệu quả và thành công.

Muốn làm điện hạt nhân, muốn làm công nghiệp bán dẫn, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, hay chuyển đổi số, AI... đều cần phải có con người trí thức yêu nước, có chuyên môn sâu, tác phong công nghiệp, kỷ luật và tư duy khoa học mở.

GDĐH phải đặt nhiệm vụ trọng tâm xây dựng con người trí thức mới, yêu nước, thương dân, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc, có lòng tự trọng, liêm sỉ. Con người trí thức mới có tư duy mở và phương pháp luận khoa học, vừa giỏi chuyên môn, vừa yêu nước mới có thể gánh vác trọng trách, đưa đất nước tiến lên.

Để xây dựng con người trí thức mới, đội ngũ trí thức mới, GDĐH cần phải có môi trường lành mạnh, với đội ngũ lãnh đạo quản lý thật sự là những trí thức tâm huyết, có trình độ, dám gạt bỏ mọi lợi ích cá nhân, vì sự nghiệp chung của đất nước.

Để đào tạo được con người trí thức mới, GDĐH và KHCN phải là môi trường học thuật và nghiên cứu mở, có tự do học thuật và sáng tạo, có cơ chế vận hành khoa học, có thể tiếp thu phản biện và tự sửa chữa, thích nghi và tự hoàn thiện, tôn trọng ý kiến nhiều chiều, miễn là tích cực, có lợi cho sự nghiệp chung, cho đất nước.

Hợp tác quốc tế sâu rộng

Hợp tác quốc tế không chỉ nâng tầm mà còn đảm bảo cho thành công của GDĐH và KHCN. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, hợp tác quốc tế về GDĐH và KHCN càng quan trọng đối với chúng ta.

Hợp tác quốc tế không chỉ mang lại những kinh nghiệm quý báu, mà còn tạo nguồn lực lớn cho phát triển GDĐH và KHCN, mở ra thị trường cạnh tranh sòng phẳng về công nghệ và nhân lực chất lượng cao.

Sự liên kết, hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu, trung tâm KHCN, khu công nghiệp công nghệ cao với các đối tác quốc tế không những giúp hệ thống GDĐH của chúng ta thích nghi, tiến bộ, đổi mới, thậm chí có thể “thay máu” khi cần thiết, mà còn mở ra cơ hội cho phép tích hợp sâu vào nền kinh tế trí thức toàn cầu, giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hợp tác quốc tế không chỉ giúp Việt Nam đào tạo, mà còn khai thác nhân lực chất lượng cao của thị trường KHCN thế giới. Nên thay đổi tư duy, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước chúng ta về GDĐH và KHCN. Hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa giúp chúng ta nâng cao chất lượng của hệ thống đào tạo, thu hút chất xám, đồng thời sử dụng tốt hơn nguồn lực hiện có của cả hệ thống.

Khiêm tốn, cầu thị, quyết tâm

Cách làm GDĐH và KHCN từ nhiều năm nay chắc chắn cần đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn. Không nên hình thức, mà phải quan tâm chủ yếu tới chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng, theo lợi nhuận.

Con người là yếu tố quan trọng nhất của hệ thống. Phải có cơ chế hữu hiệu ngăn chặn kẻ xấu, kẻ cơ hội, bất tài, tiến tới loại bỏ chúng ra khỏi hệ thống GDĐH và KHCN. Đồng thời khuyến khích, bảo vệ những người tốt, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước, mới có thể làm cuộc “cách mạng” trong GDĐH và KHCN, đưa đất nước tiến lên.

Không nên nghĩ chúng ta đang chảy máu chất xám, nguồn lực KHCN cho thế giới, mà nên nghĩ theo hướng, chúng ta phải hợp tác sâu rộng để học hỏi thế giới, để Việt Nam có thể phát triển cùng thế giới. Phải có chính sách đột phá để thu hút hiền tài tới Việt Nam sống và làm việc, cống hiến cho Việt Nam. Không chỉ người gốc Việt Nam, mà cả người nước ngoài, miễn là giỏi và yêu mến Việt Nam, có thể tới Việt Nam sống và làm việc cho Việt Nam, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển của Việt Nam.

Để làm được điều này, phải có chính sách thực sự thông thoáng và hiệu quả để thu hút hiền tài từ khắp nơi trên thế giới tới Việt Nam sống và làm việc. Nhưng trước hết, chúng ta phải cầu thị, quyết tâm thay đổi tư duy, cách làm GDĐH và KHCN hiện nay. Cán bộ của chúng ta trong mọi việc phải làm việc với tinh thần “đi trước, về sau”.

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ là nhà khoa học Vật lý và công nghệ Plasma, là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng plasma nhiệt độ thấp. Ông hiện là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga; Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt – Nga, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả...