GS Nguyễn Đức Tồn gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng vì bị tố đạo văn

TPO - GS. Nguyễn Đức Tồn, người bị tố cáo đạo văn của học trò, cho biết đã có đơn kiến nghị mong chờ cơ quan chức năng làm rõ sự việc.

Tối 22/5, chia sẻ với Tiền Phong, GS. Nguyễn Đức Tồn cho biết đơn kiến nghị ông gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Tuyên giáo trung ương, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Cần một cuộc thẩm tra công bằng, minh bạch

Theo GS. Nguyễn Đức Tồn, chiều ngày 18 tháng 5 năm 2018, ông đã nhận được Công văn của Hội đồng CDGSNN (do ông Chủ tịch Hội đồng CDGS Ngành Ngôn ngữ học chuyển qua hộp thư điện tử) yêu cầu Hội đồng CDGS ngành Ngôn ngữ học "khẩn trương kiểm tra" việc "đạo văn" của ông Nguyễn Đức Tồn" và có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi HĐCDGSNN trước ngày 1/6/2018 để HĐCDGSNN xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật”.

Nhận công văn này, GS. Tồn hoàn toàn nhất trí và cũng đang rất mong chờ cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm tra vấn đề được một số báo đưa tin có liên quan đến ông để xác định và kết luận rõ ràng ông có "đạo văn" hay không.

GS. Nguyễn Đức Tồn

Ông kiến nghị việc thành lập Ban thẩm tra phải bao gồm các thành viên có chuyên môn và đảm bảo sự công tâm, khách quan. Do đó, không cử vào Ban thẩm tra này những người đã trả lời phỏng vấn trên báo chí quy kết ông "đạo văn" (trong đó có hai người là thành viên của HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học ở thời điểm hiện tại là ông Trần Ngọc Thêm và ông Phạm Hùng Việt) và những người mà ông đã và đang đấu tranh lên án những hành vi tiêu cực, có dấu hiệu phạm pháp của họ như ông Lý Toàn Thắng, ông Phạm Hùng Việt năm 2003 đã bị tôi tố cáo đạo văn cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên); Ông Nguyễn Văn Hiệp - đối tượng đang bị ông trực diện đấu tranh vì các hành vi tiêu cực tại Viện Ngôn ngữ học và đang được các cơ quan chức năng điều tra xem xét.

GS. Tồn cho rằng tài liệu thẩm tra cần phải đầy đủ và đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có Hồ sơ đề nghị xét phong GS của ông năm 2009 hiện đang lưu tại HĐCDGSNN phải được niêm phong, đảm bảo đúng hồ sơ gốc để chuyển cho Ban thẩm tra, không tùy tiện lấy bất cứ cuốn nào trên thị trường để thẩm định.

Ngoài ra, GS. Tồn kiến nghị cần có các đại diện của Vụ Pháp lí và Thanh tra của Bộ GD&ĐT. Ông cũng đề nghị cho phép luật sư của mình được tham dự quan sát quá trình thẩm tra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông.

Tố cáo lại người tố cáo

Chia sẻ thêm, GS. Nguyễn Đức Tồn khẳng định GS. Trần Ngọc Thêm đang là đối tượng bị ông kiến nghị trong phiên họp rút kinh nghiệm đợt xét phong chức danh GS và PGS năm 2017 của HĐCDGS ngành Ngôn ngữ tháng 12/2017. Lý do là GS. Thêm đã không còn nghiên cứu ngôn ngữ học hàng mấy chục năm nay mà vẫn ngồi Chủ tịch HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học.

Hơn nữa, GS. Tồn cho rằng nếu Cơ quan quản lí nhà nước có chủ trương thẩm tra tư cách khoa học và điều kiện phong học hàm của ông trong tình huống "một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh việc "đạo văn" của ông thì ông cũng kính đề nghị Cơ quan quản lí Nhà nước cần phải chỉ đạo xem xét tất cả các trường hợp tương tự khác cũng đã được thông tin đại chúng phản ánh đạo văn.

Chẳng hạn như trường hợp GS. Trần Ngọc Thêm về các công trình: “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” để đảm bảo kỉ cương và sự bình đẳng của các công dân trước pháp luật.

Một lần nữa, GS. Tồn khẳng định việc có người bằng nhiều cách thức, kể cả viết thư nặc danh, hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng,... tố cáo ông "đạo văn" đã xảy ra nhiều lần.

“Cách đây hơn 10 năm, khi tôi đứng lên đấu tranh với những tiêu cực tại Viện Ngôn ngữ học thì tôi cũng đã chịu cảnh tương tự và đã được các cơ quan chức năng giải quyết, kết luận rõ ràng tôi không đạo văn của học trò mình hướng dẫn” – GS. Nguyễn Đức Tồn nêu dẫn chứng.

Trước đó, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ phản ánh GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn trong các cuốn sách đã xuất bản. Năm 2002, GS Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học và đã không được thông qua hình như vì lý do này.

Năm 2006, hồ sơ của GS. Tồn cũng không được thông qua khi lên đến HĐCDGS ngành Ngôn ngữ vì cũng liên quan đến đạo văn. Đến năm 2009, theo GS. Trần Ngọc Thêm vì nhiều yếu tố nên  các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ứng viên Nguyễn Đức Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ứng viên Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10. Khẳng định với Tiền Phong, GS. Trần Ngọc Thêm cho biết. Là người không bỏ phiếu trắng khi lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng ngành, lại giữ vai trò chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ, GS. Trần Ngọc Thêm cho hay, vụ việc sau khi có kết luận cuối cùng của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Trách nhiệm đến đâu, ông sẵn sàng đối mặt.