Là “cha đẻ” của chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ông có thể cho biết ý tưởng này xuất phát từ đâu?
Xuất phát từ tình hình thực tế lúc đó. Thứ nhất, trường Tổng hợp trước đây, sau tách thành trường ĐH Khoa học Tự nhiên và trường ĐH KHXH&NV có khối chuyên hệ THPT (sau này là trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên). Đó gần như là vườn ươm nhân tài hệ phổ thông của đất nước. Nhưng chỉ dừng lại ở phổ thông nên sau THPT chưa có hình thức đào tạo tiếp theo, ở bậc cao hơn là ĐH thì không có.
Thứ hai là nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường. Nó ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng học sinh giỏi không vào ĐH Tổng hợp mà sang Ngoại thương, Kinh tế. Do đó, ĐH Khoa học Tự nhiên lúc đó chỉ chọn được những em học sinh chất lượng bình thường. Chúng tôi có ý tưởng là thu hút được người giỏi vào trường để các em còn có thể phát triển xa hơn.
Thứ ba là chúng tôi cũng muốn tạo ra một mô hình đào tạo chất lượng cao nhưng có sự đầu tư của nhà nước. Vì nhiều em có tài năng nhưng không có điều kiện học tập. Có thể hiểu đây là đào tạo nhân tài do nhà nước tài trợ. Do đó, đã thu hút được rất nhiều người giỏi vào học.
Từ ba lý do trên mà hệ CNKHTN ra đời.
Ngày đó, chúng tôi có chính sách sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai mà giỏi được các trường nước ngoài nhận thì chúng tôi cũng sẵn sàng cho đi. Cũng tranh luận gay gắt nhưng mục đích là vì sự phát triển của các em. Phải nói thật là ở trong nước, không có điều kiện để đào tạo các em như nước ngoài.
Nếu không cho đi thì có khi các em không muốn vào hệ này. Nên cuối cùng chúng tôi lựa chọn giải pháp là nếu em nào xin được học bổng thì chúng tôi cho đi. Không những thế chúng tôi còn quan hệ hợp tác với trường lớn để họ nhận những em giỏi sang đào tạo cho Việt Nam.
Những sinh viên tốt nghiệp hệ này được rất nhiều trường ĐH lớn ở Mỹ, Anh, Nhật nhận làm nghiên cứu sinh thẳng không qua thạc sĩ. Có thể nói đó là thành công lớn. Chứng tỏ uy tín, chất lượng của hệ đào tạo này.
Thưa ông, hệ CNKHTN nhà nước đã đầu tư, nhưng vẫn phải chấp nhận cho các em ra học tiếp ở nước ngoài. Trong số này có nhiều em không trở về. Điều đó có phải chúng ta sinh ra nhân tài mà không dưỡng người tài. Ông nghĩ sao?
Chúng tôi quan niệm đây là những nhân tài thực sự và còn phát triển rất xa. Vì vậy, chúng tôi không băn khoăn, phản đối các em ở lại nước ngoài học bậc cao hơn mà tôi còn tìm cách ủng hộ, giúp đỡ các em làm được việc đó. Vì nếu cử người đi học làm tiến sĩ theo Đề án 322, hoặc 911 mất rất nhiều tiền của mà có thành nhân tài đặc biệt đâu. Trong khi đó đây là tự xin được và họ giữ ở lại nếu thấy giỏi. Như vậy nếu ở lại các em sẽ được làm việc ở trung tâm khoa học lớn, được làm việc với những người thầy rất giỏi. Sau khi thành tài các em về nước làm việc thì cũng rất tốt, hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Có thể ví dụ như trường hợp GS Ngô Bảo Châu. Dù làm việc ở nước ngoài nhưng GS vẫn có đóng góp rất nhiều cho đất nước.
Những người ra nước ngoài du học bình thường, họ có thể ở lại định cư. Còn đây là những nhà khoa học trong tương lai, nên họ cần phải được đào tạo trong môi trường tốt nhất. Do vậy, nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư để khuyến khích họ về nước làm việc.
Thời gian gần đây, hệ CNKHTN tuyển sinh gặp khó khăn. Theo ông, cần có giải pháp gì cho vấn đề này?
Tôi nói thật, gặp khó khăn là đúng. Ban đầu khi có hệ này, ĐH Quốc gia Hà Nội tự bỏ kinh phí ra đào tạo, khi đó chính sách của chúng tôi rất ưu tiên.
Chúng tôi cấp học bổng cao, tạo điều kiện trong các sinh hoạt, tạo điều kiện về sử dụng cơ sở vật chất. Nhưng hiện nay, chế độ đãi ngộ ngày càng giảm. Hơn nữa, bây giờ nhiều gia đình có điều kiện cho con em đi du học mà không cần nhà nước hỗ trợ. Học sinh bây giờ cũng giỏi hơn, tự xin được học bổng. Nhưng các trường nước ngoài xét học bổng thường không chọn ưu tiên điểm mạnh về học tập. Do đó, các em cũng không ưu tiên đi sâu vào học. Vì vậy cũng chia sẻ bớt lực hút của khối này.
Sau khi ĐH Quốc gia Hà Nội thành công, Chính phủ có quyết định cấp kinh phí cho hệ này thì một số trường cũng muốn được đào tạo. Phải nói thẳng nhiều trường làm chẳng qua để xin kinh phí của nhà nước và coi nhẹ hệ này.
Liệu có phải do đang đứt đoạn ở sau ĐH, thưa ông?
Trước khi đi khỏi ĐH Quốc gia Hà Nội tôi đã phác thảo ra quy định về đào tạo tài năng, trong đó có cả cấp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Tôi rất tiếc là sau đó thực hiện không theo ý đồ ban đầu. Không những thế, sau này Bộ GD&ĐT có chương trình tiên tiến, nên nó có nhiều hấp dẫn.
Tôi cũng phải nói thật, hệ CNKHTN ban đầu phù hợp nhưng về sau, do bao cấp quá lớn dẫn đến không mở rộng được quy mô. Đây lại là hạn chế. Do đó, muốn làm thạc sĩ, tiến sĩ thì nguồn tuyển ở cấp ĐH phải lớn. Vì sau khi tốt nghiệp tỷ lệ các em đi nước ngoài khoảng 80%, vậy chỉ còn 20% để tuyển.
Có thể lấy từ nguồn sinh viên không học hệ này nhưng không được đào tạo bài bản từ dưới lên. Vì thế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ chất lượng cao ở Việt Nam tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh với các trường nước ngoài. Vì với những nghiên cứu sinh giỏi thì các GS nước ngoài sẽ tìm cách thu hút. Và họ có hẳn điều kiện hơn mình rất nhiều nên chắc chắn, những người giỏi sẽ đi theo các GS nước ngoài.
Cảm ơn ông.
“Chúng tôi không băn khoăn, phản đối các em ở lại nước ngoài học bậc cao hơn mà tôi còn tìm cách ủng hộ, giúp đỡ các em làm được việc đó. Vì nếu cử người đi học làm tiến sĩ theo Đề án 322, hoặc 911 mất rất nhiều tiền của mà có thành nhân tài đặc biệt đâu. Trong khi đó đây là tự xin được và họ giữ ở lại nếu thấy giỏi. Như vậy nếu ở lại các em sẽ được làm việc ở trung tâm khoa học lớn, được làm việc với những người thầy rất giỏi. Sau khi thành tài các em về nước làm việc thì cũng rất tốt, hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều”.
GS Đào Trọng Thi