Mới đây có thông tin Bộ GD&ĐT đưa ra hai phương án bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT QG 2018 để lãnh đạo các trường đại học chọn lựa.
Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên bài thi tổ hợp như năm 2017 (gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Phương án thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của ba môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).
Nói về vấn đề đổi mới phương án thi, GS. Đào Trọng Thi cho rằng, tất cả những đổi mới trong giáo dục đều phải dựa trên khoa học, chân lý không thuộc về sự nhượng bộ. Bài thi tổ hợp chỉ là có tính chất là giai đoạn quá độ trước khi chuyển sang bài thi tích hợp theo chương trình mới.
Theo GS Thi, thực ra bài thi tổ hợp chỉ mang tính chất tạm thời. Vì trong tương lai nó phải là bài thi tích hợp môn Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn để phù hợp với cơ cấu của chương trình phổ thông mới. Nhưng vì hiện nay chưa thực hiện chương trình đó nên không thể bắt học sinh thi những cái chưa được học. Hình thức môn thi tổ hợp hiện nay là cộng cơ học ba môn riêng rẽ nên chỉ mang tính chất tạm thời, quá độ khi chương trình mới đi vào thực tế và bài thi tích hợp thay thế.
Năm trước, tôi đã từng góp ý là bài thi tổ hợp cần được xem như một bài thi để tiến tới thi tích hợp. Bởi vậy không nên tách rời các môn thi như năm qua. Nhưng có lẽ là theo nguyện vọng của dư luận xã hội và các trường tuyển sinh theo tổ hợp truyền thống nên bài thi tổ hợp được Bộ GD&ĐT thiết kế thành ba môn thi độc lập.
Tôi nghĩ, thi một bài với ba môn cũng là cách tôn trọng sự lựa chọn của học sinh. Các em có quyền lựa chọn không làm bài môn này, không làm bài môn kia. Việc thi tách rời ba môn kéo theo việc kỹ thuật chuẩn bị, kỹ thuật tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi phức tạp hơn. Không nên chiều theo ý muốn không có cơ sở khoa học. Tôi ủng hộ một bài thi, một điểm số chung.
Bài thi tổ hợp thiết kế như năm vừa qua là sai mà đã sai thì phải sửa. Các trường ĐH cũng không có nhu cầu tuyển sinh quá cao bằng khối thi truyền thống. Do đó, nên thay đổi. Thay đổi đó không có gì ghê gớm, không phải là đổi mới mà chỉ là thay đổi kỹ thuật.
Chưa tuyển sinh riêng
Nói về hai phương án đối với bài thi tổ hợp cho kỳ thi THPT quốc gia 2018, PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng nếu theo hướng một bài thi, một đầu điểm thì sẽ thuận lợi hơn, không phải chia thành ba bài.
Theo PGS Trần Văn Tớp, một đề thi thí sinh có thể làm trong 150 phút, có thể 120 câu nhưng cũng có thể 150 câu. Như vậy làm đồng đều các môn, không thể bỏ môn thi nào trong ba môn thi của bài tổ hợp. Vì mỗi môn đều chiếm một tỷ trọng khá lớn trong bài tổ hợp. Thi, in sao đề thi, tổ chức thi thuận lợi hơn. Thời gian ngồi trong phòng thi của thí sinh cũng được rút ngắn lại.
“Với các trường ĐH, tuyển sinh không có vấn đề gì khó khăn. Thực chất, Lý, Hóa, Sinh đều là khoa học tự nhiên; Sử, Địa, Giáo dục công dân đều là khoa học xã hội. Nếu chỉ còn một bài thi thì cũng rất tốt cho các trường khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội và nhân văn. Đặc biệt như Bách khoa có một số ngành như Sinh học môi trường, Hóa học đều rất cần Sinh học” – PGS Trần Văn Tớp khẳng định.
Do đó, về mặt tuyển sinh, sự thay đó không ảnh hưởng đến các trường. Vấn đề còn lại là người học. Mục đích của Bộ GD&ĐT khi đưa ra một bài thi là muốn chuyển dần từ tổ hợp sang tích hợp. Nhưng muốn thế, phải có thời gian chuẩn bị. “Quan điểm của tôi là hoàn toàn đồng ý với phương án của Bộ nhưng nên có lộ trình công bố trước hai năm” – ông Tớp khẳng định.
Trước câu hỏi của Tiền Phong tại sao Luật giáo dục ĐH đã cho phép nhưng các trường vẫn không tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng, PGS Trần Văn Tớp chia sẻ: Để tổ chức một kỳ thi mất rất nhiều thời gian chuẩn bị. ĐH Bách khoa Hà Nội hiện vẫn chủ trương theo kỳ thi chung, chưa có ý định tổ chức kỳ thi riêng. Năm tới vẫn giữ quan điểm đó. Còn sau này nếu Bộ không tổ chức nữa hoặc một lý do nào đó mà trường tổ chức riêng thì kết quả kỳ thi THPT quốc gia được coi là điều kiện sơ loại, trường sẽ tổ chức thi, có thể thi một môn hoặc hai môn để tuyển chọn.