GS Bùi Văn Ga: Ứng viên phải qua 'sàn' trước khi trường ĐH tự công nhận, bổ nhiệm GS,PGS

TPO - Quy định của Thủ tướng Chính phủ đưa ra đối với xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư chỉ là tiêu chuẩn tối thiểu. Các trường đại học từ đó có thể đặt ra các yêu cầu cao hơn để công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo nhu cầu của trường. 

Hiện nay, theo Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); thủ tục bao gồm 2 công đoạn: xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là nhiệm vụ của Hội đồng GS Nhà nước; bổ nhiệm GS, PGS thuộc thẩm quyền của các cơ sở giáo dục ĐH (gồm ĐH, Học viện, Trường ĐH, viện nghiên cứu).

Vừa qua, có ý kiến đề xuất cho trường ĐH được tự chủ hoàn toàn cả 2 công đoạn này.

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã có trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này. Ông Ga nói: Hiện nay, Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS còn các trường bổ nhiệm các chức danh này ở đơn vị mình. Khi bổ nhiệm, các trường có thể yêu cầu ứng viên đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn so với ngưỡng tối thiểu theo qui định hiện hành. Quy trình đó những năm qua được tiến hành suôn sẻ, phù hợp với thực tế nước ta.

GS.TSKH Bùi Văn Ga

Có thực tế là ở nước ngoài, trường ĐH, Viện nghiên cứu có quyền bổ nhiệm vị trí GS, PGS, khi người đó không làm việc tại trường thì không còn là GS, PGS nữa. Nhưng tại Việt Nam không như vậy. GS, PGS ở Việt Nam là một chức danh có giá trị suốt đời?

Trước đây GS, PGS là học hàm do Nhà nước phong. Nhưng từ khi có Luật Giáo dục Đại học thì GS, PGS không còn là học hàm có giá trị suốt đời nữa mà là chức danh của giảng viên đại học.

Luật Giáo dục Đại học quy định chức danh giảng viên ĐH gồm 5 bậc: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS, GS. Vì vậy để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ ở trường đại học, PGS, GS phải có những kinh nghiệm nhất định trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đóng góp cho cộng đồng.

Những tiêu chuẩn xét đạt chuẩn GS, PGS đang áp dụng như thâm niên giảng dạy, đào tạo sau đại học, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, viết sách, giáo trình, công bố khoa học… đều rất cần thiết.

Chính vì vậy nên theo tôi, nếu các trường áp dụng tiêu chuẩn cao hơn đối với chức danh GS, PGS bổ nhiệm ở đơn vị mình là điều tốt, hoan nghênh. Nhưng trước hết phải đảm bảo tất cả tiêu chuẩn tối thiểu mà Hội đồng GS Nhà nước đang áp dụng để xét đạt chuẩn GS, PGS. Có thể gọi những tiêu chuẩn mà Quyết định 37 đưa ra là mức "sàn".

Vì sao ông lại cho rằng nhất thiết phải "qua sàn" mới được công nhận?

Vì các chức danh giảng viên đại học đều có chuẩn riêng của nó. Người được tuyển vào giảng viên, giảng viên chính cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu cho các chức danh này. PGS, GS là chức danh giảng viên đại học bậc cao nên cần đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe hơn về kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Một người có thành tích khoa học xuất sắc có thể không đáp ứng tiêu chuẩn PGS, GS vì họ chưa có đủ kinh nghiệm trong đào tạo. Ở Pháp thì những người nghiên cứu xuất sắc được bổ nhiệm chức danh Giám đốc nghiên cứu (Directeur de Recherche), về cấp hàm thì như GS ĐH nhưng họ không phải là GS vì không thuộc biên chế của trường.

Trong quy định hiện hành về xét đạt chuẩn GS, PGS của nước ta cũng đã có quy định ứng viên có thể bù những tiêu chuẩn thiếu về thâm niên, đào tạo sau đại học, thực hiện đề tài khoa học… bằng công trình khoa học uy tín.

Tôi nghĩ như vậy rất hài hòa, đảm bảo cho những người có thế mạnh về nghiên cứu khoa học cũng được bổ nhiệm GS, PGS, tham gia giảng dạy đại học khi chúng ta chưa có chức danh tương đương cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Cảm ơn ông!