GRU - cơ quan tình báo lớn nhất của quân đội Nga

Cơ quan Tình báo Quân đội Nga sở hữu mạng lưới điệp viên rộng ở nước ngoài, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh của nước Nga.
Trụ sở GRU tại thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: Wikimap.

Căng thẳng Nga - phương Tây liên tục gia tăng sau vụ cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc tại Anh. Skripal từng là đại tá phục vụ trong Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU), đơn vị bí mật lớn nhất của lực lượng vũ trang nước này, theo DailyBeast.

Là một trong những cơ quan tình báo lâu đời nhất của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, GRU được thành lập năm 1920 với tên gọi Cục Điều phối Các cơ quan Tình báo quân đội. Tuy nhiên, vai trò của GRU thời điểm đó thường ít được biết tới, nhất là khi nó bị phủ bóng bởi Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB).

GRU thời đó được cho là phải chịu sự quản lý của KGB. "GRU không được phép tuyển mộ sĩ quan hoặc điệp viên mà chưa có sự cho phép của KGB, trong khi KGB có thể chủ động lấy thông tin từ sĩ quan GRU. Ngoài ra, KGB có thể phủ quyết việc triển khai nhân sự ở nước ngoài của GRU", sử gia John Barron viết trong một cuốn sách xuất bản năm 1974.

Tuy nhiên, sau hàng chục năm gây dựng, GRU dần lớn mạnh về quy mô và danh tiếng. "GRU luôn được nhìn nhận là cơ quan có tiềm lực, táo bạo và quyết liệt hơn so với KGB hay Cục Tình báo Hải ngoại (SVR)", Andrei Soldatov, cây bút chuyên viết về tình báo Nga, cho biết.

GRU từng đạt nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình hoạt động. Chính GRU đã tuyển mộ được quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ là trung tá William Henry Whalen, cố vấn tình báo của tham mưu trưởng lục quân Mỹ.

Whalen bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt năm 1962 sau khi cung cấp cho tình báo Liên Xô nhiều thông tin nhạy cảm về năng lực quân đội Mỹ và kế hoạch của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, bao gồm các phương thức giúp Washington thu thập thông tin tình báo điện tử. Whalen sau đó bị kết án 6 năm tù.

Từ tháng 5/1961, đại tá GRU Georgi Bolshakov hoạt động dưới vỏ bọc là trưởng đại diện hãng thông tấn TASS tại Washington, được lệnh tiếp xúc với Robert Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ và cũng là em trai tổng thống John F. Kennedy.

Đại tá Bolshkov đã thuyết phục Robert Kennedy rằng họ có thể xóa bỏ các nghi thức ngoại giao để xây dựng quan hệ chân thành cũng như thiết lập kênh liên lạc chính thức giữa tổng thống Mỹ Kennedy và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Bằng kỹ năng tình báo lão luyện, Bolshakov khiến em trai tổng thống Mỹ tin rằng họ đã nảy sinh "một tình bạn thực sự".

Tuy nhiên, nhiệm vụ của Bolshkov lại bị phá hỏng cũng bởi một sĩ quan của GRU. Đại tá Oleg Penkovsky của GRU khi đó lại trở thành điệp viên hai mang làm việc cho Cục Tình báo Mật (MI6) của Anh và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Biểu tượng và tên đầy đủ của GRU tại sảnh tổng hành dinh. Ảnh: Wikimap.

Penkovsky đã trao nhiều thông tin tình báo quan trọng cho phương Tây như năng lực quân sự của Liên Xô và kế hoạch đối ngoại của lãnh đạo Liên Xô Khrushchev, đặc biệt là việc bí mật đặt căn cứ tên lửa hạt nhân tại Cuba. Mỹ tự phát hiện chiến dịch này nhờ trinh sát cơ U-2, nhưng Penkovsky vẫn cung cấp kế hoạch và các tài liệu liên quan cho CIA. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra chấm dứt mọi nỗ lực cải thiện quan hệ của Bolshkov.

Penkovsky sau đó bị phát giác và xử tử. KGB quyết định đưa nhân viên của họ vào GRU thay vì sử dụng các sĩ quan quân đội, khiến KGB ngày càng mạnh hơn.

Sau khi Liên Xô tan rã, KGB bị giải tán, còn GRU được giữ lại nhưng bị cắt giảm đáng kể ngân sách hoạt động. Cơ quan này cũng bị chỉ trích gay gắt về tính hiệu quả trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008, buộc GRU phải cải cách toàn diện, giảm số đơn vị từ 8 xuống 5, số nhân viên cũng chỉ còn khoảng 1.000 người.

Đặc nhiệm GRU trong một cuộc diễn tập hồi năm 2017. Ảnh: RBTH.

Tuy nhiên, GRU đã có sự trở lại mạnh mẽ sau khi Tổng thống Vladimir Putin, một cựu sĩ quan tình báo, lên nắm quyền. "Họ đã hồi sinh vì Tổng thống Putin muốn có nhiều cơ quan tình báo cạnh tranh với nhau", một cựu điệp viên CIA từng hoạt động ở Nga cho biết.

"Với cá nhân ông Putin, GRU đã lập chiến công vang dội trong sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Sau thắng lợi này, GRU đã trở thành vũ khí bí mật ưa thích của Tổng thống Nga", Mark Galeotti, chuyên gia về các cơ quan an ninh Nga, cho biết.

GRU đến nay sở hữu số lượng lớn điệp viên với quy mô ngang ngửa Cục Tình báo Hải ngoại và tăng cường hoạt động ở nước ngoài. Chính quyền cựu tổng thống Barrack Obama năm 2016 đã áp đặt lệnh trừng phạt 4 sĩ quan cao cấp của GRU với cáo buộc tấn công email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và ông John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Hilary Clinton.

Theo Theo Vnexpress