Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Tránh việc lợi dụng sự mơ hồ để thu hồi đất của dân

TPO - Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có đại biểu cho rằng, khái niệm “lợi ích công cộng, lợi ích kinh tế” trong thu hồi đất còn khá mơ hồ và chính điều này đã tạo nên những mâu thuẫn và lợi dụng điểm mơ hồ này để thu hồi đất của dân; thu hồi đất bừa bãi.

Sáng 7/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự là lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Nhà báo Tiến Long (báo Tuổi Trẻ) nhìn nhận, thu hồi đất là nguyên nhân gây nên 70% mâu thuẫn, khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Dẫn quy định từ Luật Dân sự, xem đất đai là một loại tài sản thì bất cập hiện nay là trong điều khoản thu hồi đất có nêu thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, cho mục đích phát triển các lợi ích công cộng, lợi ích kinh tế.

Theo nhà báo Tiến Long, khái niệm “lợi ích công cộng, lợi ích kinh tế” còn khá mơ hồ, rất rộng và chính điều này đã tạo nên những mâu thuẫn. Đặc biệt, có tình trạng lợi dụng điểm mơ hồ này để thu hồi đất của dân, ở các dự án phục vụ mục đích kinh tế của doanh nghiệp tư nhân. Mặt khác, có những doanh nghiệp “mượn” cơ quan Nhà nước để thu hồi đất của dân; hay còn xảy ra tình trạng thu hồi đất bừa bãi. “Theo tôi, trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, cần chú ý nhất chính là ở điểm này, không để kéo dài mâu thuẫn giữa các nguyên nhân, mầm mống dẫn đến những khiếu nại, khiếu kiện”, nhà báo Tiến Long lưu ý.

Nhà báo Tiến Long trao đổi tại buổi họp.

Trao đổi thêm, nhà báo Tiến Long nhìn nhận, Luật Đất đai nước ta quá “dày” đến mức dư thừa khi quy định nhiều điều đã có ở các luật khác, như: Việc chuyển nhượng, mua bán đất đai đã được quy định trong Luật Dân sự, hay việc quản lý về chức năng sử dụng đất đai cũng đã nêu ra trong Luật Quy hoạch... “Điều đó dẫn đến việc chồng chéo giữa các luật. Luật Đất đai chỉ cần làm rõ hai vấn đề về quản lý và sử dụng là chia đất đai thành hai loại, gồm một loại thuộc đất công do Nhà nước quản lý và sử dụng; và loại đất do cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp tư nhân sử dụng. Chia như vậy thì mới làm rõ được vấn đề về quản lý, đặc biệt là quản lý đất công”, nhà báo Tiến Long nêu vấn đề.

Cũng theo nhà báo Tiến Long, chiếu theo Luật Dân sự, đất đai là một loại tài sản, nên quan điểm đặt ra là cần phải sửa đổi luật xoay quanh việc xem đất đai là một loại tài sản, trong đó người dân được xác lập tất cả các quyền của sở hữu tài sản.

Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (Đài VOH) Lê Công Đồng cho biết, so sánh hai bộ luật về đất đai gần nhất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều và Luật Đất đai (năm 2013) gồm 14 chương, 212 điều, ông Đồng bày tỏ băn khoăn liệu 24 điều bổ sung thêm đã cụ thể hóa chưa.

Giám đốc Đài VOH nêu ý kiến góp ý.

Theo ông, Luật Đất đai ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân, mọi vấn đề cuộc sống. Cho nên, trước hết và trên hết cần thấy rằng khi bàn về Luật Đất đai thì phải lấy cái gốc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý” để tháo gỡ và đi vào các vấn đề cụ thể.

Giám đốc Đài VOH cũng cho rằng còn tình trạng chồng chéo trong quy định của bộ luật ở các bộ, ngành cũng như các thông tư ban hành... “TPHCM muốn chủ động hơn thì cần đeo bám những điều gì còn chồng chéo trong các quy định”, ông nói thêm.

Nhà báo Ngô Thái Bình (báo Pháp luật TPHCM) cho rằng, việc thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội sẽ khiến người dân hiểu việc bồi thường không như mục đích thương mại. Ông cho rằng quyền lợi của người dân nên ngang bằng nhau dù mục đích thu hồi là gì.

Nhà báo Thái Bình góp ý cho dự thảo Luật Đất đai.

Liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình, theo nhà báo Thái Bình, nên bỏ đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình, đồng thời bỏ quy định về việc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình để đồng bộ với quy định. Với những giấy chứng nhận đã cấp (cũ) thì cho phép người dân cấp đổi sang giấy chứng nhận mới và ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm và tổng hợp ý kiến góp ý gửi về Đoàn ĐBQH thành phố trước ngày 15/3 để tổng hợp báo cáo Quốc hội, Ban Soạn thảo của Chính phủ cũng như các đại biểu trong đoàn.

“Chúng tôi nhận thấy còn có nhiều vấn đề băn khoăn trong dự thảo lần này. Vì vậy, những ngày tới, Đoàn ĐBQH cũng sẽ mời một số ĐBQH các khóa trước đã trực tiếp biểu quyết thông qua Luật Đất đai (năm 2013) cùng tham gia góp ý. Đoàn ĐBQH thành phố cũng sẽ thảo luận một số vấn đề liên quan đến đất đai mang tính đặc thù của thành phố và kiến nghị sửa trong luật để khi luật được thông qua, đi vào cuộc sống sẽ góp phần giúp chúng ta quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên đất đai trên địa bàn thành phố, tạo động lực cho thành phố phát triển trong thời gian tới”, bà Tuyết nêu rõ.

Giám sát việc hỗ trợ tái định cư cho người dân

Nhà báo Tuyết Dân (báo Phụ Nữ) nhìn nhận công tác đền bù tái định cư đảm bảo chỗ ở ổn định cho người dân là câu chuyện khá đau đầu đối với thành phố, do đó Luật Đất đai lần này cần chi tiết hóa những điều về chỗ ở, đảm bảo thu nhập của người dân... Bên cạnh đó, vấn đề thu nhập, điều kiện sống, rõ hơn để người dân được lựa chọn, đồng thời Nhà nước cũng nên hỗ trợ cả tinh thần và vật chất như đào tạo nghề, vay vốn, tái hòa nhập nơi ở mới cho họ... Theo nhà báo Tuyết Dân, những điều này cần được tổ chức Mặt trận Tổ quốc giám sát, theo dõi.

Nữ nhà báo cũng kiến nghị cần công bố công khai, rõ ràng khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như khi lập quy hoạch ban đầu.