Thạc sỹ Nguyễn Minh Triết, 23 tuổi, thủ lĩnh của hơn 7.500 du học sinh Việt Nam tại Anh, bất ngờ về nước làm cán bộ Đoàn khiến bạn bè ngỡ ngàng.
Tu nghiệp ngành kỹ thuật hàng không và chế tạo máy 7 năm tại Anh, lấy bằng Thạc sỹ với đề tài đang khát nhân lực: Kỹ thuật động cơ siêu thanh. Minh Triết được ĐH Queen Mary (London) cấp học bổng học tiếp Tiến sĩ, làm giảng viên cùng những cơ hội công việc hấp dẫn khác, nhưng anh chọn trở về.
Du học tại Anh nhờ Quỹ học bổng từ Hiệp hội động cơ hàng không của thế giới quan tâm đến Việt Nam nên Minh Triết luôn thấy mang nợ đất nước. Nhiều vấn đề nóng bỏng khác của đất nước cũng như của giới trẻ trong nước cũng là động lực thôi thúc Minh Triết trở về.
Cơ duyên để trở thành cán bộ Đoàn từ đầu tháng 11 - 2011 cũng thật đơn giản. Mải miết tham gia hoạt động xã hội hướng về Tổ quốc, giúp đỡ du học sinh, từ lâu Minh Triết đã mang dáng dấp của một cán bộ Đoàn năng động, nhiều sáng kiến.
Ngoài vai trò cán bộ Đoàn, Minh Triết vẫn theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Anh chủ động tìm đến các thầy cô, sinh viên chuyên ngành động cơ ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa... để học tập, chia sẻ kiến thức về lĩnh vực khá mới tại Việt Nam là động cơ siêu thanh, phần mềm cho máy bay không người lái...Minh Triết vốn mê máy móc từ khi còn là học sinh chuyên Lý trường THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM) nên anh không dễ gì từ bỏ nó.
Nhờ mạnh dạn đảm nhận tổ chức nhiều sự kiện nên Hội sinh viên Việt Nam tại Anh do Minh Triết làm Chủ tịch có quỹ cho các hoạt động như giúp đỡ du học sinh gặp khó khăn, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, hằng năm trao giải Sinh viên của năm cho 12 du học sinh xuất sắc... Sau 6 tháng thực tập tại hãng Rolls Royce, bảo vệ thành công luận án thạc sỹ vào tháng 9, Minh Triết không chút do dự quyết định về nước với khát khao cống hiến tri thức và sức trẻ.
Vừa nhận việc, Minh Triết xách ba lô cùng các cán bộ Đoàn rong ruổi Bắc Nam để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của HSSV và bạn trẻ. “Xa quê hương từ năm 16 tuổi, tôi luôn dõi theo mọi diễn biến ở trong nước, nhưng cũng cần thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm thực tế trước khi có những việc làm cụ thể”, Minh Triết tâm sự. Hỏi chuyện tình yêu, chàng trai 23 tuổi chỉ biết lắc đầu cười với câu: Chưa vội.
Trước khi trở về, Triết đã tự đặt cho mình trách nhiệm kết nối du học sinh, trí thức trẻ người Việt khắp thế giới để cùng đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Anh đề xuất sáng kiến thành lập Trung tâm phát triển tri thức và đang liên hệ với nhiều nhóm du học sinh Việt ở các nước với mong muốn kế hoạch kết nối sớm thành hiện thực.
“Tôi cũng như các du học sinh đều luôn hướng về Tổ quốc dù bằng cách này hay cách khác. Vấn đề là tìm phương cách đánh thức, khơi dậy nguồn nhiệt huyết và tri thức đó”, Minh Triết chia sẻ. Anh cũng cho rằng, cách thể hiện tình yêu, cách đóng góp thiết thực nhất là học tập thật tốt, tích luỹ nhiều tri thức để phụng sự Tổ quốc.
Trần Mạnh Đức - chọn nơi khó
Nhiều người thấy lạ với hình ảnh tiến sỹ quản trị kinh doanh Học viện Quản lý thành phố Rennes (ĐH Tổng hợp Rennes 1- Pháp), Trần Mạnh Đức xách cặp đi thi tuyển vào cơ quan nhà nước ở Hà Nội.
Lý giải về sự trở về vội vàng, chỉ sau một tuần bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Mạnh Đức nói: “Dù gia đình (mẹ là dược sĩ, bố là giảng viên ĐH hiện làm việc tại Ukraine - PV) muốn tôi ở lại Pháp làm việc, giáo sư hướng dẫn đề nghị tôi giảng dạy tại trường với mức lương khởi điểm tương đương 50 triệu- 60 triệu đồng/tháng, nhưng tôi muốn trở về”.
“Nhiều bạn trẻ nghĩ làm nhà nước sẽ gặp môi trường làm việc khó khăn, nhiều thủ tục, khó phát huy hết khả năng. Tuy nhiên, theo tôi, môi trường càng khó, tôi càng muốn làm”. Anh trải qua các công việc từ hành chính đến quản lý tại Cục Thuế Hà Nội, Tổng cục thuế và hiện làm tại Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ).
Nguyễn Thúy Hà - Thử sức ngay quê hương mình
Nguyễn Thuý Hà (SN 1983), tốt nghiệp thạc sỹ tại Pháp chuyên ngành thương mại quốc tế. Về nước, Thuý Hà làm việc tại văn phòng đại diện Cty dược Shine Resource của Hồng Kông tại TPHCM với vị trí Giám đốc thương mại và nuôi chí mở Cty Dược riêng.
Thuý Hà nói: “Trước khi đi du học, tôi từng làm việc trong nước nên xác định rõ mục tiêu trở về ngay từ đầu. Với tôi, ở trong nước, khó khăn, thử thách tôi luyện con người mạnh mẽ hơn".
Thúy Hà cho biết, hiện giới trẻ các nước đang có xu hướng tìm đến nước đang phát triển như Việt Nam để làm việc, dễ khẳng định bản thân. Các nước Philippines, Thái Lan, Việt Nam... đang là điểm đến hấp dẫn.
Thúy Hà cho rằng người Việt trẻ cũng nắm được xu hướng này và tận dụng thế mạnh để quay về nước làm việc sau khi trau dồi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm ở các nước phát triển. “Làn sóng trở về của du học sinh ngày càng mạnh, cho thấy họ ý thức rõ việc nắm bắt cơ hội phát triển trong nước”, Thuý Hà nói.
Đinh Mai Long - lương 900 triệu cũng bỏ
Tốt nghiệp xuất sắc thạc sỹ về Tài chính và Phát triển tại ĐH Tổng hợp London (Anh), Đinh Mai Long (SN 1986) nhận được lời mời làm việc với mức lương khủng 30 ngàn bảng/tháng (gần 900 triệu đồng), nhưng anh đã trở về.
Giành học bổng du học tại ĐH Westminster (Anh) ngành Tài chính ngân hàng từ tháng 9-2005, Long vừa học vừa tham gia các hoạt động ngoại khoá vừa đi làm. Long làm đủ nghề như dịch tài liệu cho văn phòng luật sư với các vụ kiện dân sự liên quan đến người Việt; tham gia tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, văn hóa của người Việt tại Anh...
Học nổi trội, thường xuyên làm trợ giảng, có kinh nghiệm làm việc nên khi thực tập tại một số quỹ đầu tư, ngân hàng hay tham gia hội thảo, Long đã được ngân hàng như Barclays Capital, JP Morgan Chase London... mời về làm việc với mức lương hấp dẫn.
Long chia sẻ: Hè năm 2009, Ngân hàng đầu tư Barclays Capital có đề nghị tôi khi tốt nghiệp thạc sỹ sẽ về làm dự án Nghiên cứu rủi ro khi đầu tư vào thị trường Đông Nam Á với mức lương hơn 30.000 bảng /tháng. Khi được hỏi tại sao không chọn môi trường phát triển tại Anh, lại chấp nhận về nước với nhiều khó khăn, Long nói: “Tôi xác định rõ con đường đi của mình nên những khó khăn của môi trường làm việc trong nước chỉ là vấn đề nhỏ, điều quan trọng là luôn lạc quan, áp dụng được kiến thức đã học”.
Trần Tuấn Tài - Chìa khóa để thành công
Có bằng công nghệ thông tin ở trong nước, nhận bằng thạc sỹ về quản lý quỹ đầu tư tại Úc đầu năm 2011, chàng trai Sài Gòn Trần Tuấn Tài (22 tuổi), được giữ lại ĐH New South Wales làm trợ giảng với mức lương khởi điểm 100 USD/giờ. Làm việc được 2 tháng, Tài đột ngột về nước đầu quân cho Cty Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) có trụ sở tại TPHCM.
Tuấn Tài lý giải việc mình trở về và làm việc cho FPT Capital là vì được làm đúng chuyên ngành đã học, đây lại là Cty quản trị nguồn vốn lớn, chuyên nghiệp và tạo điều kiện cho mình phát huy hết khả năng. Với mức lương hiện tại ở FPT Capital, Tài cho biết cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống nhưng về nước là quyết định đúng đắn. Tài cho rằng, kinh tế đất nước đang phát triển mạnh, những du học sinh trở về sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Mong muốn lớn nhất của Tuấn Tài hiện nay không phải thu nhập cao mà là cơ hội được tiếp xúc, giao lưu học hỏi, hiểu sâu hơn về kinh tế cùng các vấn đề thực tế khác của đất nước. Theo Tài, đây chính là chìa khoá để thành công.