Cơn bão gom sổ đỏ vay tiền dự án tràn qua hàng loạt tỉnh thành toàn quốc, và nó chỉ vừa mới dừng lại sau khi dấu hiệu lừa đảo của những kẻ liên quan bị phát lộ trên báo chí và A17 - Bộ Công an thụ lý xác minh.
Cơn bão xuyên Việt
Ngay khi những vụ gom sổ đỏ của hàng ngàn hộ dân ở Hà Tĩnh và Nghệ An bị phát lộ tháng Năm, chỉ ít ngày sau, gần như đồng thời hàng loạt tỉnh, thành trong cả nước cũng rộ lên vụ việc tương tự.
Tại Yên Bái, chỉ trong vòng hơn một tuần, với cái tên do các đối tượng đặt ra là dự án “Phát quang bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy”, hơn 1.200 sổ đỏ (cả bản gốc và bản photo công chứng) của bà con nông dân và nhiều doanh nghiệp tư nhân ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn... được nộp cho những kẻ thu gom, chỉ để mong sẽ sớm được nhận một “khoản vay 10-15 triệu đồng/ha vốn từ một tổ chức phi chính phủ”.
Tại Điện Biên, tính đến tháng Bảy, gần 1.400 hộ nông dân giao sổ đỏ cho một số Cty tư nhân để hoàn tất thủ tục “vay vốn dự án” cũng chỉ vì chiêu dụ tương tự của các đối tượng.
Tại Lạng Sơn hơn 6.000 sổ đỏ (bản công chứng) được gom cấp tốc chỉ vì các hộ dân được phao tin sẽ vay 100 triệu đồng/ha, và hồ sơ sẽ được đưa tới Bộ KH&ĐT để xét duyệt.
Còn riêng ở Thạch Thành, Thanh Hoá, cũng chỉ trong hai tháng đi gom, các đối tượng ẵm đi 1.700 sổ đỏ của dân 12 xã.
Trong khi một số tỉnh bạn đã có báo động và lực lượng công an đã vào cuộc đi thu hồi sổ đỏ cho dân thì, tại Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, và cả Hà Nội, hàng ngàn sổ đỏ của dân tiếp tục mất tích.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hàng ngàn hộ dân các tỉnh Quảng Bình, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đăk Nông, Đăk Lăk cũng chịu chung số phận.
Các đối tượng lừa đảo còn len lỏi về những vùng sâu xa nhất để rêu rao về một dự án phi chính phủ đến từ Mỹ sẽ tài trợ cho phòng chống cháy rừng và phục hồi rừng sau chiến tranh với số tiền được vay 30 triệu đồng/ha.
Tuy chưa thống kê đầy đủ (vì danh sách nạn nhân hiện tiếp tục được phát lộ), theo các cán bộ an ninh, lượng sổ đỏ và hồ sơ gom về Hà Nội để được vay tiền dự án có thể chất đầy một chiếc xe tải.
Chỉ là trò bịp
Đầu tháng Ba, A17 đã nhận được tố cáo dấu hiệu lừa đảo của hàng loạt Cty tại nhiều tỉnh.
Báo cáo đầu tiên từ Công an Hà Tĩnh gửi A17 cho biết, tại tỉnh này có một số cá nhân xưng danh là cán bộ doanh nghiệp nhà nước “có khả năng xin tài trợ dự án từ Mỹ và Thụy Sỹ”.
Nhiều đối tượng này còn tìm gặp một số lãnh đạo tỉnh và các huyện, rỉ tai rằng “người Mỹ muốn thiện chí khắc phục hậu quả chất độc da cam nhưng họ không muốn thông qua Chính phủ Việt Nam vì không muốn thừa nhận đã gây nên hậu quả này, mà nhờ đến một số doanh nghiệp âm thầm đứng ra giải ngân, và càng chắc ăn rằng vốn sẽ đến tận tay dân”. Cũng vì lẽ này, tên gọi của dự án phải na ná rằng “phát quang, phòng cháy...”.
Ngay sau khi nhận văn bản yêu cầu xác minh từ A17, nhận thấy tính cấp bách và hậu quả nguy hiểm của vụ việc, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan lập tức trả lời rõ, không có nguồn vốn nước ngoài nào như vậy!
Lộ diện thủ phạm
A17 cho biết, bước đầu Nguyễn Thị Thanh Hà tỏ ra quanh co, thiếu thành khẩn khi khai về nguồn vốn. Cty TNHH Tài chính Quốc tế LT không có thực vốn (thành lập tháng 8/2008, thay đổi đăng ký kinh doanh hai tháng sau đó, vốn điều lệ 65 tỷ đồng), chưa có hoạt động sản xuất, kinh doanh nào, chưa một lần nộp thuế...).
Những Cty vệ tinh giúp sức cho LT là Phú Tài, Cổ phần Bắc Âu và Quý Nhân (được báo chí gần đây lên án) cũng trong thực trạng tương tự.
Xác minh bước đầu của cơ quan công an cho thấy hồ sơ xin vay vốn do các Cty tư nhân tại các tỉnh gom về một đầu mối ở Hà Nội và, đáng chú ý, những bộ hồ sơ này đều chung một mẫu!
Theo đó, Cty TNHH Tài chính Quốc tế LT ra văn bản yêu cầu một hồ sơ đưa về Cty này phải gồm 19 đầu tài liệu (sổ đỏ công chứng, đơn xin vay vốn, mẫu dấu, đơn cam kết phòng cháy chữa cháy, giấy thẩm tra chứng nhận đầu tư, giấy ủy quyền vay vốn, xác nhận của công an phường, xã về hộ khẩu thường trú của giám đốc, mã số thuế...).
Riêng đơn xin vay vốn cũng phải thống nhất mẫu với hai chữ “CÔNG VĂN” và trình bày giống nhau. Bộ hồ sơ được đóng gáy xoắn, đưa vào hộp bọc nhựa, rồi đưa về Hà Nội tập kết tại Cty TNHH Tài chính Quốc tế LT.
Một thông báo của Cty này do Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh 1972, trú tại Cầu Giấy, HN) gửi về các đầu mối địa phương còn nêu rõ các khoản hỗ trợ giải ngân cho khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam.
Chẳng hạn với khu vực phía Bắc, với mỗi hécta rừng sẽ có: Tổng số tiền được hỗ trợ 7 triệu đồng, Nhà nước thu 3 triệu đồng, Ban Quản lý dự án thu 300 ngàn đồng có VAT và 700 ngàn đồng không có VAT, Tư vấn thu 600 ngàn đồng, Chủ dự án được 2,4 triệu đồng...
Văn bản này còn ghi thêm, khoản hỗ trợ không hoàn lại là 60 phần trăm, vay 40 phần trăm thời hạn 20 năm sau đó thu hồi 20 phần trăm, còn lại 20 phần trăm tái đầu tư...
Căn cứ vào những dấu hiệu lừa đảo khá rõ, A17 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho C15-Bộ Công an điều tra làm rõ mục đích của các đối tượng và hậu quả của vụ việc.
Theo một cán bộ điều tra, ngoài việc gây bất bình trong nhân dân, gây nguy hiểm đến an ninh (nhất là an ninh nông thôn), các đối tượng lừa đảo còn hướng đến việc dùng chính những bộ sổ đỏ này để chiếm đoạt thế chấp.
Sự cả tin (chủ yếu là nông dân) trong hoàn cảnh khát vốn phát triển rừng, thủ tục vay vốn lại đơn giản, là nguồn cơn chính gây nên cơn bão chưa từng thấy này.
* Trên thực tế, từng có những nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất cực thấp cho nông dân vùng sâu xa phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, đó là những nguồn vốn rõ ràng, được tuyên truyền công khai và phổ biến khá chặt chẽ từ trung ương đến các tỉnh, thành về quy định giải ngân, cho vay, đối tượng ưu tiên được vay, mức độ vay...
* Cục Quản lý Nợ & Tài chính Đối ngoại - Bộ Tài chính còn cho hay, cơ quan này chưa từng nhận được một yêu cầu chính thức nào bằng văn bản từ các cá nhân hoặc tổ chức bên ngoài đề nghị xem xét tài trợ nguồn vốn cho các dự án trồng rừng.
Tuy nhiên gần đây có khá nhiều người gọi điện thoại đến Cục hỏi về nguồn vốn trồng rừng, nên Cục cho rằng những vụ gom sổ đỏ kể trên có thể là vụ lừa đảo có tổ chức với quy mô lớn.
Cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT cũng có văn bản trả lời về việc phòng ngừa lừa đảo kinh tế, nêu rõ bộ này không quản lý và điều hành loại dự án nào có tên gọi “Dự án phát quang” như vậy, và khẳng định hoạt động của các cá nhân, đầu mối Cty tư nhân đi gom sổ đỏ là lừa đảo về kinh tế.