Mô hình “Đứa em của Đoàn”
Đều đặn mỗi cuối tháng, các tình nguyện viên (TNV) Đoàn phường Tam Thuận (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) lại tập trung ở trụ sở phường để phân loại các loại rác tài nguyên thu gom được trong khu dân cư.
Nguyễn Huy Cường (Phó Bí thư Đoàn phường Tam Thuận) cùng 5 - 6 bạn ĐVTN khệ nệ xách những túi lưới to đựng đầy chai nhựa, lon bia, các loại giấy, bìa… đổ ra giữa sân. Nhanh chóng chia làm 2 nhóm, một bên phân loại chai, lon, một bên phân loại giấy, chỉ một chốc, nhóm đã hoàn thành xong công việc.
“Toàn bộ số rác tài nguyên này sẽ được bán cho các điểm thu mua ve chai, giấy loại. Kinh phí dùng gây quỹ cho mô hình Đứa em của Đoàn do Đoàn phường khởi xướng và duy trì”, Cường kể.
Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng triển khai với nhiều mô hình mới mẻ, gắn với an sinh xã hội như: “Ve chai tiếp sức đến trường”, “Đứa em của Đoàn”, “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”; “Góc xanh thanh niên”; “Đổi rác lấy quà”... “Mới đây nhất, Thành Đoàn triển khai mô hình Chuyến xe kế hoạch nhỏ tại các Liên đội trên địa bàn để thu gom rác gây quỹ giúp học sinh khó khăn”, anh Dũng cho biết.
Trong căn nhà nhỏ lụp xụp nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, em Ngô Anh Kiệt (học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Phú) rạng rỡ khi thấy những bóng áo xanh từ đằng xa. Hôm nay các anh chị ở Đoàn phường Tam Thuận lại đến thăm em để trao khoản hỗ trợ 300 nghìn đồng từ quỹ mô hình Đứa em của Đoàn. Mất bố từ nhỏ, một mình mẹ Kiệt xoay xở đủ thứ nghề nuôi hai anh em ăn học.
Hơn 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1970, ở tổ 19, phường Tam Thuận), mẹ của Kiệt lại mắc bệnh Parkinson, không làm được việc gì. “Hoàn cảnh của mẹ con tui, một đồng cũng quý. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên, mỗi tháng, con trai tui có thêm một khoản để mua sắm sách vở, bút mực”, chị Lan nói.
Ý tưởng về phân loại rác để gây quỹ nuôi Đứa em của Đoàn do anh Trần Văn Hiếu (Bí thư Đoàn phường Tam Thuận) khởi xướng và duy trì từ nhiều năm nay. Mỗi tháng, Đoàn phường hỗ trợ cho 3 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, mỗi em được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng. Việc phân loại và thu gom rác tài nguyên được ĐVTN các Chi đoàn trực thuộc đều đặn thực hiện hằng ngày. Cuối tháng, các Chi đoàn gom rác thải nhựa, rác tái chế đến Văn phòng Đoàn phường để cùng phân loại và mang đi bán.
Ve chai tiếp bước đến trường
Triển khai từ năm 2010, đến nay mô hình “Ve chai tiếp sức đến trường” được Đoàn xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) triển khai rộng khắp cho 13 Chi đoàn dân cư trên địa bàn. Theo anh Nguyễn Văn Sỹ, Bí thư Đoàn xã Hòa Phong, thời điểm đó, cứ sau mỗi cuộc tổng vệ sinh, ra quân dọn dẹp môi trường khu dân cư, lượng rác tài nguyên thu về rất nhiều.
Với đặc thù khu vực nông thôn, mỗi đợt ra quân tổng vệ sinh, Đoàn xã thu về được lượng lớn các loại chai nhựa, can nhựa, lon kim loại… Sau này, khi việc phân loại rác tại nguồn phổ biến hơn, các Chi đoàn chia nhau xuống các khu dân cư để vận động dân phân loại và giữ lại các loại rác có thể tái chế được, nhằm gây quỹ giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, nguồn quỹ từ hoạt động này được khoảng 30 triệu đồng, tiếp sức cho hàng chục học sinh khó khăn.