Giữ mình liêm chính - xứng danh kẻ sĩ

TP - PGS.TS Phạm Quang Long từng làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. Khi sắp chuyển công tác thì bất ngờ ông nhận được tin nhắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội) mời đến gặp. Trong cuộc gặp ấy, Bí thư Thành ủy Hà Nội muốn PGS.TS Phạm Quang Long về làm ở Sở Văn hóa Hà Nội.

Chu đáo

Ông Long kể, trong cuộc đối thoại hôm đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng khuyên ông từ chối chỗ làm mới và bảo “mọi chuyện cứ để anh lo”. “Tôi nói: “Em chưa làm văn hoá bao giờ, sợ không làm được”. Ông cười, đôi mắt ánh lên nét tinh tường: “Cứ làm rồi biết. Có ai dạy anh làm Bí thư đâu. Cái chính là mình tập trung cho công việc, vừa làm vừa học. Mình là dân tổng hợp mà”.

Rồi khi mọi việc coi như kết thúc, ông bắt tay: “Thế nhé. Việc không dễ nên cứ phải cố. Nhất là mấy anh em phải bảo nhau mà làm. Trường hợp của em anh đã xin ý kiến thường trực, đừng làm mất uy tín anh nhé”. Chỉ mấy câu thế thôi nhưng tôi nhớ mãi và tự dặn lòng, mình không thể để người xin mình về thất vọng”, ông Long nhớ lại cuộc trò chuyện nhiều năm trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần đến thăm đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Người đi ngoài cùng bên trái là PGS.TS Phạm Quang Long

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học trước PGS.TS Phạm Quang Long 7 khoá, cùng khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Theo ông Long, niên khóa 1963-1967 mà Tổng Bí thư học có nhiều anh tài. GS Nguyễn Kim Đính là Chủ nhiệm khoa Văn khi ấy. Khi nhà báo Nguyễn Phú Trọng công tác ở Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), thành viên Hội cựu sinh viên khoa Ngữ văn, ông Long đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm khoa Văn, nhờ đó hai người có cơ duyên biết nhau.

“Một buổi chiều ông đạp xe đến nhà nhờ tôi dạy thêm cho con gái ông môn Văn để cháu thi đại học. Ông ân cần, chu đáo, có gì đó hơi lạnh chứ không vồ vập. Tôi hiểu đó là sự đúng mực của người tự trọng”, ông Long kể về ấn tượng ban đầu gặp gỡ.

Ngày 3 Tết năm ấy ông Long nhận được điện thoại của Văn phòng Thành ủy Hà Nội: “Anh có đi chúc Tết đâu không? Không thì ở nhà, khoảng 3 giờ nhé”. Nhớ lại chuyện năm đó, ông Long bảo mình có hỏi chuyện gì thì anh ấy không nói nhưng cũng đoán có người nào đó “to to” trong thành phố đến chơi.

“Ba giờ, ông đến chúc Tết gia đình tôi. Đi cùng một cán bộ Văn phòng Thành ủy Hà Nội. Thăm hỏi, trò chuyện một lát, ông bảo: “Tết, đến thăm cô chú tí. Vất vả hơn ở trường cũng đừng trách anh đấy nhé. Ăn cam nhà chú ngọt thế chắc việc chú cũng xuôi chèo mát mái thôi. Thôi, trò chuyện đủ rồi, anh về để chú còn lo việc khác”.

Minh triết

Chuyển sang làm quản lí văn hóa, một lĩnh vực mới mẻ, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội Phạm Quang Long ghi nhớ lời Tổng Bí thư từng căn dặn: “Làm văn hoá khó lắm vì có phải ai cũng hiểu đúng đâu. Nhiều cái màu mè, hình thức mà cứ tưởng đấy mới là cái mình cần phấn đấu là nguy hiểm lắm. Đừng làm theo kiểu phong trào.

Phong trào cũng cần nhưng thực chất mới quan trọng. Thực chất là gì? Là con người, là bình an và hạnh phúc. Phải coi trọng văn hoá. Đừng chỉ đặt mục tiêu Hà Nội là trung tâm kinh tế hàng đầu mà văn hoá cũng phải là hình mẫu, là hàng đầu của cả nước. Bộ mặt của quốc gia cơ mà”.

“Khi chỉ đạo chương trình 08 “Phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, thiết thực kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội” có người đặt ra những yêu cầu không chuẩn nhưng cứ nói như đúng rồi, Tổng Bí thư nhỏ nhẹ khi tổng kết: “Văn hoá đa dạng lắm, nhiều cấp độ lắm. Anh em chúng em người trần mắt thịt chỉ nghĩ được đến thế thôi. Xin tiếp thu ý kiến của các anh chị nhưng xin cho làm như những gì đã chuẩn bị”. Rồi lúc ra về, ông vỗ vai tôi “Khó chưa? Nhưng đừng nản nhé. Thấy gì đúng cứ thế mà làm. Thực tiễn sẽ kiểm nghiệm”. Tôi lặng đi vì sự tế nhị và minh triết của ông”, ông Long chia sẻ.

Khi Tổng Bí thư tuyên bố trong cuộc chống tham nhũng không có vùng cấm, “ai không làm đứng sang một bên”, ông Long bảo mình vừa hi vọng, vừa băn khoăn bởi lẽ có ông trước đó đã hứa “không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức” nhưng chức không từ, tham nhũng thời đó lan nhanh và để lại di chứng đến giờ. Nhưng rồi ông Long nhận ra Tổng Bí thư nói ít nhưng cứ lẳng lặng “đốt lò”. “Chỉ riêng việc ông dám dấn thân đến cùng vào con đường chống cái ác, cái xấu, nghĩ sao sống thế, kiên định sự lựa chọn của mình, sống cho người khác, giữ mình liêm chính thì đã xứng danh kẻ sĩ rồi, đáng kính trọng rồi”, ông Long nói.

Ở cương vị Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, có đôi lần được tham gia đoàn công tác của Tổng Bí thư, PGS.TS Phạm Quang Long kể, Tổng Bí thư không muốn đoàn có xe cảnh sát dẫn đường rú còi inh ỏi. “Ông bảo bật đèn để người đi đường dễ nhận ra có xe khác là đủ, rú còi khiến người ta giật mình là không nên. Ông nói với mọi người: “Anh em địa phương quý thì mới mời mình ăn uống này nọ. Nhưng như thế vất vả cho anh em lắm. Mình cũng không nên cầu kì. Với lại, ăn thì cũng đến đủ thì thôi, cầu kì làm gì. Đừng lãng phí”.