Rừng là máu thịt
Ít ai biết ở giữa lòng TP Hạ Long (Quảng Ninh) còn sót lại một rừng gỗ quý rộng hàng chục héc ta. Nơi đây còn lưu giữ được hơn 3.000 cây bầu dó cùng vô số cây gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, vàng tâm, dé, dẻ... Có cây chu vi vài người ôm. Người dân vẫn thường gọi cánh rừng với tên thân thiện “rừng già Cao”.
Đón tôi dưới chân đèo Hạ My, Lộc tranh thủ nhặt thứ gì đó giống lá cây khô bên vệ đường nhét vội vào túi rồi vui vẻ dẫn đường đưa tôi đến nhà già làng Triệu Tài Cao. Loanh quanh qua mấy khúc cua, một ngôi nhà cũ kỹ nằm lọt thỏm dưới tán cây rừng dần hiện ra. Một cụ già tóc bạc ngồi bên bậc thềm đang nhặt từng mảnh như lá trông giống thứ Lộc vừa nhặt lúc nãy.
“Đấy không phải lá khô mà là hạt của cây lim rừng. Hễ thấy thứ này là tôi lại nhặt mang về cho bố phơi, ươm giống. Không chỉ hạt lim mà tất cả các loại hạt cây rừng tôi đều nhặt. Nó trở thành thói quen từ khi anh em tôi được bố dạy cách trông rừng” - Triệu Tiến Lộc, con trai út của già Cao giải thích.
Ở cái tuổi 80, già làng Triệu Tài Cao, người dân tộc Dao Thanh Phán trông dáng người vẫn rất lanh lợi, đôi mắt ông vẫn có thể lựa từng hạt giống của từng loại cây sau khi phơi lẫn lộn. Đặc biệt, ông vẫn nhớ nằm lòng vị trí từng cây gỗ, loại gỗ trên cánh rừng rộng 32 ha của gia đình ông.
“Rừng với tôi là máu thịt, rừng là chốn nương náu không chỉ của con người mà còn của muông thú. Giữ rừng là giữ lại cuộc sống cho con cháu” - già Cao bắt đầu trầm tư kể khi tôi hỏi chuyện về rừng.
Từ những năm 1960, ông được giao diện tích đất rừng rất lớn. Bấy giờ, nhiều người cứ vô tư chặt hạ cây rừng, nhưng ông là người hiếm hoi không chặt cây mà còn tìm cách tái sinh rừng.
Vào rừng, ông nhặt hạt rụng để ươm giống trồng. Nhưng khi ấy, người nông dân như ông không học hành gì về lâm nghiệp nên tỉ lệ cây trồng chết khá cao. Không nản chí, ông lại mò mẫm đến các cánh rừng khác để tìm cây lim con về trồng. Ông suy nghĩ lim là cây lâu năm, nó khỏe thì có thể trồng sẽ mọc.
“Mọi người chặt cứ chặt, còn bố tôi thì cứ lầm lũi đi tìm cây về trồng. Bà con thấy vậy còn rỉ tai nhau rằng ông Cao đầu óc không bình thường” - Lộc kể.
Dẹp bỏ mọi bàn tán, ông Cao và các con vẫn tiếp tục ngày đêm đợi hạt lim già rơi xuống, sau đó ươm thành cây nhỏ. Thời gian đầu, cây cứ lên được gang tay là chết. Ông ươm được bao nhiêu, cây chết bấy nhiêu. Đến khi tìm được “bí quyết”, ông nhận ra lim là cây mọc tự nhiên, phát triển từ rừng nguyên sinh, rất khó để nhân giống, khó trồng, chậm lớn, và trồng thì phải cách xa nhau.
“Những năm trước 1992, khi chưa khoanh vùng bàn giao đất rừng, việc trông giữ cây rất khó. Cây bố mình trồng cứ bị kẻ gian đến chặt. Khi đó, nhà mình cũng chẳng có cơ sở gì để giữ vì đã có sổ xanh, sổ đỏ gì đâu. Sau năm 1992, khi có sổ giao đất rừng cho các hộ dân, họ vẫn thi nhau chặt hạ cây tự nhiên để chuyển đổi trồng cây ngắn ngày như keo mau chóng thu tiền. Bố mình vẫn kệ thiên hạ, vẫn giục bọn mình phải trồng thêm rừng” - Lộc tâm sự.
“Giữ đạo” với rừng
Lộc nhớ ngày còn nhỏ, có một hôm lên rừng nô đùa, mấy anh em đã nghịch dao khắc vào thân cây. Ông Cao biết chuyện, giận rồi buồn bã cả tuần. Ông dạy các con rằng: “Cái cây nó cũng như con người. Nếu ai đứt tay, đứt chân, chảy máu thì có đau không?”. Anh em Lộc thấm sâu lời bố từ ấy.
Năm 2012, đất rừng của ông Cao được cấp sổ và cũng là thời điểm ông già yếu, gác cuốc, chia lại rừng cho 5 con trai gìn giữ. Lộc là trai út ở cùng bố, được chia 9 ha rừng cổ thụ. Trong đó chủ yếu là những cây gỗ quý với trên 200 gốc lim cổ.
“Tôi một đời vun trồng, cũng đến lúc phải nghỉ ngơi rồi. Giờ là lúc các con tôi thay cha tiếp tục gìn giữ, chăm sóc nó. Gia đình tôi và cánh rừng này bao năm nay đã sống nương tựa vào nhau nên tôi vẫn căn dặn các con: Không được bán chỉ được trồng thêm. Sống phải giữ đạo với rừng”.
Ông Triệu Tài Cao
“Tôi một đời vun trồng, cũng đến lúc phải nghỉ ngơi rồi. Giờ là lúc các con tôi thay cha tiếp tục gìn giữ, chăm sóc nó. Gia đình tôi và cánh rừng này bao năm nay đã sống nương tựa vào nhau nên tôi vẫn căn dặn các con: Không được bán chỉ được trồng thêm. Sống phải giữ đạo với rừng” – già Cao nói.
Nhìn Lộc đi xa dần về phía bờ suối để lấy nước tưới cho vườn ươm, già Cao quay sang kể nhỏ với tôi chuyện ông thử lòng các con trước khi ông quyết định giao rừng. Ông nhờ người ở thành phố lên tìm mua gỗ quý với giá rất cao. Tính ra mỗi ha nếu bán sẽ được gần 2 tỷ. Mối lái đàng hoàng và tìm cách tiếp cận từng người con. Nhưng ông đã không thất vọng vì cả 5 người con đều kiên quyết lắc đầu từ chối.
“Rừng của mình có những cây lim đường kính 80-90cm, phải 2 người ôm. Gần đây vẫn có người hỏi mua 80 triệu đồng/cây mà mua cả rừng, nhưng mình lắc đầu. Họ để lại số điện thoại, bảo mình thích bán bất cứ lúc nào gọi họ sẽ đến ngay. Nhiều người còn gạ gẫm chỉ bán vài cây lấy tiền xây nhà mới khang trang để ông cụ hưởng tuổi già. Mình cũng lắc đầu” – Lộc tâm sự.
Thấu hiểu tâm niệm của cha, năm anh em Lộc đều xây nhà xung quanh phần rừng mà cha đã chia cho để tạo nên hành lang bảo vệ. Với họ, rừng là nhà là nơi nương náu như lời già Cao căn dặn.
Với Lộc, rừng không chỉ gắn liền với cuộc sống của gia đình mà còn là kỷ vật, là tấm lòng, tâm huyết của cả cuộc đời bố để lại. Lúc gia đình gặp khó khăn nhất vẫn không bán thì bây giờ càng không có lý do gì để bán.
“Kinh tế giờ cũng ổn. Dưới tán rừng, mình trồng xen nhiều cây dược liệu. Bán dược liệu, tre trúc cũng tạm đủ tiền chi tiêu. Sắp tới mình sẽ nhân rộng mô hình và thực hiện thêm một số ý tưởng. Ví dụ như đón khách tham quan có thu phí” – Lộc vui vẻ nói.
Nối tiếp đời cha, Lộc được xem là người Dao uy tín trong thôn, trong xã. Hiện anh là Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Bằng Anh. Lộc vận động bà con chăm sóc cây cối, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Với lối sống chan hòa, hay giúp đỡ mọi người được truyền từ đời cha, gia đình anh Lộc được bà con trong thôn quý mến, giúp đỡ trông coi rừng lim cổ.