Xuyên qua những dải rừng, những cung ruộng bậc thang dốc, hẹp đặc trưng của đất Hoàng Su Phì, con đường lên xã biên giới Thàng Tín thưa thớt những nếp nhà. Chiếc xe máy gằn lên những tiếng khô khốc vượt dốc đưa chúng tôi vào Thàng Tín kịp giờ nhập đoàn thanh niên tham gia tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc.
Một cuộc tuần tra
Dưới cái nắng sớm còn bảng lảng sương, đoàn tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới của Đồn Biên phòng Thàng Tín và Đoàn thanh niên xã đã chỉnh tề tập trung trước sân trụ sở Tổ kiểm soát Biên phòng 227 (thuộc Đồn Biên phòng Thàng Tín, Hoàng Su Phì).
Duyệt đội hình đội ngũ và phổ biến nội dung nhiệm vụ, thượng úy Hầu Seo Chúng (Đồn Biên phòng Thàng Tín) trưởng đoàn tuần tra biên giới dõng dạc: Hôm nay, chúng ta thành lập đội tuần tra đi kiểm tra từ mốc 227, 228 có nhiệm vụ tuần tra, phát quang đường biên, cột mốc…
Cự ly đi tuần tra, người cách người 2-3m, tổ cách tổ từ 3-5m. “Trong quá trình hành quân, nếu gặp dân chăn thả gia súc vi phạm đường biên, chúng ta tuyên truyền cho nhân dân thực hiện đúng theo các văn kiện pháp lý đã được nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa ký kết”, thượng úy Chúng nói.
Con đường mòn dẫn lên mốc 227 xuyên qua đám cây dại trơn, dốc, chúng tôi phải gắng lắm mới theo kịp chân các thành viên trong đoàn tuần tra. Lù Seo Nam (SN 1988) chân bước, tay thoăn thoắt phát gọn cây dại hai bên đường.
Nam tham gia tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới được 6 năm, từ những ngày Đội thanh niên tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới chưa thành lập.
Nam bảo: “Tuần trước, đường mới được phát quang, nhưng thời tiết ẩm như mùa này, không gì mọc nhanh bằng cây dại, ngọn cỏ, phủ hết lối đi. Vào mùa khô, nhiều nguy cơ cháy rừng, mọi người phải phát quang, phân vùng. Bình thường đi tuần tra mốc 227, mốc 228 gần hết ngày”.
Ở vùng biên viễn này, thời tiết thay đổi nhanh như “sấp ngửa bàn tay”. Cả vùng đồi núi mới chói chang nắng, nhoằng chốc đã bít bùng mù đặc sương. Có lúc phải lắng nghe tiếng thở dốc, tiếng nói chuyện để nhận biết người bên cạnh.
Chiến sỹ Đỗ Bảo Trọng (Tổ công tác Kiểm soát Biên phòng 227) cho hay: “Địa hình nhiều đèo dốc và thời tiết sương mù làm tầm nhìn hạn chế phải đi trực tiếp, đến tận nơi để kiểm tra”.
Lù Seo Nam bảo: “Khó nhất lúc đi mốc là vào mùa mưa đường trơn, cảm giác bức bối khi vừa mặc áo mưa vừa phát cây dọn đường. Nhưng nhanh mất sức nhất lại khi mùa đông vì càng lên cao không khí càng loãng và lạnh, dễ bị tức ngực”.
Đến khi tầm mắt thoát được màu đất và gót chân người đi trước, cả vùng núi non điệp trùng mở ra trước mắt là lúc chúng tôi chạm mốc 227. Giữa ào ạt gió sương quan ải, đứng bên cột mốc, giọng thượng úy Chúng rành rọt: “Cột mốc 227 đặt trên đoạn đường biên giới nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa, được xây dựng năm 2001. Hôm nay chúng ta tuần tra, qua kiểm tra cột mốc nguyên vẹn, giữ nguyên trạng”.
Anh Chúng nêu rõ: “Các đồng chí, lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên có trách nhiệm giữ cột mốc ổn định tránh kẻ xấu lợi dụng phá hoại…”. Sắc áo lính và xanh tình nguyện tiếp tục ẩn hiện trong những bóng cây rừng trên con đường lên mốc 228 mây giăng kín...
Giữ vững biên cương
Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thàng Tín (Hoàng Su Phì) cho biết: Đồn quản lý tuyến đường biên giới giáp với Trung Quốc dài gần 30 km với 9 cột mốc. Riêng xã Thàng Tín có 12 km đường biên và các mốc từ 224/2 đến cột mốc 228.
Trên địa bàn xã có 5 dân tộc là Nùng, Tày, Mông, Hoa, La Chí sinh sống. Trong những năm gần đây, tham gia tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc có lực lượng đoàn viên thanh niên xã, bên cạnh lực lượng nòng cốt là cán bộ chiến sỹ biên phòng và dân quân. “Với sự tham gia của đoàn viên thanh niên, lực lượng dân quân đã góp phần giúp người dân hiểu rõ thêm ý nghĩa và ý thức giữ gìn bảo vệ đường biên, mốc giới”, thiếu tá Bình đánh giá.
Nép mình bên rìa núi trên con đường liên xã, căn nhà gỗ của Bí thư Đoàn xã Thàng Tín Lù Văn Kim (SN 1983, dân tộc Nùng) từ lâu đã trở thành điểm tập kết của Đội thanh niên tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới trước khi đi tuần, lên mốc. Anh Kim cho biết, năm 2010, Đội thanh niên tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới được thành lập có 7 người.
Đến nay, đội có 15 đoàn viên thanh niên, chia làm 3 tổ. Nhiều người trong đội còn tham gia lực lượng dân quân địa phương. Theo định kỳ, Đoàn xã và Đồn Biên phòng phối hợp tổ chức ít nhất một lần/tháng để tuần tra, phát quang đường lên mốc. Tham gia Đội thanh niên tuần tra và dân quân, Lù Văn Tiến (SN 1989, dân tộc Nùng) là một trong những người giàu kinh nghiệm tuần tra. Đến nay, có 4 năm tham gia dân quân tự vệ, Tiến bảo: “Mỗi tháng, mình tham gia 2-3 lần tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới. Hôm nay đi với Đội thanh niên, mai lực lượng dân quân xã phát động, mình lại tiếp tục lên đường”.
“Lính mới” Lù Seo Kính (SN 1990, dân tộc Nùng) có một năm tham gia Đội. “Tốt nghiệp trung cấp kinh tế dưới Hà Giang, mình về quê làm, rồi tham gia Đội. Ngày đầu tiên đi tuần không khỏi hồi hộp”, Kính nói.
Không chỉ tuần tra, bảo vệ, các thành viên trong Đội còn tham gia tu sửa, giải tỏa đường biên mỗi khi mưa lớn gây sạt lở đất, cây gãy đổ. Các thành viên trong đội cũng tham gia tuyên truyền ý nghĩa đường biên cột mốc, các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho nhân dân tại các thôn bản.
Bí thư Đoàn xã Lù Văn Kim cho biết: “Hằng năm, Đoàn xã tổ chức cho giáo viên trong độ tuổi đoàn viên đi thăm đường biên mốc giới để mọi người hiểu rõ hơn và truyền dạy, phổ biến cho học sinh trong những bài học”.
Anh Nguyễn Anh Minh, Tổ Kiểm soát Biên phòng 227, Đồn Biên phòng Thàng Tín cho biết: "Trước đây, khi chưa phân tuyến, cắm mốc giới thì có trường hợp xâm canh, xâm cư. Từ ngày cắm mốc ổn định đến nay, thường chỉ gặp một số trường hợp người dân trong quá trình sản xuất, chăn nuôi quá canh, quá cư. Khi đó, tổ yêu cầu dừng ngay việc sai phạm và có thư trao đổi theo con đường ngoại giao với phía bạn. Song lâu nay không có trường hợp nào”.
Bài 4: Với tinh thần làm trước để dân tin, những người trẻ ở Nấm Dẩn (huyện Xín Mần) biến đất cằn của đồng bào bỏ hoang thành những nương ngô, đồi gừng xanh tốt, trồng rừng thảo quả… góp phần thay đổi làng bản.