> Cây quế 10 năm thu 60 ngàn đồng
Giàu nhờ quế
Gia đình ông Lý Tiến Thắng ở bản Khe Lợ, xã Viễn Sơn, Văn Yên, Yên Bái có tới 60ha quế đã vào độ thu hoạch. Cánh rừng quế bạt ngàn từ phía sau căn nhà hai tầng khang trang của ông nhìn không rõ đâu là mốc giới.
Mỗi cây quế tuổi trên dưới chục năm của gia đình ông đã có giá từ 5 – 10 triệu đồng, ước tính cánh rừng quế của ông ngót vài chục tỷ đồng.
Mấy đứa con ông lập gia đình ở riêng đều được chia đều mấy đồi quế, xây nhà tầng đẹp như nhà nghỉ dưỡng ven núi, chẳng thiếu gì vật dụng đắt tiền trong nhà. Hơn chục năm trước, ông Thắng đi đầu cuộc vận động trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Ông nói rừng quế đã trả ơn cho ông và nhiều người Dao trong xã Viễn Sơn.
Xã Đại Sơn bên cạnh, những hộ gia đình như ông Hoàng Văn An cũng giàu nổi tiếng nhờ quế. Có tới 12 người con đều lập gia đình riêng, xây cả dãy nhà kiểu biệt thự trong vùng núi sâu. Tất cả nhờ có quế.
Ông chỉ tay ra trước nhà tự hào “đồi quế ơn Bác” do tay ông trồng từ hàng chục năm trước - kỷ niệm một lần ông được đi gặp Bác Hồ vì có thành tích kháng chiến và đi đầu trồng rừng, bảo đồi quế sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái mà gia đình ông đang có dự án đầu tư.
Nghèo vì quế
Nhưng con đường lầy lội, khi dốc đá, lúc trơn trượt và những mái nhà thấp tè trong bản Dao ở khe Lợ lại nói lên điều khác. Bí thư Huyện ủy Trần Thế Hùng đã chỉ đạo một Phó chủ tịch UBND huyện kèm một chiếc Land Cruiser đặc chủng leo núi đi với PV Tiền Phong về vùng sơn quế. Xe chồm trèo cực nhọc lắm mới vào đến bản.
Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường cho biết sẽ sớm chỉ đạo tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại về quế tại Văn Yên, đưa nhãn hiệu sản phẩm quế tốt nhất nhì cả nước này đến với quốc tế nhằm ổn định giá bao tiêu cao. Xây dựng ổn định thêm một nhà máy tinh dầu lớn tại địa phương để xoá sổ nạn đầu nậu. Xem xét bố trí lại và bổ sung đất trồng quế đến khoảng 22.000ha (hiện có 15.000ha).
Trong tổng số hơn 90km đường ở xã Viễn Sơn mới có 5km đường vào các bản được rải bê tông, và có tới hơn 50% hộ nghèo. Con số này lại tăng so với năm trước (47%). Nhà nào cũng trồng quế.
Thứ đất chỉ hợp với loại cây đặc biệt này khiến những hộ đói không chịu nổi thời gian 5-7 năm đợi thu hoạch đã chặt bỏ quế để trồng ngô, sắn mà không hợp. Ruộng len chân đồi ít ỏi, lại chua phèn lầy ngập, kiếm bát cơm từ ruộng lúa chỉ chêm vào bữa đói bữa no.
Người bản Dao vẫn phải sống với cây quế. Nó càng làm cay lòng bao người khi mùa giáp hạt mà không ăn được thứ vỏ cây thơm ngào ngạt! Trung bình mỗi hộ có 1-3 ha quế, sau dăm bảy năm mới bóc được vỏ, thu nhập cũng chỉ là 30-40 triệu đồng.
Dân số xã đã tăng lên hơn 3.000 người, những hộ gia đình thanh niên trẻ đã chẳng còn mấy đất mà trồng quế. Con gái bản Dao đi lấy chồng đều được hồi môn một vườn quế. Vùng sơn cước có văn hoá và hương ước quế đã thành nét đẹp, nhưng mài nó ra mà ăn thì... đói!
Nguyên Bí thư Đoàn xã Lý Hữu Quan mổ lợn mán mời cơm nhà báo. Trồng quế, yêu đương, lấy vợ từ đêm trăng đồi quế, làm thủ lĩnh thanh niên xã xốc vác với cây quế, nhà anh giờ kinh tế vẫn chỉ nhàng nhàng.
Chén rượu cay như quế, Quan nói, kinh tế nhà anh cònkhá hơn hàng loạt gia đình khác trong xã. Anh băn khoăn nếu không được bố trí lại đất sản xuất thì e là cái nghèo còn đeo đẳng, đấy là chưa nói giá quế còn bị đầu nậu ép lên ép xuống, người Dao cả đời mấy ai đi ra khỏi núi mà biết cõng quế bán ở đâu?! Hơn 2000đ/kg cành và lá quế, cũng chỉ khoảng 10.000đ/kg vỏ tươi, so với những vùng quế ở Trà My (Quảng Nam) hay Thanh Hoá, nó còn là “bèo”.
Chất lượng tinh dầu thuộc hàng đầu bảng ngành chế biến quế cả nước, nhưng đời sống người bản Dao huyện Văn Yên còn chật vật dài dài.
Lý Hữu Quan cũng là người nhà của “đại gia” Lý Tiến Thắng nhưng anh chẳng vui gì nếu nhiều hộ khác trong bản thiếu đất trồng rừng.
Gần nhà Lý Hữu Quan, mấy căn nhà hàng xóm trống hoác ngay ven đường đồi của vài bạn trẻ mới lập gia đình ở bản Khe Lợ. Cô gái trẻ ôm con đợi chồng đi đào đất thuê bên kia núi về. Vườn quế của hai vợ chồng cô chưa đủ tuổi bóc vỏ. Tôi từ chối bữa cơm gà đồi cô mời. Đàn gà, con lợn nuôi lay lắt là thứ tài sản đáng giá của họ.
Cay lòng sơn quế
Nói đến Văn Yên, nhắc đến quế. Là người xuôi Nam Định lên Văn Yên làm công nhân lâm trường quế ngày xưa rồi lập nghiệp đến chức Bí thư Huyện ủy, anh Trần Thế Hùng biết rằng chỉ có trồng quế và tìm cách chế biến ra tinh dầu giá cao mới là con đường sống tốt nhất cho người Dao ở đây.
Anh Hùng đôn đáo tìm hiểu từ Quảng Nam, Quảng Bình, Thanh Hóa, rồi đi Trung Quốc xem thiên hạ chế biến tinh dầu quế thế nào. Anh gọi doanh nghiệp đến Văn Yên đầu tư. Hai nhà máy tinh dầu ra đời từ gần chục năm trước và cả trăm lò dầu thủ công mọc lên. Quế trong vùng được tiêu thụ cả lá, cành vụn ra tinh dầu.
Trung Quốc là thị trường mua tinh dầu nhiều nhất, giá cũng được sáu bảy trăm ngàn một ký, nhưng “ông Tàu” lại chập chờn mua bán rất khó chịu.
Năm ngoái, người Dao trồng quế ở Văn Yên vui như mở hội vì huyện đã có được “Chỉ dẫn địa lý” cho sản phẩm quế, nâng tầm và quảng bá nhãn hiệu quế Văn Yên.
Một dấu đỏ do Cục Sở hữu trí tuệ cộp vào cây quế Văn Yên ra đời nhưng xem ra sản phẩm nơi sơn quế này cũng mới chỉ “loanh quanh trong tỉnh” đợi khách cõng đi. Khai trương trang web quevanyen.com nhưng chưa thể mang sản phẩm đi bày bán, chào hàng trong và ngoài nước.
Người bản Dao ở Viễn Sơn, Đại Sơn, Châu Quế Hạ, Mỏ Vàng, Phong Dụ..., những xã đậm đặc rừng quế vẫn thuộc diện hỗ trợ đặc biệt từ chương trình 135 (điện, đường, trường, trạm) mà cả nước phải chung tay tiếp sức.
Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh tâm sự: “Xoá đói giảm nghèo ở Văn Yên nhất định là nhờ cây quế. Người Dao cay lòng với đất quế cũng không thể bỏ quế vì nó mang lại thu nhập chính, nhưng họ không thể tìm đường bán quế giá cao ở đâu. Thời gian đợi quế đủ tuổi để khai thác, và chống đầu nậu ép giá chính là thách thức câu chuyện giàu nghèo vì quế ở Văn Yên hôm nay”.