Giáp mặt kẻ thiêu sống 11 người trong họ
> Ba người tử vong trong vụ cháu thiêu sống 11 người
Hôm đó, tôi chỉ muốn chôn cất bà nội vào một giờ khác để tránh trùng tang, với giờ mất của con trai tôi. Vì tôi sợ tai họa lại tiếp tục ập xuống gia đình nhỏ bé của tôi.
Nỗi đau mất đi người mẹ thân yêu chưa kíp nguôi ngoai thì cả dòng tộc ấy lại liên tiếp chịu những cái tang chồng chất. Trong số 9 người bị bỏng thì đến thời điểm này có 4 người đã tử vong, hai người khác tính mạng giờ cũng "ngàn cân treo sợi tóc"... Ngọn lửa của sự thù hận, sự nóng giận trong phút chốc đã thiêu đốt tất cả: gia đình, tình thân, nghĩa mâu tử, đẩy bao gia đình vào cảnh chia lìa, con mất cha, vợ mất chồng. Xót xa thay, đau đớn thay, kẻ gây ra tội ác kinh hoàng ấy lại là đứa cháu đích tôn của cả dòng họ - Phạm Việt cường (SN 1982, trú tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Tôi chỉ muốn gia đình mai táng bà nội vào giờ tránh trùng tang
Khoảng 15 giờ, Phạm Việt Cường được cán bộ thụ lý vụ án dẫn ra khỏi buồng giam. Cường vận chiếc áo phông tối màu, chiếc quần đùi màu sáng ngà, đối lập hoàn toàn với màu áo, mái tóc dài chùm kín vành tai, lòa xòa rơi xuống khuôn mặt hình lưỡi cày, vẻ bề ngoài khá giống một nghệ sỹ... Duy chỉ có đôi mắt, ở đó có những tia vằn đỏ, sắc lạnh đến gai người.
Cường bảo ở ngoài xã hội, Cường nghiện thuốc lá, mỗi ngày Cường hút hết 2 bao nên mấy ngày này chân tay bủn rủn, đầu óc quay cuồng chẳng nhớ được việc gì?
Kể từ khi biết mức độ nghiêm trọng của tội ác do anh ta gây ra và rằng hành vi đó là giết người thì tâm lý của Cường diễn biến rất phức tạp (Lời của cán bộ thụ lý điều tra vụ án). Lúc mới bị bắt, Cường hoảng loạn nói lăng lung tung, trạng thái tâm lý vô cùng kích động.
- "Cường nhận được đồ tiếp tế chưa", tôi hỏi.
"Em chưa, nhà em giờ chẳng còn ai. Bây giờ chắc vợ em đang chăm mẹ ở ngoài bệnh viện, anh liên hệ giúp em theo số điện thoại này 097... bảo bạn em gửi hộ một vài bộ quần áo dài tay" Cường ngậm ngùi.
- Lúc đổ xăng, Cường có nghĩ đến hậu quả của ngày hôm nay?
Im lặng một lúc, Cường trả lời: Lúc đó, em nóng giận quá, chẳng suy nghĩ được nhiều.
- Mẹ Cường cũng có mặt trong buổi họp gia đình tối hôm ấy, vì sao Cường vẫn quyết định đổ xăng?
Cường cúi đầu lặng im, không trả lời.
Khi chúng tôi nhắc đến bà Phạm Thị Bền (SN 1956, trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ), mẹ đẻ của Cường và cũng là nạn nhân của vụ đổ xăng, đôi mắt Cường đỏ hoe, Cường đã khóc, nước mắt của sự ân hận dẫu là quá muộn: "Chẳng biết sức khỏe mẹ em giờ thế nào?"
Đến thời điểm này Cường vẫn chưa biết cái kết cục đau đớn mà anh ta đã gây ra: 4 người thân trong gia đình gồm cô, chú và mẹ đẻ của Cường đã tử vong; 2 người còn lại giờ tính mạng cũng leo lết như ngọn nến giữa giông bão có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.
Nêu cái sự thật phũ phàng và đau đớn ấy bị vỡ lở thì đây sẽ là cú sốc quá nặng đối với Cường. Đó là cảm giác dày vò khi là đứa con nghịch tử, đứa cháu "đại nghịch bất hiếu" là kẻ gây ra cái chết cho người mẹ bao năm dưỡng dục. Bất cứ lý do gì cũng không thể biện minh cho hành vi phạm tội của Cường...
- "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" họ đều là những người thân trong gia đình và mọi mâu thuẫn đều có thể gỡ được "nút thắt" vì sao Cường lại hành động mù quáng như vậy?
"Nếu chị ở hoàn cảnh của tôi, chị sẽ không chịu nổi", Cường nói trong tâm trạng bức xúc. Tất cả mọi tai họa dường như đổ vào gia đình tôi!. Cha mất, anh trai qua đời vì bạo bệnh, giờ đến người em trai út cũng mắc chứng bệnh hiểm nghèo sống lay lắt cho qua ngày. Cậu con trai đầu lòng của tôi thì cũng bỏ bố, bỏ mẹ mà đi...Tôi chẳng còn gì.
Hôm đó, tôi chỉ muốn chôn cất bà nội vào một giờ khác để tránh trùng tang, với giờ mất của con trai tôi. Vì tôi sợ tai họa lại tiếp tục ập xuống gia đình nhỏ bé của tôi. Tôi đâu còn gì nữa, chỉ có mái ấm gia đình... Cường thốt lên một cách tuyệt vọng.
Ngừng một lúc lâu, tôi hỏi Cường:
- Cường được học hành và lại đang công tác trong ngành y, phải chăng Cường đã quá duy tâm?. Và tai họa này đâu phải tự nhiên đến mà lại do chính Cường gây ra?
Cũng chỉ vì mọi người không nghe tôi, chôn cất bà nội vào "giờ độc" nên mới ra cơ sự như thế này!
- Đây có phải là lý do chính dẫn đến việc Cường gây án?
Đó chỉ là "giọt nước tran ly" khiến tôi hành động một cách thiếu lý trí.
- Có người nói rằng vì Cường muốn giành lại mảnh đất bà nội thừa kế cho người cô út là Phạm Thị Bình?
Giờ này, mẹ tôi không có nhà có cửa, phải đi làm thuê làm mướn trong nhà người ta. Anh trai tôi, bố tôi qua đời chẳng có một "mái nhà" để ra vào, tôi nghĩ mà tủi phận...
Cường không trả lời thẳng vào câu hỏi. Song khi nhắc lại câu chuyện cũ, với những bất hòa đã tồn tại dai dẳng trong dòng tộc suốt nhiều năm qua, Cường vẫn không giữ được bình tĩnh.
- Trước khi hắt xăng để thỏa mãn cơn giận dữ, Cường đã vào nhà. Mục đích của Cường là làm gì?
Em định lấy thanh sắt chốt cửa đánh mọi người, nhưng mẹ của em ngăn lại. Và khi vào trong nhà còn có một người khác ngăn lại, cậu ta là con của một trong các cô, chú nhưng em cũng không biết tên...
- Vì sao Cường không dùng tay?
Vì em hận. Lòng thù hận đã khiến em trở thành một kẻ máu lạnh, nhẫn tâm gây án.
- Lúc Cường vào nhà, cửa nhà có khóa không?
Không chị ạ.
- Sau khi hắt xăng, Cường đã đóng chặt cửa sắt lại?. Phải chăng Cường muốn giết hết tất cả những người thân trong gia đình, kể cả mẹ của Cường...
Em cũng không nhớ nữa, Cường chống chế.
Khi nhìn thấy những người thân trong gia đình quằn quại trong lửa, Cường sợ hãi bỏ chạy. Trong bước đường cùng, anh ta chẳng biết đi đâu, về đâu lại tìm về nơi mẹ đang nương thân rồi đến cơ quan Công an đâu thú, trong trạng thái vô cùng hoảng sợ.
Nỗi đau của người vợ trẻ
Những ngày này, vợ của Cường là Lê Thị Quỳnh Anh, cũng sống trong tâm trạng giày vò và đau đớn khôn nguôi.
Chính Quỳnh Anh – người vợ bao năm má ấp môi kề của Cường - cũng không lý giải được hành động của chồng, Quỳnh Anh tức tưởi nói trong nước mắt, sự thảng thốt thể hiện trên gương mặt mệt mỏi, chán chường: "Em không hiểu vì sao anh ấy lại hành động như vậy. Bình thường, anh Cường là một người hiền lành, tính em nóng vội nhưng anh ấy luôn bình tĩnh để xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống. Với gia đình và họ hàng bên nhà vợ, anh ấy sống có lý, có tình chưa làm gì khiến mọi người phải phiền lòng. Anh ấy vẫn làm tròn phận của một người cháu đích tôn của gia đình".
"Hôm mùng 2-9, vợ chồng em vừa cho cháu về thăm cụ. Chúng em vừa trở vào Thanh Hóa thì nghe tin bà bị ốm nặng, hai vợ chồng lại vội vã quay ra. Vì sợ bà không qua khỏi, em để cháu (con của vợ chồng Cuờng) ở với bà ngoại rồi hai vợ chồng cùng về quê... Trong suốt những ngày tang lễ, chồng em luôn làm tròn phận của một cậu cháu đích tôn, túc trực bên bà cho đến khi đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng" Quỳnh Anh ngậm ngùi kể lại.
Rồi như không kiềm được lòng mình Quỳnh Anh nói: "Chị ơi, chị giúp chồng em với. Em còn một đứa con gái mới hơn một tuổi, chẳng biết bao giờ cháu sẽ được gặp bố nữa...".
Túc trực bên giường bệnh của mẹ chồng cho đến khi bà nhắm mắt xuôi tay, Quỳnh Anh, vợ Cường đã thay chồng làm việc hiếu nghĩa với mẹ. Trong lòng người đàn bà đó những cảm xúc cứ giằng xé đan xen nhau. Quỳnh Anh vừa thương, lại vừa giận chồng. Nhìn những người bệnh trên giường vật vã vì đớn đau, tận mắt chứng kiến lần lượt lần lượt những người thân trong gia đình mãi mãi ra đi...
Nỗi kinh hoàng của một dòng tộc
Hơn một tuần đã trôi qua kể từ sau vụ thảm án đau lòng đó, các nhân chứng chứng kiến sự việc vẫn bàng hoàng thảng thốt. "Đây là việc kinh hoàng nhất từ trước đến nay. Lúc đó, từ trong phòng khách của căn nhà thuộc tổ 29, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ có hàng chục người lao ra, toàn thân bốc cháy như một bó đuốc, một số người bàng hoàng kể lại. Từ trong cửa căn phòng khói đen tỏa ra mù mịt, trước cửa nhà hàng chục người quằn quại vì đau đớn, quần áo bị xé rách nham nhở vứt vương vãi trên nền nhà" một nhân chứng kể lại. Những người xung quanh vội đưa các nan nhân vào bệnh viện cấp cứu đồng thời thông báo sự viêc đến Công an thị xã Phú Thọ.
Tại hiện trường, Công an thị xã Phú Thọ phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 45) Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ một bình nhựa loại 5 lít, có chứa xăng. 9 người trong gia đình đã bị bỏng nặng sau vụ cháy là: Nguyễn Xuân An (SN 1952), Phạm Thị Thanh Liên (SN 1957), Đào Đức Hy (SN 1962, cùng trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh); Phạm Thị Bền (SN 1956, trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ); Phạm Thị Hiền (SN 1962, trú tại quận Long Biên, Hà Nội); Hà Kim Đa (SN 1959); Hà Minh Tuấn (SN 1997); Phạm Thị Phương (SN 1958) và Phạm Thị Hải (SN 1963, đều trú tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ)...
Trong trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ những ngày này, Cường đã và đang phải sống trong tâm trạng giằng xé. Cường ân hận về những việc anh ta đã làm. Cường nhắc nhiều đến cô con gái hơn một tuổi...
Cường sẽ phải trả giá cho hành vi lầm lỗi anh ta gây ra, nhưng phía sau vụ thảm án đau lòng còn để lại nhiều bài học đau xót. Giá như Cường biết kiềm chế và nếu như các mâu thuẫn trên được giải quyết một cách kịp thời và triệt để thì sẽ không có cái kết cục buồn như ngày hôm nay.
Phạm Việt Cường là cháu trai thứ 2, trong số 3 người cháu nội của cụ Duyên. Cụ Duyên có 7 người con thì chỉ có duy nhất bố Cường là con trai nối dõi tông đường.
Một cơn bạo bệnh đã cướp đi mạng sống của cha Cường để lại người vợ là Phạm Thị Bền (SN 1956, trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ) cùng 3 đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.
Mẹ Cường vì thế trở thành người "đàn ông trụ cột", gánh vác mọi công việc trong gia đình. Anh trai lớn của Cường vì đua đòi đã dính vào ma túy. Cai nghiện rồi lại tái nghiện, cứ như vậy cảnh nhà vốn đã khó khăn lại càng thêm sa sút.
Cực chăng đã, mẹ Cường buộc phải bán đi căn nhà được thừa kế của gia đình nhà chồng và cũng từng là tổ ấm một thời của gia đình.
Không lâu sau đó, anh trai của Cường cũng qua đời tại một trung tâm cai nghiện... Ngày tổ chức đám tang cho anh trai, một vấn đề đã xảy ra. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh và tồn tại từ lúc đó cho đến bây giờ.
Khi anh trai mất, nhà Cường cũng chẳng có nơi để làm tang... Khi ấy, Cường muốn tổ chức đám tang trong căn nhà của người cô ruột là Bình, người may mắn thoát nạn trong ngọn lửa sau này nhưng không được cô Bình và các anh em trong dòng tộc đồng ý.
Cường thì nghĩ theo lý của Cường rằng đó cũng là mảnh đất hương hỏa của gia đình. Anh trai Cường thì đã chết. Nghĩa tử là nghĩa tận, Cường cũng muốn cho anh được toại nguyện, không phải lang thang vật vờ...
Nhưng bà Bình và những người nhà thì lại có những lý lẽ riêng của mình. Căn nhà trên miếng đất đã được thừa kế cho bà Bình và thủ tục sang tên, đổi chủ cũng đã hoàn tất. Bà Bình bất hạnh hơn các chị em gái trong gia đình và rồi được chịu trách nhiệm chăm sóc mẹ đẻ nên được ở lại căn nhà trên.
Vả lại, bà Bình cũng như nhiều người khác, chẳng ai muốn đưa một người đã bị bệnh vào gia đình?. Mâu thuẫn không được giải quyết một cách triệt để vì thế cứ âm thầm diễn ra, trở thành nỗi thù hận trong lòng của Cường.
Về phần Cường, trong thời gian theo học tại một trường y tại Thái Nguyên, Cường quen Quỳnh Anh, cô gái quê ở Thanh Hóa rồi cả hai tìm thấy ở nhau sự hòa hợp về tâm hồn. Sau khi ra trường, phần vì hoàn cảnh gia đình, phần theo tiếng gọi của tình yêu, Cường theo vợ vào Thanh Hóa lập nghiệp.
Lang thang một thời gian, Cường qua các mối quan hệ quen biết của gia đình bên vợ xin vào làm việc tại một Nhà máy sản xuất gạch rồi sau đó theo học tại Trường Đại học xây dựng. Một tai họa xảy ra đã khiến Cường chao đảo, ấy là khi đứa con trai của Cường mắc căn bệnh nan y không có khả năng chữa trị...
Vì chán nản, Cường ở nhà một năm, sau đó mới xin vào làm y tá tại một bệnh viện của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều đêm nằm vắt óc, Cường nghĩ đến hoàn cảnh trớ trêu của gia đình mình và cay đắng tủi nhục. Nỗi uất hận không được giải tỏa lâu ngày ấp ủ trở thành sự thù hận trong lòng.
Trong tâm khảm của của Cường, Cường cũng muốn có một căn nhà ở nơi quê cha, đất tổ làm nơi thờ cúng người cha, người anh trai. Rồi Cường lại nghĩ đến người mẹ đầu tắt mặt tối, giờ đang phải sống nhờ ở đậu tại một của hàng bán hàng ăn, lay lắt cho qua ngày... Và rồi mâu thuẫn đã bùng phát vào buổi tối định mệnh ấy.
Chiều 9-9, sau khi hỏa táng bà nội đưa về nghĩa trang của thị xã, Cường đã cản các cô ruột không chôn bà nội vào giờ Dậu vì sợ trùng tang song các bà cô không nhất trí, vẫn làm theo ý của mình. Cơn tức giận Cường không làm chủ được bản thân liền mua xăng hắt vào căn nhà, nơi 11 người thân trong gia đình đang ngồi bàn bạc giải quyết các vấn đề hậu của đám tang.
Theo Cảnh sát toàn cầu