> Giáo viên vùng lũ không kỉ niệm ngày 20/11
> Kiệt sức vì lũ, cô trò chẳng còn tâm trí cho Ngày nhà giáo
Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT cho rằng, thực trạng này sẽ được thay đổi trong thời gian tới.
Ông Nhị cho biết: Hiện nay, đội ngũ giáo viên trong cả nước rất lớn 1, 2 triệu người, trong đó 1.134.000 người thuộc hệ thống công lập. Đây là đội ngũ viên chức lớn nhất so với tất cả các ngành khác. Hiện nay, đời sống của giáo viên rất khó khăn do đồng lương còn thấp.
Chẳng hạn, giáo viên mầm non (ở nông thôn và thành thị) sau khi ra trường có mức lương khởi điểm là 2,6 triệu đồng/ tháng. Sau mười năm, lương của họ được hơn 4 triệu đồng. Đối với giáo viên THPT, khởi điểm của họ là 3,2 triệu đồng, sau 10 năm họ được hơn 5 triệu đồng.
Lương không đủ sống nhưng thu nhập từ dạy thêm đang là nguồn thu tốt của không ít thầy cô. Không ít thầy cô có mức thu nhập từ dạy thêm hàng chục triệu đồng?
“Chúng tôi đã đề nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong ngạch bậc thang bảng lương của nhà nước... Ngoài ra chúng tôi cũng đề nghị các thầy cô giáo phải được trả lương theo năng lực và theo hiệu quả công việc”
Ông Bùi Mạnh Nhị
Số có thu nhập như vừa nêu rất ít nếu tính trên tổng thể 1,2 triệu giáo viên. Nhưng tôi tin không thầy cô giáo nào muốn dạy thêm. Lao động dạy học là một lao động đặc biệt, đó không chỉ là loại hình lao động trí tuệ mà còn là lao động thể chất.
Tôi từng là giáo viên nên tôi biết, với một ngày dạy 4 - 5 tiếng có thể ta sẽ không thấy mệt trong những ngày đầu nhưng nếu cứ kéo dài như vậy rất hao tổn cho sức khỏe. Hơn nữa, trong nhìn nhận của dư luận xã hội, cái tiếng “dạy thêm” không mang sắc thái tốt đẹp gì. Bản thân các thầy cô giáo tham gia dạy thêm cảm nhận được điều đó, nhưng vì lương thấp, họ buộc phải chấp nhận.
Hiện nay, Hội nghị Trung ương 8 khoá 11 đã thông qua nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Chúng tôi hy vọng trong quá trình triển khai nghị quyết, đồng lương của giáo viên sẽ được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trong tổng thể, trong so sánh với các ngành nghề khác để làm sao lao động của người giáo viên được ghi nhận.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng lương giáo viên chưa thể hiện được vị trí đó. Ông nghĩ sao?
Cách đây khoảng gần chục năm, nhờ có quy định những em thi vào sư phạm được miễn học phí mà đầu vào của chúng ta rất tốt. Hồi đó tôi còn là Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm (ĐHSP) TPHCM, GS Đinh Quang Báo là Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội.
Khi đó, chúng tôi tham gia một cuộc gặp gỡ ở Hải Phòng nên nói chuyện với nhau đầy tự hào, rằng dẫu có hàng tỷ đồng chúng ta cũng không mua được chất lượng đầu vào đó. Sinh viên vào sư phạm (SP) toán trường tôi lấy đến 28 điểm, còn Trường SP Hà Nội lấy đến 29 điểm. Các ngành SP khác điểm cũng rất cao.
Nhưng sau đó, chính sách miễn học phí không còn tác dụng nữa. Các em nghĩ đến đầu ra. Không chỉ lương thấp so với thực tế đời sống mà ngay cả so với một số ngành nghề khác, lương giáo viên đâu có cao! Theo thang bảng lương của nhà nước, giáo viên trung học cao cấp chỉ được xếp nhóm hạng II.
Trong khi đó kiến trúc sư chính, kỹ sư chính, định chuẩn viên chính, giám định viên chính… được xếp loại I. Nếu Đảng, Nhà nước đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì nghề sư phạm, các thầy cô giáo cũng cần được đặt vào vị trí hàng đầu đó.
Tuy nhiên, ngành GD&ĐT rất chia sẻ với khó khăn chung. Cứ thử hình dung, mỗi giáo viên một tháng được tăng 100.000 đồng thì nhà nước phải bỏ ra thêm 131 tỷ đồng, một con số rất lớn!
Nhưng đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho giáo viên vẫn là một yêu cầu mà Bộ GD&ĐT không thể đứng ngoài cuộc…
Từ năm 1996, Nghị quyết T.Ư 2 khoá 8 khẳng định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống lương nhà nước. Trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà Nghị quyết T.Ư 8 khoá 11 đã thông qua, chúng tôi đã đề nghị được thực hiện theo tinh thần nghị quyết T.Ư 2 khoá 8 là lương giáo viên được xếp cao nhất trong ngạch bậc thang bảng lương của nhà nước và chú ý tính toán tương quan với các ngành khác, đồng thời ngành GD&ĐT vẫn tiếp tục được nhận phụ cấp theo ngành nghề như hiện nay.
Ngoài ra chúng tôi cũng đề nghị các thầy cô giáo phải được trả lương theo năng lực và theo hiệu quả công việc.
Chúng tôi vẫn nói với nhau, trong tam giác vấn đề Người - Việc - Tiền thì ngành GD&ĐT chỉ gánh việc. Người, lương - tài chính chúng tôi không được quyết. Tuyển dụng thế nào là do bên nội vụ. Tài chính là do bên tài chính. Cho nên ngành GD&ĐT các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Cảm ơn ông!
Quý Hiên
thực hiện