Cô Sỹ Thị Hoa, giáo viên Trường mần non Sơn Ca (quận 12) nay đã có gần 20 năm trong nghề dạy trẻ cho hay, nghề chăm trẻ nhìn bên ngoài thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng thật sự công việc không hề nhẹ. “Sáng sớm phải có mặt ở trường để đón trẻ rồi lo cho các con ăn, lo cho các con chơi, học. Hết ăn rồi đến chơi và học, công việc cứ lặp đi lặp lại nhưng gần như các cô không có thời gian nghỉ bởi mỗi cô trung bình phải lo cho từ 5-6 bé”, cô Hoa nói.
Từ những vất vả đó, cô Hoa bày tỏ ra lo lắng nếu độ tuổi nghỉ hưu sắp tới của nữ là 60 thì sợ các cô không còn đủ sức khỏe để chăm các con.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh (ngụ quận Gò Vấp), người cũng có gần 20 năm chăm trẻ từ trường công sang trường tư cũng cho rằng, nghề giáo viên mầm non tuy suốt ngày ở trong lớp nhưng lại là một nghề khá nặng nhọc.
“Bản thân tôi phải liên tục thay đổi môi trường để phù hợp với bản thân cũng như với các con. Càng lớn tuổi mình càng nhận thấy không còn phù hợp với nghề bởi tính hoạt bát, trẻ trung của mình không còn, không theo kịp các con”, cô Ánh nói và cho rằng, nếu độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mần non là 60 thì e là chỉ mới tuổi 50, nhiều cô đã xin về hưu sớm hoặc bỏ nghề rồi.
Cô Nguyễn Hoàng Lăng Viên, Hiệu trưởng Hệ thống Trường mầm non Mỹ Đức (quận 12) cho hay, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 là phù hợp với thực tế sức khỏe của con người Việt Nam hiện nay song cũng cần linh động với một số ngành nghề, trong đó có nghề giáo viên mầm non.
Theo cô Viên, nghề giáo viên mầm non là nghề khá vất vả và luôn đòi hỏi tính năng động, mới mẻ để gây hứng thú với trẻ nên người càng lớn tuổi dù có kinh nghiệm nhưng ít nhiều sẽ có rào cản tâm lý với trẻ.
“Thực tế qua quan sát các trường thì có rất ít giáo viên mần non ngoài 50 tuổi vẫn còn làm việc ở trường tư, nếu có thì chủ yếu ở vị trí bảo mẫu, bếp ăn chứ chăm trẻ, dạy trẻ thì hầu như không có. Còn với trường công thì có nhưng cũng không còn nhiều”, cô Viên nói và cho biết thêm, với những người có kinh nghiệm thì đa phần họ chỉ đi làm 10- 20 năm, đến hơn tuổi 40 thì đa phần các cô chuyển nghề hoặc ra mở trường riêng, ít ai đến tuổi này vẫn còn bám trụ với nghề…
Trước đó, ngày 29/4, tại hội nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri ngành giáo dục thành phố, nhiều ý kiến của cử tri kiến nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non.
Ý kiến cử tri tại quận Bình Thạnh bày tỏ đặc thù trong ngành giáo dục mầm non là hình ảnh các cô giáo trong mắt trẻ luôn phải vui tươi, trẻ trung, năng động, nhưng nếu 60 tuổi mới được về hưu thì các cô không còn đủ sức khỏe để giảng dạy, không đáp ứng được yêu cầu dạy học.
Hơn nữa, hình ảnh của cô mầm non phải luôn tươi trẻ, năng động để tạo ấn tượng với trẻ nhỏ, tổ chức nhiều hoạt động múa hát và vui chơi. Nhưng với lứa tuổi này, các cô rất khó để tổ chức hoạt động vui tươi, hào hứng và các cô cũng không còn thu hút với các trẻ. Vì vậy, vị này kiến nghị xem xét tuổi nghỉ hưu cho các cô, phù hợp với sức khỏe cũng như công việc đặc thù như mầm non.
Liên quan đến vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho hay, Đoàn cũng sẽ tổng hợp các ý kiến, gửi đến các cấp quản lý, UBND TP.HCM và các sở, ngành có liên quan để giải quyết.