> Mời tham gia Giao thừa Online cùng Tiền Phong
> Miền Bắc rét đậm, rét hại đêm Giao thừa
> Sân bay Tân Sơn Nhất hối hả ngày cuối năm
Tạm biệt Nhâm Thìn, chúng ta chính thức bước sang năm mới Quý Tỵ 2013 với sự xao xuyến của đất trời và lòng người ở những giây phút đầu tiên mùa xuân.
Khu vực trung tâm TP.HCM thời điểm gần giao thừa chen kín dòng người khắp các quận huyện đổ về thưởng thức đường hoa và xem pháo hoa.
Tại đường hoa Nguyễn Huệ hàng ngàn người dân, du khách quốc tế cũng nô nức đến đây để vui chơi, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật làm cho không khí đón năm mới thêm phần nhộn nhịp.
Bất ngờ nhận quà đêm giao thừa
TPO - Hàng chục công nhân môi trường đô thị Huế bất ngờ nhận được quà Tết và phong bao lì xì mừng tuổi đêm giao thừa, sau nhiều giờ miệt mài lao động vì môi trường xanh - sạch - đẹp của thành phố Huế.
|
Bí thư Tỉnh Đoàn TT-Huế Nguyễn Chí Quang trao quà cho công nhân môi trường Huế đêm giao thừa Quý Tỵ 2013. Ảnh: Ngọc Văn. |
Giao thừa năm Quý Tỵ 2013, Tỉnh Đoàn, Hội LHTNVN tỉnh TT-Huế phối hợp Hội Từ thiện chùa Từ Vân (TP Huế) tổ chức thăm, động viên, chúc Tết lực lượng công nhân, lao công thuộc Cty Môi trường & Công trình Đô thị Huế đang thực hiện nhiệm vụ làm sạch, đẹp môi trường, cảnh quan thành phố giữa thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Đoàn công tác trao 30 suất quà Tết kèm phong bao lì xì, với trị giá mỗi suất khoảng 500.000 đồng.
Đêm Giao Thừa ở TP Cần Thơ, không khí mát mẻ, gió Xuân dào dạt. Những tuyến đường ở trung tâm người rất đông, nhất là đường đèn hoa Xuân dài gần cây số từ đại lộ Hoà Bình đến đường 30-4.
Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay sân khẩu văn nghệ Mừng Xuân đưa hẳn vào công viên Hoà Bình nên không gây cản trở giao thông, các tuyến đường dù đông người vẫn không ùn tắc.
Nhiều gia đình xem văn nghệ hoặc chụp ảnh với hoa, nhiều đôi trai gái ngồi trên cầu đón gió Xuân và nhiều nam thanh nữ tú ngồi hàng quán kê bàn giữa trời đón sương Xuân, uống cà phê hoặc bia, tất cả tạo nên khung cảnh vui tươi, sống động, thanh bình.
Tường thuật của PV Duy Chiến ở Lạng Sơn về đón giao thừa nơi địa đầu Tổ quốc. Mặc dù trời giá lạnh, thời tiết xuống dưới 10 độ C, tuy nhiên tại các trục đường chính ở thành phố Lạng Sơn, hàng ngàn người đổ ra đường, tận hưởng không khí Tết đang đến.
Quảng trường Hùng Vương nườm nượp người, xe; mọi người tụ tập từng nhóm chăm chú xem chương trình nghệ thuật tổng hợp “chào xuân mới”, do các nghệ sỹ xứ Lạng trình bày, đậm đà chất xuân, truyền thống dân tộc
Đêm nay, ở Lạng Sơn, người dân háo hức vì đa số các huyện, thành phố trong tỉnh đều tổ chức bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa. Ông Hoàng Văn Páo, giám đốc sở VH-TT& DL tỉnh cho biết: “Bằng việc huy động xã hội hoá, không dùng ngân sách nhà nước, nhiều huyện trong tỉnh đã báo cáo lãnh đạo tỉnh cho bắn pháo hoa. Nhất là 5 huyện biên giới, lần đầu được xem pháo hoa, bà con bảo nhau làm cơm cúng giao thừa sớm hơn để có dịp chiêm ngưỡng những điều kỳ thú, rực rỡ trên bầu trời quê hương”.
Đại tá Nguyễn Trung Thực, Phó giám đốc công an tỉnh cho biết, đế thời điểm 21 giờ, trên địa bàn không có tiếng pháo nổ. Tình hình trật tự trị an khá ổn định; mọi nhà sẵn sàng cho một cái Tết đầm ấm, vui tươi lành mạnh.
Đêm giao thừa, người dân TP. Đà Nẵng đổ xô về thăm quan, thưởng lãm đường hoa Xuân Bạch Đằng, một trong những điểm nhấn mới về du lịch của ‘thành phố đáng sống’ khu vực miền Trung.
Màn đêm buông xuống, giữa ánh sáng mờ ảo, vườn hoa Xuân càng thêm lung linh, ấn tượng.
Dòng người đổ ra đường đặc biệt đến các điểm bắn pháo hoa mỗi lúc một đông.
Mặc cho thời tiết se lạnh và đổ mưa phùn, các ngả đường chính hai bên Sông Hàn Đà Nẵng vẫn tấp nập dòng người.
Nhiều chương trình nghệ thuật chào đón năm mới được tổ chức sôi động các góc phố. Tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật truyền thống Chào xuân Quý Tỵ 2013. Dưới chân phía Nam cầu Sông Hàn rộn ràng các tiết mục hát chào Xuân.
Khác với vẻ vắng lặng của ngày 29 Tết, đường phố Hà Nội tối giao thừa đông nghịt người, chủ yếu là các bạn trẻ. Mặc dù nhiệt độ khá lạnh nhưng không ngăn được dòng người đổ về Hồ Gươm để đón năm mới.
Các bạn trẻ, với gương mặt rạng rỡ, nườm nượp đi chơi xuân. Những quán trà chanh, trà nóng…quanh khu vực hồ Gươm, phố Hàng Trống, nhà thờ Lớn trở nên vô cùng đắt khách.
Trước đó, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, ngày 9-2 cho biết công an thành phố đã huy động 100% lực lượng bảo đảm an toàn cho 29 điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa đón Xuân Quý Tỵ.
Ông Chung nhấn mạnh công an thành phố Hà Nội phấn đấu không để xảy ra đốt pháo và đua xe trái phép đêm Giao thừa Tết Quý Tỵ (9-2).
Đêm nay, tại bờ Hồ sẽ có 2 điểm bắn pháo hoa trước Bưu điện Hà Nội và trước trụ sở báo Hà Nội mới. Ngoài ra còn 28 điểm khác trong toàn thành phố. Pháo hoa đồng loạt được bắn từ 0h đến 0h15, với thời lượng bắn 15 phút tương tự như năm trước.
Từ Bạc Liêu, cô gái mới đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo gửi lời chúc “đến độc giả của báo Tiền Phong ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới một năm an lành - sức khỏe".
Thảo cho biết năm 2012 là năm đầy ắp những thay đổi đối với bản thân đặc biệt là khi giành được danh hiệu Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức. Kể từ thời điểm đó, cô rất bận rộn và những ngày Tết như thế này mới là thời gian dành cho cha mẹ và người thân.
Cũng như bao cô gái trẻ khác, Thảo cùng mẹ đi chợ xuân, dọn dẹp nhà cửa, cùng gia đình quây quần bên mâm cơm chiều tất niên và cùng nhau đón giao thừa sum vầy.
Các bạn sinh viên người Việt ở trường đại học giao thông đường bộ Matxcơva (Nga) vừa tổ chức một buổi đón Tết Quý Tỵ hết sức vui vẻ và ấm cúng tại nước Nga xa xôi và lạnh lẽo.
Không chỉ tích cực trong khâu trang trí chuẩn bị Tết, các bạn du học sinh còn “miệt mài ngày đêm, không ngại gian khó” luyện tập, chuẩn bị cho những tiết mục văn nghệ đặc sắc để biểu diễn trong dịp Tết Nguyên đán.
Dù điều kiện còn khó khăn nhưng các bạn đã hết sức cố gắng để cùng nhau chuẩn bị bữa tất niên đầy đủ và ấm cúng với đầy đủ những món ăn mang phong vị quê nhà nem rán, giò xào, gà, bánh chưng ...
Những món ăn bình thường tưởng chừng như phổ biến tại Việt Nam lại là của hiếm với các bạn sinh viên sống xa quê. Cùng tụ tập với nhau, gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cơm Tết, cùng nhau thưởng thức…cho quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân trong dịp mà lẽ ra phải được sum vầy bên nhau.
Từ vùng Siberia lạnh giá của nước Nga, bạn Nguyễn Ngân Giang sinh viên năm thứ hai khoa báo chí trường ĐH Tổng hợp Irkutsk chia sẻ, thời tiết ở vùng Siberia rất lạnh, có khi lên tới -30 độ C, tuyết phủ trắng trời. Cảnh vật ấy càng khiến những bạn SV xa nhà cảm thấy nao lòng nhớ đến cái tết âm lịch ấm cúng, quây quần bên người thân. Giang kể, dù khó khăn nhưng các bạn vẫn cố gắng làm bữa cơm cúng thật đầy đủ cho chiều tất niên. ‘Càng gần giao thừa càng cảm thấy nao lòng lạ. Vẫn cười nói mà nước mắt cứ chực chảy ra. Nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, nhớ người thân lắm’, Giang nói.
Hội trường của các đảo ở Trường Sa đều đã được trang hoàng mang đậm không khí Tết. Do điều kiện không thể có đào, mai thật nên các chiến sỹ đã làm ra những cây đào, mai, quất giả. Thân cây được làm bằng cây mù u hoặc phi lao.
|
Các chiến sĩ Trường Sa chuẩn bị đón xuân. |
Đại úy Nguyễn Văn Ngọc, điểm trưởng điểm B đảo Thuyền Chài cho biết: Hiện tại các anh em chiến sỹ trên đảo đã chuẩn bị xong mâm cơm tất niên. Sau bữa cơm, cả đảo sẽ tiến hành hái hoa dân chủ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Sau đó, toàn bộ các cán bộ, chiến sỹ sẽ tập trung ở hội trường để đón năm mới và nghe chúc Tết của Chủ tịch nước qua làn sóng phát thanh, truyền hình.
Theo VOV
Tại Mỹ, Hội thanh niên - sinh viên tại Boston, Mỹ tưng bừng tổ chức buổi gặp mặt đầu năm mang tên Tiễn Rồng đón Rắn – Boston Chào Xuân 2013.
Buổi gặp mặt ý nghĩa được coi là chương trình “3 trong 1” bao gồm sự kiện đón Tết Nguyên Đán, kỷ niệm Hội thanh niên - sinh viên tại Boston tròn một tuổi (14-2-2012 – 14-2-2013) và trao giải thưởng cho cuộc thi “Hành trình 13.000 cây số” - cuộc thi ảnh, bài viết về cuộc sống của các du học sinh trong khu vực Boston.
Anh Lê Hải, một thành viên trong BTC cho biết, để không thiếu hương vị truyền thống đặc trưng ngày Tết, ngày 26-1 vừa qua, các anh chị em đã cùng nhau gói được 20 chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp đẽ.
Các du học sinh Nhật đã tổ chức một bữa tiệc hoành tráng đón Xuân mới 2013 tại Hội trường tầng 5 tòa nhà Hollywood Plaza ở Roppongi Hills – trung tâm thành phố Tokyo với sự góp mặt của hai khách mời đặc biệt từ trong nước: nhạc sĩ Trương Quý Hải và ‘Giáo sư’ Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng).
Tiệc Tết vừa là dịp để các bạn sinh viên, thanh niên xa Tổ quốc trên khắp Nhật Bản được có cơ hội nhớ lại hương vị quê hương, và là cơ hội để các bạn gặp gỡ giao lưu, trò chuyện. Cũng nhân dịp này hội du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản (VYSA) tiến hành đại hội toàn thể và bầu ra Ban chủ tịch mới.
Anh Nguyên là một tiểu thương đang buôn bán ở Sofia (Bulgaria). Mải làm ăn mưu sinh nên thấm thoát đã gần 20 năm nay anh ít có điều kiện trở về ăn Tết ở Việt Nam. Xa quê nhưng anh Nguyên và vợ vẫn giữ nếp nhà. “Dù bận rộn đến mấy, tôi vẫn cố gắng thu xếp công việc để lo tổ chức đón Tết Nguyên đán cổ truyền chu đáo trên xứ người. Mình làm việc này để giữ nét văn hóa truyền thống trong gia đình đặc biệt với hai đứa con trai sinh ra ở Bulgaria biết được nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của quê nhà”, Anh Nguyên trao đổi với PV Tiền Phong qua Yahoo vào đêm giao thừa.
Xa quê nhưng những người như anh Nguyên luôn cảm thấy ấm áp khi được sẻ chia với cộng đồng người Việt về ngày Tết truyền thống. “Đêm giao thừa và ngày mùng một năm nay rơi đúng vào thứ 7 và Chủ nhật nên chúng tôi có thời gian chuẩn bị Tết chu đáo hơn. Mấy gia đình cùng chung nhau gói bánh chưng. Ở siêu thị có đủ cả bánh mứt và các mặt hàng Tết. Chúng tôi cảm thấy như ở nhà nhưng dù sao cũng không khỏi bùi ngùi nhớ về quê cha đất tổ trong giây phút giao thừa thiêng liêng”.