Giáo sư James cho biết, trang từ điển trực tuyến của ông sẽ được cập nhật thường xuyên, liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu của công dân các quốc gia nói tiếng Mã Lai, cũng như học viên ở các nước khác.
“Mặc dù cả Brunei và Malaysia đều khá tích cực phát hành các bộ từ điển, nhưng có lẽ phạm vi đối tượng phục vụ chưa thực sự rộng lớn. Ví như, ở Brunei, suốt 20 năm nay, từ điển của họ hầu như chỉ để phục vụ cho công dân nước mình”.
“Tuy nhiên, cái chúng ta đang thiếu là một cuốn từ điển không chỉ dành cho công dân trong nhóm các nước nói tiếng Mã Lai, vươn xa hơn, nó sẽ còn rất hữu ích đối với những học viên quốc tế quan tâm tới loại ngôn ngữ này” - Giáo sư James khẳng định.
Tiếng Mã Lai lần đầu được đưa vào giảng dạy tại trường Đại học Bắc Illinois năm 1962 và số lượng học viên có hứng thú với bộ môn ngoại ngữ này ngày một đông.
“Không chỉ sinh viên trường Đại học Bắc Illinois, rất nhiều người khác muốn học tiếng Mã Lai và muốn có phương tiện hỗ trợ, giúp việc học tập trở nên thuận tiện hơn” - ông James giải thích.
Theo kế hoạch, giáo sư James và một số cộng sự sẽ cho ra đời một trang từ điển Mã Lai trực tuyến miễn phí, cung cấp những khái niệm, những cách định nghĩa chi tiết và đặt câu để giải thích rõ nghĩa hơn cho từ vựng.
“Nó sẽ khác biệt, giá trị và ưu việt hơn những từ điển trực tuyến Mã Lai hiện nay. Khi bạn tra một từ nào đó, bạn có thể click chuột và nghe giọng phát âm chuẩn để học theo”.
“Người sử dụng loại từ điển này phần lớn là thanh niên. Thế nên, chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật cả tiếng lóng của giới trẻ Malaysia và Brunei” - Giáo sư James cho biết .
Thanh Huyền
Theo Asiaone