> Một tuần, mắc mới hơn 2.000 ca tay chân miệng
> Thêm gần 5.000 người nhiễm tay chân miệng
Bệnh viêm da và tay chân miệng tấn công trẻ
Phòng khám chuyên khoa da liễu số 16 - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) chỉ trong sáng qua đã khám cho 89 bệnh nhi, trong đó phần lớn trẻ bị sẩn ngứa, viêm da tiếp xúc, chàm. Bác sĩ Phạm Thị Mai Hương cho biết, trẻ em dưới 2 tuổi dễ bị mắc chàm trong thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ khi thấy cơ thể con mọc chi chít những mụn nước li ti, mẩn ngứa lại tưởng bị bệnh thủy đậu nên kiêng nước, kiêng gió hoặc tắm qua bằng nước ấm, sau hàng tuần không thấy hết mụn mới đem con đến viện.
Trong gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bị chàm như: đồ chơi nhuộm màu, lông chó, mèo hoặc côn trùng. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo không nên mặc quần áo hoặc dùng chăn, đệm từ chất liệu len cho trẻ, mà nên sử dụng các loại vải cotton mềm. Quần áo mới của trẻ nên giặt trước khi mặc và gỡ mác ở cổ áo để tránh kích thích làn da non nớt của trẻ.
Đang là thời điểm có dịch tay chân miệng nên số lượng trẻ đến khám vì gia đình lo con mắc bệnh này cũng tăng cao. Tại phòng khám của bác sĩ Hương, đến trưa qua có 10 bệnh nhi được xác định mắc bệnh tay chân miệng với những nốt phỏng nước trên da và trong miệng, hầu hết trẻ đều sốt.
Tình trạng bệnh của những trẻ này theo bác sĩ Hương là thể nhẹ, chưa bị biến chứng, được cho thuốc về điều trị tại nhà và khám lại khi có dấu hiệu bất thường.
Virus viêm đường hô hấp hoành hành
Đưa con nhỏ mới 1,5 tháng tuổi từ Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) xuống Bệnh viện T.Ư khám, chị Vũ Thị Phương cho biết con bị sốt gần 40 độ đã 5 ngày, ho suốt đêm, đờm đặc. Thấy cháu sốt cao, bà nội cháu sốt ruột bắt đi mua thuốc chống co giật cho cháu uống một lúc 2 viên mà không cần chỉ dẫn của bác sĩ.
Ths. BS chuyên khoa cấp 2 Cù Thị Minh Hiền - Phó trưởng khoa Khám bệnh cho biết, việc tự ý cho trẻ uống thuốc chống co giật rất nguy hiểm vì đó là thuốc an thần, quá liều sẽ gây nguy hiểm tính mạng bé.
Theo thống kê của Khoa Khám bệnh, 80% số trẻ tới khám tại khoa là bệnh viêm đường hô hấp. Bác sĩ Hiền cho hay, không ít bệnh nhi bị viêm phổi, bố mẹ tự mua kháng sinh cho con uống, nhưng do không có chuyên môn nên dùng liều lượng quá nhẹ so với bệnh của trẻ, khiến tình trạng viêm phổi của cháu bé nặng hơn.
Một số trường hợp trẻ bị hen phế quản bố mẹ tự ý cho con uống thuốc nên bệnh không giảm, cơn hen gây khó thở khiến trẻ phải đi cấp cứu giữa đêm. Có cha mẹ thấy con sốt tiêu chảy do virus cũng cho con uống kháng sinh trong khi kháng sinh không có tác dụng với virus.
Theo các BS, thời tiết giao mùa cũng khiến nhiều trẻ bị nhiễm virus đường hô hấp có tên là VRS, có khả năng gây bệnh cho mọi độ tuổi, nhưng hậu quả xấu nhất là gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Khoảng 70 - 80% chỉ biểu hiện triệu chứng viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, ho), và bệnh khỏi sau vài ngày mà không gây biến chứng gì.
Số ít trường hợp còn lại, virus phát tán xuống đường hô hấp dưới để gây viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Khi bệnh mới phát, bệnh nhân ho khan nhưng rồi cơn ho tiếp diễn ngày đêm, niêm mạc khí phế quản viêm dày, sinh đờm, khiến trẻ vướng đờm và khó thở, thở rít. Bệnh không có chỉ định kháng sinh do không có tác dụng với virus.