Giáng sinh khắp nơi: Lung linh, bình yên, chia sẻ…

TP - Giáng sinh 2016, giáo dân ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước tiết kiệm tiền trang trí để giúp đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Lượng người vui chơi, đón lễ tăng đột biến, nhưng các hoạt động diễn ra ấm áp, trật tự, yên bình…
Một tiết mục văn nghệ tại Nhà thờ Chính tòa (Giáo xứ Thánh tâm) Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh.

Đồng Nai: Tiết kiệm để chia sẻ với đồng bào lũ lụt

Năm nay, giáo dân Đồng Nai tiết kiệm tiền trang trí để đem yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh và đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. 

Dịp lễ Noel năm trước, nhà thờ Thanh Hóa (xã Hố Nai, huyện Trảng Bom) sử dụng hàng trăm dây đèn màu, xây dựng hàng chục mô hình (hang đá, bể cá, đoàn tuần lộc...) để tạo điểm nhấn. Năm nay, việc trang trí nhà thờ được cắt giảm, chỉ bằng 1/4 so với năm 2015. Nhà thờ cắt giảm chi phí trang trí và kêu gọi giáo dân quyên góp tiền trong ngày lễ Chủ nhật để gửi tặng đồng bào lũ lụt miền Trung. 

Dù nhà thờ Thanh Hóa không trang hoàng lộng lẫy nhưng tối 24/12, hàng nghìn người vẫn đổ về nhà thờ để cầu nguyện, vui chơi.

Trước đây, khi Giáng sinh về, 16.000 giáo dân thuộc Giáo xứ Hà Nội (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) thường tất bật cả tuần để trang trí nhà thờ, làm hang đá, lắp đèn màu dọc các tuyến đường nơi mình sinh sống. Năm nay, việc trang hoàng được cắt giảm tối đa, nhà thờ Hà Nội chỉ lắp một số đèn màu đơn giản ở những vị trí quan trọng và chuẩn bị một sân khấu để làm thánh lễ. Nhà thờ Hà Nội dịp Giáng sinh này không lộng lẫy như năm 2015 nhưng bà con nơi đây rất phấn khởi vì mọi người đã đóng góp được hàng trăm triệu đồng giúp đỡ đồng bào lũ lụt miền Trung. Ngoài ra, bà con cũng chung tay góp tiền, góp gạo để duy trì quán cơm nhân đạo, phục vụ người nghèo với 200 suất ăn/ngày; duy trì hoạt động của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi được thành lập năm 2009.

Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Nai, cho biết, Đồng Nai hiện là tỉnh có đông đồng bào Công giáo nhất ở Việt Nam với hơn 940.000 người. Năm 2016, gần 250 giáo xứ trong toàn tỉnh đã quyên góp tiền một ngày Chủ nhật (khi giáo dân đi lễ) để gửi các tỉnh miền Trung. Giáo dân toàn tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động bác ái xã hội, đóng góp được hơn 110 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo, chăm sóc trẻ khuyết tật, người không nơi nương tựa…

Nam Định: Đầm ấm, rộn ràng

Tại Nam Định, nơi có hơn 600 xứ đạo, họ đạo, với hơn 47 vạn giáo dân, chiếm 24,7% dân số toàn tỉnh, không khí đêm Giáng sinh thực sự nhộn nhịp, ấm áp. 

Ở các xứ đạo, họ đạo, khu dân cư từ trung tâm thành phố đến vùng nông thôn, ven biển của tỉnh, người dân chăng cờ hoa, đèn chiếu sáng tạo nên không gian lung linh trong đêm đón mừng Thiên Chúa Giáng sinh… Tại Nhà thờ Giáo xứ Phú Nhai - một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam với lối kiến trúc kiểu Pháp ở xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, không khí đêm lễ thực sự rộn ràng. Trên sân khấu, khi những ca khúc ca mừng Giáng sinh vang lên thì những hàng ghế phía dưới cũng đã kín chỗ.

Ông Đặng Phúc Giao, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định, khẳng định, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, các chức sắc và giáo dân ở các xứ đạo, họ đạo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào “Đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng, đẹp xứ đạo, họ đạo”. Bằng nhiều việc làm thiết thực, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã hiến hàng nghìn mét vuông đất và nhiều tỉ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng công cộng phục vụ đời sống, chung sức cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh xây dựng nông thôn mới…

Lâm Đồng: Tươi vui, bình yên

Tối 24/12, đông đảo người dân và du khách tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đón Giáng sinh 2016 trong không khí tươi vui, rộn ràng. Sau những ngày mưa kéo dài, hôm 24/12, tiết trời Đà Lạt se lạnh và khô ráo càng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi chơi lễ. Chưa đến 19 giờ nhưng tại khu vực trung tâm Đà Lạt như khu Hòa Bình, hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt và các nhà thờ lớn gồm nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt (nhà thờ con Gà), nhà thờ Don Bosco, nhà thờ Tin Lành…, lượng người đổ về rất lớn.

Tại các giáo xứ xa trung tâm thành phố Đà Lạt, ngay từ sớm, nhiều giáo dân đã có mặt tại nhà thờ để chuẩn bị làm lễ, cùng nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành đến cho mọi người.

Hà Nội: Lung linh, lấp lánh

Đồng bào Công giáo nô nức đến các nhà thờ như Hàm Long, Thái Hà, Làng Tám... Nổi bật nhất vẫn là Nhà thờ Lớn với nhiều cây thông sắc màu đẹp mắt. Mặt tiền nhà thờ là mô hình hang đá, nơi Chúa giáng sinh, được chăng đèn sáng lung linh. Hồ Gươm đêm Giáng sinh lung linh hơn khi được bao phủ bởi ánh đèn lấp lánh. Các nhà hàng, cửa hiệu lớn nhỏ trông thật bắt mắt với hình ảnh ông già Tuyết, những chú tuần lộc xinh xắn... Các trung tâm thương mại lớn dựng nhiều cây thông lớn, mô phỏng thành phố tuyết cầu kỳ, đẹp mắt tạo nên không gian lung linh.

Chưa đến 19 giờ, những tuyến phố lớn của Hà Nội đã chật kín người, các điểm gửi xe phục vụ phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm không còn chỗ trống, số đôi uyên ương đến đây chụp ảnh cưới dường như cũng đông hơn ngày thường. Dòng người đông đúc nhưng không hối hả, không chen lấn.

Ninh Bình: Trao nhau những lời chúc tốt lành

Tối 24/12, hàng ngàn người dân tập trung tại các khu vực trung tâm cũng như các nhà thờ, giáo xứ tỉnh Ninh Bình. Ngay từ rất sớm, dòng người nô nức đổ về khu vực Nhà thờ Đá Phát Diệm ngày càng đông để cùng vui chơi, thưởng thức các chương trình văn nghệ, cầu nguyện và làm lễ. Con đường dài khoảng 1 km nối từ đường lớn vào Nhà thờ Đá chật cứng người đi bộ. Nhiều giáo dân ở thị trấn Phát Diệm cho biết, tranh thủ đầu giờ tối, họ tập trung bên hang đá Chúa Hài đồng cầu nguyện và trao cho nhau những lời chúc tốt lành.

Chánh trương Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm Mai Văn Quý cho biết, Lễ đêm Giáng sinh được tổ chức gồm 2 phần Canh thức (chờ Chúa sinh ra) và Thánh Lễ, kết thúc là màn rước kiệu hoa tượng Chúa Hài đồng (Chúa mới sinh).

Gia Lai: Gắn bó, đoàn kết

Mục sư Siu Tum - Ủy viên Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đặc trách mục vụ tại Gia Lai khẳng định: Các tín hữu Tin lành ngày càng gắn bó, đoàn kết với cộng đồng các dân tộc, cùng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no và hạnh phúc, bà con nguyện làm hết sức mình để giữ sự yên bình và phát triển xã hội tốt đẹp. Mục sư Siu Tum cũng là người có công lớn trong việc vận động những người theo đạo “Tin lành Đêgar” với những phương thức hoạt động không đúng với sự răn dạy của Chúa, trái quy định của pháp luật quay trở lại hoạt động với đạo tin lành thuần tuý trên tinh thần “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”.

Gia Lai hiện có khoảng 124.000 đồng bào Công giáo và hơn 100.000 tín hữu đạo Tin lành đang sinh hoạt ổn định tại 113 chi hội, giáo xứ và giáo họ.

TPHCM: Giao thoa văn hóa

Tại các xóm đạo, nhiều tuyến đường, nhà hàng lớn, trung tâm thương mại rộn ràng những bản nhạc Giáng sinh, khoác lên mình tấm áo mới lung linh bởi những giàn đèn trang trí đa màu sắc, các mô hình hang đá Giáng sinh, cây thông Noel, Vòng lá mùa Vọng... sinh động, ý nghĩa, thể hiện nét giao thoa văn hóa đặc sắc của người dân TPHCM trong thời kỳ hội nhập.

Chiều 24/12, dường như mọi con đường đều hướng đến khu vực Nhà thờ Đức Bà trên đường Đồng Khởi và khu phố đi bộ Nguyễn Huệ được trang trí đèn màu lung linh huyền ảo, thu hút giới trẻ trong đêm Noel. Sự tập trung của hàng vạn người đã làm các tuyến đường khu vực Nhà thờ Đức Bà, Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố, trung tâm Quận 1 luôn ở tình trạng ùn ứ, khiến các lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự đô thị hoạt động rất vất vả, nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.