Ngày 14/5, đại diện Viện KSND tỉnh Hòa Bình nêu quan điểm giải quyết vụ án gian lận thi THPT Quốc gia các năm 2017 - 2018. Theo kiểm sát viên, dù một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng đủ cơ sở xác định 15 bị cáo trong vụ đã cấu kết, nâng điểm thi THPT Quốc gia cho 65 thí sinh gồm 64 em thi năm 2018 và 1 em thi năm 2017.
Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn - Phó hiệu trưởng trường nội trú Lạc Thủy kiêm ủy viên chấm thi trắc nghiệm bị xác định nhận 300 triệu đồng từ Hồ Chúc- giáo viên trường THPT Thanh Hà sau khi nâng điểm cho 2 thí sinh.
Cơ quan truy tố xác định, bị cáo Nguyễn Quang Vinh- nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình là người có vai trò chính, chủ mưu chỉ đạo các bị cáo khác can thiệp bài thi theo hướng nâng điểm. Đánh giá vụ án, kiểm sát viên cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xúc phạm danh dự của giáo viên; ảnh hưởng kết quả học thật, thi thật... “Nếu vụ án không bị phát hiện, các cá nhân gian lận sẽ vào làm việc trong cơ quan nhà nước, việc này sẽ đẩy xã hội về đâu?” - người giữ quyền công tố đặt câu hỏi.
Từ đó, người giữ quyền công tố đề nghị tòa phạt Nguyễn Quang Vinh từ 7 - 8 năm tù; Khương Ngọc Chất- nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình từ 5 - 6 năm tù; 11 bị cáo khác nhận từ 12 tháng tù treo đến 4 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng Đỗ Mạnh Tuấn bị đề nghị nhận 10 - 12 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ…” và “Nhận hối lộ”; bị cáo Hồ Chúc bị đề nghị 2 - 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Ðỗ Mạnh Tuấn khai khi vụ việc bị phát hiện, Nguyễn Quang Vinh đề nghị mình nhận hết trách nhiệm, cụ thể: “Anh Vinh nói cứ nhận một mình, công việc bên ngoài, đời sống vợ con, che chắn, anh chị bên ngoài sẽ lo… Vinh dặn bị cáo nếu đến cùng không thể từ chối được, phải khai. Còn anh chỉ nhận phần thiếu trách nhiệm”.