Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội:

Giảm tuyến buýt nhưng tăng sản lượng hành khách

TP - Với mục tiêu hợp lý hóa luồng tuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), trong các tháng đầu năm 2024, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội (Sở GTVT) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Kết quả ban đầu cho thấy, số lượng các tuyến buýt đã được tổ chức, sắp xếp hợp lý, giúp tăng được sản lượng hành khách.
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các cấp Sở Ngành làm thủ tục khai trương Trung tâm Điều hành giao thông thông minh

Đánh giá về các kết quả đơn vị thực hiện trong 6 tháng đầu năm, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội (Tramoc) Thái Hồ Phương cho biết, cùng với thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ được UBND thành phố và Sở GTVT giao, trong 6 tháng đầu năm Tramoc tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) và hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt.

Cụ thể, Tramoc đã thực hiện điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, dịch vụ các tuyến buýt theo phương án hợp lý hóa mạng lưới tuyến buýt giai đoạn 1 đã được UBND thành phố chấp thuận và tổ chức giao thông chung, trong đó đã thực hiện điều chỉnh lộ trình, dịch vụ đối với 83 tuyến buýt; điều chỉnh lộ trình do tổ chức giao thông đối với 68 tuyến buýt và điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 84 tuyến buýt, triển khai các thủ tục để dừng hoạt động đối với 5 tuyến buýt từ 1/4/2024. Tổ chức lại hoạt động 08 tuyến buýt theo phương án tổ chức vận hành tại điểm trung chuyển Cầu Giấy (nhà ga S8) để phục vụ tuyến đường sắt số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội vận hành đoạn trên cao từ ngày 8/8.

Tham mưu Sở GTVT triển khai phương án gia hạn hợp đồng thầu, phê duyệt dự toán bổ sung đối với 9 tuyến buýt hết hạn thầu năm 2024, phối hợp với các đơn vị vận hành triển khai các thủ tục đặt hàng thí điểm đối với 05 tuyến buýt điện trung bình và nhỏ trên địa bàn Thành phố; Phát triển mới 86 điểm dừng, bổ sung 5 pano, di chuyển, hợp lý hóa 59 điểm dừng và 5 pano, thực hiện 1.570 lượt duy tu biển báo, điểm dừng, nhà chờ, pano đầu cuối; Báo cáo Sở GTVT phương án duy tu, chỉnh trang hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô.

Tham mưu Sở GTVT công tác thí điểm và nhân rộng thí điểm triển khai thẻ vé điện tử liên thông, trong đó đã trình UBND Thành phố, gửi Sở Tư pháp, Sở Tài chính thẩm định phương án vé liên thông đa phương thức cho VTHKCC trên địa bàn thành phố Hà Nội; Tiếp tục triển khai thí điểm nhân rộng vé điện tử liên thông đối với 10 tuyến buýt của Tổng công ty vận tải Hà Nội (nâng tổng số tuyến thí điểm lên 25 tuyến) và triển khai thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) đảm bảo tiến độ thực hiện thí điểm và triển khai toàn mạng vào năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượt kiểm tra giám sát đạt trên 3,2 triệu lượt (bằng 93% so với cùng kỳ 2023), qua công tác kiểm tra đã lập 411 biên bản (bằng 55,7% so với cùng kỳ 2023), thu từ xử phạt vi phạm hợp đồng trên 87 triệu đồng (bằng 46% so với cùng kỳ 2023); Triển khai xong công tác đặt hàng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị năm 2024 đối với tuyến 2A, Cát Linh - Hà Đông; Hoàn thành cơ bản công tác tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng giao thông và đưa vào vận hành an toàn đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội);

“Việc triển khai một số nhiệm vụ chuyên môn đã mang lại được những kết quả bước đầu, trong đó số lượng tuyến buýt giảm 5 tuyến, số km hành trình giảm 2,5%, nhưng sản lượng đã tăng 7,4%, doanh thu tăng 2,1%, trợ giá giảm 1,5%. Việc triển khai thí điểm thẻ vé điện tử liên thông, thẻ vé tháng ảo đã góp phần giảm thủ tục, chi phí đi lại làm vé tháng của hành khách, cắt giảm lao động bán tem vé tháng tại các điểm bán vé tháng của Trung tâm”, ông lãnh đạo Tramoc đánh giá.

Xe buýt có trợ giá hoạt động trên đường phố Hà Nội

Tiếp tục ứng dụng công nghệ và triển khai vé điện tử

Thời gian qua, Tramoc chú trọng đến triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hoạt động của VTHKCC, trong đó đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quy định về việc quản lý và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống thu soát vé tự động (AFC) liên thông dùng trong giao thông công cộng, triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử trên 25 tuyến buýt.

Đặc biệt, sáng 4/7, Sở GTVT Hà Nội và Trung Tâm quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức khai trương thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh (TOC). Cùng với hỗ trợ công tác theo dõi, điều hành giao thông, trung tâm TOC còn cung cấp thông tin xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh và clip phương tiện vi phạm để cơ quan chức năng xử phạt nguội.

Với các nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, đại diện Tramoc cho biết, đơn vị chú trọng vào công tác rà soát, điều chỉnh mạng lưới tuyến, hạ tầng xe buýt, trong đó tham mưu, đề xuất Sở Giao thông vận tải phương án điều chỉnh hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt theo phương án giai đoạn 2; Xây dựng phương án, kế hoạch xử lý đối với các tuyến buýt hết hạn thầu năm 2025 (gắn với đề án chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tiếp tục triển khai khoa học công nghệ, triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Trình lãnh đạo UBND Thành phố phê duyệt Đề án Giao thông thông minh; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ tổ chức triển khai công tác thí điểm hệ thống giao thông thông minh; Báo cáo UBND Thành phố đánh giá kết quả thực hiện thí điểm thẻ vé điện tử liên thông, đề xuất phương án triển khai áp dụng thẻ vé điện tử cho toàn mạng lưới trong năm 2024. Nâng cao công tác vận tải, kết nối với mạng lưới VTHKCC tại 2 tuyến đường sắt đô thị đã đưa vào sử dụng là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy…