Giảm nghèo ở Việt Nam vẫn chưa hoàn tất

TP - Theo các chuyên gia, việc Việt Nam tập trung quá nhiều nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm giảm bớt cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng như cho giảm nghèo. Những thách thức cũ vẫn tồn tại trong khi thách thức mới đang phát sinh khiến Việt Nam khó giảm nghèo.

> Ấn Độ phát 58 tỷ USD tiền mặt cho dân nghèo
> Nhiều chính sách miễn giảm đối với gia đình có công và hộ nghèo

Tại hội thảo “Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2012” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố ngày 24-1, TS Valerie Kozel, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho rằng, nhiệm vụ giảm nghèo ở Việt Nam vẫn chưa hoàn tất và càng khó khăn.

Điều này một phần do Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới. Dù hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo nhưng rất nhiều hộ trong số đó có thu nhập sát chuẩn nghèo và rất dễ tái nghèo.

Các cú sốc đặc thù như mất việc, thiên tai, gia đình có người tử vong, đau ốm, hoặc các cú sốc liên quan biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính toàn cầu, rủi ro vĩ mô như lạm phát, bất bình đẳng và nợ công… là những thách thức thường trực đối với nhiệm vụ giảm nghèo.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực cũng là nguyên nhân quan trọng thách thức việc giảm nghèo.

Hiện việc phân bổ nguồn lực tín dụng ở Việt Nam đang có nhiều bất cập. Việc tập trung nguồn lực vào hơn 1.000 doanh nghiệp Nhà nước sẽ không còn cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, nơi tạo ra nhiều việc làm và đóng góp nhiều nhất cho giảm nghèo.

“Bên cạnh đó, đất đai bị tích tụ nhanh trong tay một số người khiến họ giàu lên nhanh chóng đồng thời gây ra hậu quả lớn cho thị trường bất động sản. Sự giàu lên của nhóm người này trả giá bằng sự nghèo đi của nông dân”- Bà Lan nói.

 Nhiệm vụ giảm nghèo ở Việt Nam vẫn chưa hoàn tất và càng khó khăn. Điều này một phần do Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới. Dù hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo nhưng rất nhiều hộ trong số đó có thu nhập sát chuẩn nghèo và rất dễ tái nghèo.  

Theo TS Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, có 4 thách thức với công cuộc giảm nghèo của Việt Nam như: Nghèo tập trung ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số; một số dạng rủi ro có xu hướng tăng; bất bình đẳng có xu hướng gia tăng; tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong những năm đầu của thập niên, tái cơ cấu nền kinh tế tuy đem lại tác động tích cực lên tăng trưởng trong dài hạn song sẽ có những chi phí về kinh tế và xã hội trong ngắn hạn.

Đại diện WB cho rằng, phải khiến tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi nhóm dân, bằng cách mở rộng đầu tư vào khu vực nông thôn và tăng năng suất lao động nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó, Việt Nam cũng nên cải thiện các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội để có thêm nhiều hộ nghèo được hưởng lợi. Hiện nay, chỉ khoảng 50% hộ nghèo nhất hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo của Chính phủ, và mức trợ cấp nhìn chung còn rất thấp.

Theo Báo giấy