Giám đốc Sở văn hóa thể thao TPHCM trần tình việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt

TPO - Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, có nhiều lý do chính đáng để đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ giao lộ Phan Đăng Lưu đến Cầu Bông).

Chiều 10/7, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM, nhiều đại biểu (ĐB) băn khoăn về đề xuất đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ giao lộ Phan Đăng Lưu đến cầu Bông).

Đại biểu Huỳnh Đăng Linh đánh giá việc đặt tên đường ở TPHCM hiện nay không giống ai và không mang ý nghĩa. Đôi khi còn rất…buồn cười. Ông Linh dẫn chứng: Quận Bình Tân có đường Tên Lửa. Quận Tân Phú có đường Bờ bao Tân Thắng,…Nhiều tuyến đường còn mang số dù Qũy tên đường của TPHCM không thiếu tên.

Đại biểu Huỳnh Đăng Linh

Đại biểu Trương Thị Ánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM nói theo kết quả khảo sát, thăm dò ý kiến thì số người đồng thuận đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt là hơn 65%, cao hơn so với số người phản đối. Tuy nhiên, 35% số người được hỏi ý kiến không đồng tình với việc đặt tên đường cũng là con số không nhỏ.

ĐB Trương Thị Ánh chất vấn: Dù ít hơn nhưng Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) có tìm hiểu lý do vì sao người dân không đồng thuận và có giải pháp gì để an dân nếu triển khai thực hiện đặt lại tên đường?

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ băn khoăn: Việc đặt, đổi tên đường ảnh hưởng đến người dân như thế nào? Đề nghị giám đốc Sở VHTT nói rõ.

Theo Giám đốc Sở VHTT Huỳnh Thanh Nhân, việc đặt, đổi tên đường là hoạt động bình thường. Từ nay đến tháng 9/2020, TPHCM sẽ đặt tên mới cho 200 tuyến đường.

Nói về đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết Sở VHTT đã tiếp nhận ý kiến của Hội Di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa, Hội Khoa học lịch sử TPHCM… Trên cơ sở nghiên cứu, Sở VHTT đánh giá Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã có công lao rất lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa.

Giao lộ Đinh Tiên Hoàng  - Phan Đăng Lưu có di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt

Vì vậy, Tờ trình đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt đã đưa ra 5 lý do, như Đức Tả quân có công lao rất lớn. Vị trí đặt tên đường hiện nay vẫn còn lại di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Việc đặt lại tên đường còn nhằm tránh trùng tên vì quận Bình Thạnh đã có đường Đinh Bộ Lĩnh. Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng đang xem xét đổi tên cũng thuộc quận Bình Thạnh.

Ngoài ra, ông Nhân còn cho biết khu vực này có nhiều tuyến đường được đặt tên gắn với các danh nhân cùng thời với Tả quân Lê Văn Duyệt như Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị, …

“Điều 17, Nghị định 91 của Chính phủ về quy chế đặt tên đường, quy định lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, nhân dân… Sở đã làm từng bước, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Qua theo dõi sự phản hồi lại, Sở xác định hầu hết các chuyên gia và đông đảo nhân dân đồng tình. Băn khoăn lớn nhất đối với một số người dân là khi đặt lại tên đường thì các hồ sơ, giấy tờ phải làm lại, vừa mất công, mất thời gian, vừa tốn kém kinh phí”, ông Nhân cho hay.

Giám đốc Sở VHTT TPHCM cho biết đã thông qua Hội đồng đặt, đổi tên đường của thành phố với 23 thành viên. Trong 23 phiếu phát ra, 20 phiếu thu về đồng ý đặt lại tên đường. Ba phiều còn lại thì chưa gửi về.

Đối với băn khoăn, lo ngại của người dân, Sở VHTT sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương thông tin tuyên truyền. Nếu tờ trình được HĐND TPHCM thông qua, Sở VHTT sẽ tham mưu UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh có kế hoạch tạo điều kiện cho người dân 2 phường 1, 2 đổi hồ sơ, giấy tờ.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ vẫn chưa hài lòng. Bà Lệ chất vấn: Vì sao không đặt lại tên cho toàn tuyến? Ở TPHCM đang có tình trạng một tuyến đường có 2 tên như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi. Bây giờ Là Đinh Tiên Hoàng – Lê Văn Duyệt. Du khách nước ngoài họ rất thắc mắc.

Ông Huỳnh Thanh Nhân đáp: Nếu thay hết thì TPHCM không còn tên đường Đinh Tiên Hoàng nữa. Việc đánh số nhà theo thứ tự trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa quận Bình Thạnh và quận 1 khác nhau. Vì vậy, đặt lại tên một đoạn là hợp lý. Đoạn đường này trước ngày 30/4/1975 cũng mang tên Lê Văn Duyệt. Sau năm 1975, thành phố mới đặt lại tên Đinh Tiên Hoàng.

Theo đại biểu Trương Thị Ánh, có hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng vừa qua đã được thăm dò ý kiến và số đông đồng ý đặt lại tên đường. “Sở VHTT đưa ra 2 giải pháp, tuyên truyền vận động và tạo cơ chế hỗ trợ người dân chỉnh sửa lại giấy tờ. Tôi đồng tình với anh Nhân”, bà Ánh nhấn mạnh.