Giám đốc Công an Nghệ An: Xử nghiêm CSGT hoá trang lạm quyền

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói về việc Công an TP Vinh lập các tổ tuần tra cải trang, cho phép CSGT mặc thường phục kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm đang gây băn khoăn dư luận.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội chiều 30/10.

-Mới đây, Công an TP Vinh (Nghệ An) lập tổ tuần tra cải trang, cho phép CSGT mặc thường phục kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm đang gây băn khoăn, tranh cãi trong dư luận. Ý kiến của ông về việc này?

Để đảm bảo an ninh, trật tự dịp diễn ra APEC, tất cả lực lượng công an các địa phương đều triển khai nhiệm vụ cụ thể. Trong quá trình đó, theo quy định, công an, CSGT có thể tuần tra một cách công khai, cũng có những lúc hoá trang mật phục để bắt đối tượng phạm tội. Phải có tổ mật phục bắt tội phạm nếu không sẽ bị lộ.

Trong quy định của ngành, CSGT được hoá trang theo kế hoạch nhất định. Nhưng phải khẳng định rằng, dù hoá trang hay công khai thì lực lượng đều phải thực thi công vụ đúng theo quy định pháp luật.

Quy định của ngành rất rõ, với nhân dân phải kính trọng, lễ phép; thực thi pháp luật phải tuân thủ quy định. Người dân vi phạm tuỳ mức độ để xử lý, vi phạm hành chính nhẹ nhàng thì nhắc nhở, vi phạm hành chính cao hơn một chút thì xử phạt và có biên bản, hồ sơ, vi phạm nghiêm trọng, phạm tội thì xử nặng hơn.

CSGT hóa trang phối hợp với CSGT mặc sắc phục công khai xử lý vi phạm.

-CSGT hoá trang có được ra đường chặn phương tiện vi phạm giao thông không, thưa ông?

Không bao giờ. CSGT hoá trang chỉ hỗ trợ cho lực lượng công khai. Anh em hoá trang không bao giờ làm một mình cả. Số anh em cảnh sát hoá trang chỉ được bắt người phạm tội quả tang, đang thực hiện hành vi phạm tội. Mà khi thực hiện hành vi phạm tội quả tang thì bất cứ người dân nào cũng được bắt giữ cả. Cảnh sát hóa trang có trách nhiệm bắt nếu đó là phạm tội.

Còn người dân vi phạm bình thường thì lực lượng cảnh sát hoá trang phải thông báo cho lực lượng cảnh sát tuần tra công khai xử lý, chứ lực lượng hoá trang không được xử lý.

Cảnh sát hoá trang chỉ hỗ trợ, chứ không thể mặc thường phục mà ra đường chặn xe bất cứ chỗ nào được, bởi như thế là phản cảm, người dân làm sao biết anh mặc thường phục là ai, đúng không?. Nên không thể có chuyện đó được đâu.

-Trường hợp CSGT hoá trang lạm dụng kế hoạch để sách nhiễu, vượt quá giới hạn cho phép thì sẽ bị xử lý nghiêm minh?

Tất cả những trường hợp đó là vi phạm kế hoạch, vi phạm điều lệnh và tuỳ theo tính chất mức độ có thể bị xử lý, thậm chí bị giáng chức, tước danh hiệu công an nhân dân nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng.

Thực tiễn trường hợp ấy không bao giờ xảy ra, bởi khi có kế hoạch thống nhất thì anh em đã được tập huấn, thống nhất trước khi ra đường rồi.

Tôi xin nhắc lại, trừ trường hợp phạm tội quả tang thì trực tiếp bắt, còn vi phạm hành chính, vi phạm nhẹ thì chỉ được hỗ trợ cho lực lượng tuần tra công khai, không được lạm quyền trong trường hợp này.

Nếu xảy ra ở đâu thì đồng chí thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm và khi đó không được coi là thực thi đúng công vụ và sẽ phải thực hiện kỷ luật rất nghiêm khắc.

-Xin cảm ơn ông!

Không được sách nhiễu, gây phiền hà

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng việc làm của Công an TP Vinh (Nghệ An) phù hợp với Thông tư 01/2016 của Bộ này. Tuy nhiên việc CSGT cải trang mặc thường phục tuần tra kiểm soát phải được thực hiện theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tức là trong trường hợp CSGT thành phố Vinh hoá trang thì kế hoạch phải được Công an tỉnh Nghệ An phê duyệt. Các nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát.

Tại Điều 9 của Thông tư 01/2016 quy định: “Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong tổ để cải trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát để xử lý theo quy định của pháp luật; Bộ phận cải trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một tổ tuần tra phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

CSGT các địa phương khi thực hiện cần tránh lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với cải trang để sách nhiễu, gây phiền hà…

Theo Theo Dân Trí