> Giám định tư pháp: Nên tập trung một mối
Điều tra kéo dài do chậm giám định
Tính đến nay, tổng số giám định viên (GĐV) được bổ nhiệm và cấp thẻ là hơn 3.600 người trên nhiều lĩnh vực khác nhau (pháp y; kỹ thuật hình sự; pháp y tâm thần; tài chính- kế toán; văn hóa, xây dựng; tài nguyên môi trường; khoa học kỹ thuật…).
Ngoài 3 tổ chức GĐTP ở T.Ư (Viện Pháp y Quốc gia, Viện giám định pháp y tâm thần T.Ư, Viện Khoa học hình sự), cả nước có 44 trung tâm pháp y cấp tỉnh, 28 trung tâm giám định pháp y tâm thần trực thuộc sở y tế các tỉnh và 63 phòng kỹ thuật hình sự thuộc công an các tỉnh, thành.
Các cơ quan tố tụng vẫn đang sử dụng Bảng tỉ lệ tổn hại sức khỏe dùng trong giám định pháp y vận dụng quy định của Thông tư liên bộ số 12/TT-LB, ngày 26-7-1995 của liên Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH để đánh giá tổn hại sức khỏe trong giám định pháp y.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, bảng tỉ lệ này đã không còn phù hợp. Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng, ban hành mới bảng tỉ lệ tổn hại sức khỏe trong năm 2010, nhưng đến nay chưa xong.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” tại cuộc họp mới đây, hầu hết quy chuẩn chuyên môn dùng cho GĐTP của từng lĩnh vực chưa được các bộ, ngành ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn phù hợp.
Đây là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh tình trạng: Có nhiều kết luận giám định khác nhau về cùng một nội dung, thậm chí mâu thuẫn nhau do thiếu căn cứ khoa học thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Tại cuộc họp góp ý xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật GĐTP hôm 5-9, đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng CSĐT tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) cho biết: Do chưa có quy định về thời gian ra kết luận giám định nên có vụ làm 3 năm mới xong, thậm chí có vụ kéo dài 10 năm, gây ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết vụ án. Phía cơ quan điều tra cứ phải chờ kết luận giám định mới ra được kết luận điều tra.
Đại tá Nguyễn Đức Hiển nêu dẫn chứng vụ điều tra sai phạm ở Cty Bia Sài Gòn, vụ Cty Xăng dầu Hàng không, vụ sai phạm quản lý đất đai tại Bình Dương.
Sau khi cơ quan điều tra trưng cầu GĐTP, ngoài thời gian chờ các bộ ngành cử GĐV (có thể kéo dài hàng tháng trời), lại tiếp tục phải chờ GĐV có muốn làm hay không.
“Có nhiều trường hợp cần GĐV tài chính, ngân hàng, xây dựng, một số người còn từ chối làm hoặc nếu làm thì họ cứ ỳ ra, không ra kết luận. Pháp luật chỉ cấm không kéo dài thời gian giám định, nhưng chưa có chế tài xử lý việc này, nên cơ quan điều tra cũng bó tay”- ông Hiển nói.
Một vụ án, 2 kết luận ngược nhau
Ông Nguyễn Thế Bình (Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng) cho rằng nhiều vụ án “đầu voi đuôi chuột” có nguyên nhân chính do kết quả giám định.
“Có những vụ đối tượng khai chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng, nhưng khi có kết quả giám định lại nói không thiệt hại, dẫn đến vụ án bị đình chỉ”.
Để tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, ông Bình đề nghị cần phải có cơ chế giải quyết cụ thể khi một vụ án có 2 kết luận giám định khác nhau.
Thực tế, nhiều vụ án đã có kết luận giám định trái ngược nhau về cùng một nội dung, gây lúng túng cho cơ quan tiến hành tố tụng.
“Vậy cơ quan nào đứng ra giải quyết và chịu trách nhiệm cuối cùng về 2 kết luận khác nhau? Sử dụng kết luận nào? Căn cứ nào để sử dụng kết luận đó?” – ông Bình đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần có quy định rõ nghĩa vụ của GĐV trong việc tham gia phiên tòa và tranh luận.
“Trong nhiều vụ án phức tạp, cần làm rõ bản chất vụ án, thì vai trò của GĐV tại tòa lại chỉ là văn bản im lặng đặt trên bàn chủ tọa. Khi có những khiếu nại về kết quả thì chẳng có ai đứng ra trả lời, bên công tố cũng chỉ vin vào đó để buộc tội”.
Luật sư Thiệp đề nghị, mặc dù có quy định về quyền được yêu cầu giải thích kết luận giám định của người yêu cầu giám định, nhưng phải có chế tài buộc buộc cơ quan được trưng cầu phải trả lời về kết luận giám định.